Kết cấu giải quy phạm

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 151)

7. Giới thiệu bố cục luận án

3.3.3. Kết cấu giải quy phạm

Giải quy phạm là hình thức kết cấu được vận dụng khá tiêu biểu trong tiểu thuyết và truyện ngắn sau 1975 nhằm đưa ra quan điểm của con người hiện đại trong cuộc đối thoại dân chủ về mọi vấn đề của đời sống. Biểu hiện của kết cấu giải quy phạm là hình thức vận dụng thi pháp truyện cổ hoang đường, sử dụng các chất liệu của cổ tích, huyền thoại - hình thức “bình cũ” để rót thứ “rượu mới”- gửi gắm quan niệm hiện đại về con người và thế giới. Rõ nét nhất là các sáng tác “giả cổ tích”, “giả truyền thuyết”, “giả lịch sử” với đậm đặc các chi tiết liêu trai, các huyền tích, mô típ “huyền kì” quen thuộc, thậm chí dùng chính huyền thoại để giải thiêng, khiến con người không còn ảo tưởng về cái có thực, đồng thời dùng ảo giác về cái không có thực để làm cơ sở kiểm định đạo đức và tâm linh của con người.

Tác giả Hòa Vang đã mượn các yếu tố của truyền thuyết để làm nên một câu chuyện hoàn toàn mới mẻ. Vẫn chất liệu cũ, nhân vật cũ, nhưng diễn biến cốt truyện đã khác đi. Nàng Mị Nương đoan trang hiền thục, chấp nhận mọi sự sắp đặt của vua cha trước kia (Sơn Tinh Thủy Tinh) đã vượt thoát khỏi hàng rào luân lý, đến với tình yêu đích thực (Sự tích những ngày đẹp trời). Cái nhìn lại được bắt đầu từ món đồ sính lễ. Toàn bộ vật phẩm sính lễ được yêu cầu (voi, gà, ngựa, chào mào) đều có nguồn gốc từ vùng núi. Ý định chọn rể của vua Hùng đã rõ. Như vậy, cuộc thi thố kia cũng lấy đâu giá trị công bằng. Vậy thì, sự dối lừa của Thủy Tinh (nguồn gốc từ tình yêu lớn) cũng không đáng bị quở trách nặng nề như thế. Không có mục đích thay đổi huyền thoại, song tác giả đã hóa giải những ẩn ức cá nhân về một câu chuyện tình còn nhiều nếp gấp, từ đó, liên tưởng đến lẽ công bằng, đến những đúng sai, đến sự ràng buộc hay khoan dung của quan niệm luân thường về vấn đề phẩm giá. Thậm chí, có thể coi tác giả đã lên tiếng bênh vực cho nữ quyền. Câu chuyện tình này là lời đối thoại với niềm tin vào lẽ phải trái đúng sai của cuộc hôn nhân xưa trong truyền thuyết. Nhân sứ mượn câu chuyện của thầy trò Đường Tăng để nhấn mạnh vào khát vọng được sống cuộc sống con người của nhân vật Sa Tăng, dù cuộc sống con người hữu hạn và nhạt nhẽo… Qua cái hiện thực “giả” trong hai truyện ngắn trên, Hòa Vang không chỉ thể hiện sự tìm tòi cái mới trên phương diện hình thức. Tác giả đã mạnh dạn thể nghiệm một suy nghĩ mới, đối thoại với lối tư duy đã được mặc định, “đóng khung” trong kinh nghiệm thẩm mỹ của cộng đồng.

Nguyễn Huy Thiệp trong Những ngọn gió Hua Tát đã sử dụng các mô típ cổ tích thần kì để gửi gắm quan niệm về con người. Mô típ cô gái nghèo, xấu xí, số phận

hẩm hiu được đấng linh thiêng phù hộ biến đổi số phận được thể hiện trong truyện ngắn

Nàng Sinh. Là một cô gái mồ côi đáng thương, bị mọi người xa lánh, thui thủi một mình ven rừng. Nhưng Sinh lại là người duy nhất dễ dàng nhấc được hòn đá trong đền thờ chàng Khó – việc mà chẳng ai làm được. Thoắt nhiên, từ sự việc đó, nàng Sinh bỗng trở nên xinh đẹp lạ thường. Nàng được người khách lạ - đồn rằng là một Hoàng đế cải trang đi vi hành - đón đi, sống một cuộc đời sung sướng. Mô típ báo ứng rất rõ trong Sói trả thù. Con trai duy nhất của người thợ săn họ Hoàng tiếng tăm vang dội khắp các bản mường đã chết thảm thương dưới hàm răng trắng nhởn của con sói được nuôi trong nhà. Đó là con sói con, thành quả từ cuộc đi săn một năm trước đó. Tiệc xòe vui nhất sử dụng mô típ kén rể để bày tỏ khát vọng về hạnh phúc của con người. Kết quả sự lựa chọn thuộc về chàng trai có phẩm chất trung thực, người có khả năng “cứu chuộc được tội lỗi và mang tình yêu đến được cho thế gian”.

Trong các tác phẩm “giả cổ tích” nói trên, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một cái nhìn khác khi để cho nhiều câu chuyện “cổ tích” của mình kết thúc không có hậu. Chàng Khó dũng mãnh (Trái tim hổ) dù giết được con hổ nhưng sau đó đã mất mạng. Trái tim hổ cũng bị kẻ xấu đánh cắp. Còn nàng Pùa thì chết vì chẳng có ai cứu chữa đôi chân cho nàng. Câu chuyện trái tim hổ dần bị quên lãng như “bao điều cay đắng xảy ra trên thế gian này”. Nàng Bua (Nàng Bua) xinh đẹp, sống khỏe mạnh, lạc quan với chín đứa con không cha và bao lời đàm tiếu. Dù nghèo, nàng vẫn hạnh phúc. Nhưng khi trở thành người giàu có, nàng lại chết trong cuộc sinh nở ấm áp, đủ đầy nhung lụa. Cuộc đời đầy chiến tích của ông Pành (Đất quên) cũng kết thúc bằng một cơn đau tim khi ông không vượt qua nổi thử thách để cưới cô gái trẻ đẹp mà ông yêu. Đau đớn hơn, người mà ông đánh đổi cả tính mạng để được cùng chung sống “bận đi xem chọi gà” và chẳng quan tâm đến cái chết của một người đàn ông si tình như thế… Kết thúc không có hậu trong truyện Nguyễn Huy Thiệp phải chăng là một lời đối thoại với những ảo tưởng của con người vào thực tại? Cuộc sống vốn đa sự và ẩn chứa biết bao phi lí. Cần nhìn nhận nó một cách thẳng thắn, tránh tô điểm theo chiều hướng huyền thoại giản đơn, xuôi chiều, dễ dãi.

Một số nhà văn cũng mượn điển tích để tạo ra “huyền tích” riêng cho tác phẩm của mình. Thiên sứ (Phạm Thị Hoài) là một ví dụ. Hành vi dị thường của cô bé Hoài được mượn từ tiểu thuyết Cái trống thiếc của nhà văn Gunther Grass (Điều này cũng được tác giả chú thích ở lời đề từ cuốn tiểu thuyết Thiên sứ: “Cuốn sách bắt đầu từ một điển tích của nhà văn G.G…”). Cái trống thiếc kể về một cậu bé chủ ý ngã vào cái

trống và mang tật để luôn luôn là đứa trẻ lên bảy, được quan sát và phản ứng với thế giới xung quanh. Cô bé Hoài cũng chủ ý chống lại thế giới người lớn bằng cách mãi mãi thu nhỏ trong hình hài 14 tuổi. Thiên sứ cũng sử dụng mô típ kén rể của cổ tích. Chương 12 của tiểu thuyết mang tên “Lễ cầu hôn”, một lễ cầu hôn đặc biệt dành cho chị Hằng và “hai trăm chín mươi chín phò mã tương lai”. Chi tiết còn lại 10 chàng trai “khôn ngoan và hùng mạnh” nhất; chi tiết “5 chàng Sơn Tinh, 5 chàng Thủy Tinh” trong cuộc đua dâng lễ vật xuất hiện từ không giờ sáng; chi tiết mô tả các kiểu “lễ vật” mà đám “phò mã” đem dâng tùy theo tính chất nghề nghiệp mỗi người; chi tiết ngẫu nhiên chàng nhân viên bộ ngoại giao giành được hạnh phúc, đưa “Mị Nương” đến thẳng phòng đăng kí kết hôn… không có mục đích để người đọc tin. Cái đáng nói là đằng sau cái lễ cầu hôn phi thực, điên rồ và nhộn nhạo kia là cuộc sống thời “mở cửa” với biết bao hỗn độn, là tình trạng hiện sinh vô nghĩa, ngớ ngẩn lạ lùng của con người. Ở đó, cái đẹp là miếng mồi ngon bị dày vò, tha hóa.

Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái sử dụng mô típ báo ứng để trừng phạt kẻ ác. Mai Trừng đại diện cho sức mạnh của lẽ phải với khả năng phát điện trường trừng phạt kẻ ác. Kẻ xấu định xâm phạm cô bằng cách nào, ngay lập tức sẽ bị trừng phạt theo cách ấy. Cả ba chàng trai con nhà giàu, đủ đầy mọi uy thế trong đời sống hiện đại nhưng đã lần lượt bị hạ chết chỉ vì chúng đã tìm cách uy hiếp kẻ yếu, trong đó có cô. Cũng trong tiểu thuyết này, Hồ Anh Thái đặt vấn đề về hành trình hướng thiện của con người qua nhân vật Đông. Kẻ ác quay đầu sẽ được bao dung. Triết lí được đặt ra ở đây là: kẻ ác bị trừng phạt nhưng kẻ ác vẫn có cơ hội giác ngộ và hướng thiện.

Ngoài các chi tiết kì ảo, Giàn thiêu (Võ Thị Hảo) còn hấp dẫn bởi các mô típ báo ứng, đầu thai, luân hồi. Cung nữ Ngạn La đã kinh hoàng khi được chứng kiến cảnh hồn ma của Dương Thái hậu và các thị nữ vây quanh cắn xé hồn ma Thái hậu Ỷ Lan. Sự trả thù của các hồn ma cõi âm như một bài học cho người sống về mối quan hệ nhân quả. Gieo nhân nào, gặp quả đấy – đó là cái lí mà cổ tích xưa thường lấy đó làm gương răn mình cho con cháu. Cũng trong thiên truyện này, mô típ đầu thai được thể hiện qua kiếp sống thứ hai của Từ lộ. Dấu ấn của kiếp trước đôi khi hé lộ trong ánh mắt lạ kì của cậu bé Dương Hoán khi còn nhỏ, trong cái nhìn đắm đuối khó hiểu của Dương Hoán với sư bà Nhuệ Anh. Có thể tìm thấy mô típ đầu thai, luân hồi trong nhân vật Savitri (Đức Phật nàng Savitri và tôi - Hồ Anh Thái). Xây dựng nhân vật với khả năng sống

qua hai kiếp, các tác giả vừa tăng thêm tính kì ảo cho thiên truyện, vừa khẳng định yếu tố tiền định, số mệnh của con người.

Trong một số tác phẩm “giả lịch sử”, các nhà văn có ý thức dùng huyền thoại giải huyền thoại, phi thiêng hình ảnh người hùng, đồng thời tăng cường tính đối thoại trong cái nhìn về lịch sử. Với hàng loạt truyện ngắn: Phẩm tiết, Kiếm sắc, Vàng lửa,

Nguyễn Huy Thiệp đã vượt qua lối mòn bằng cách tạo ra hình ảnh các danh nhân lịch sử của riêng anh và truyền đạt một quan niệm hoàn toàn mới mẻ về con người. Nếu những ai chỉ biết ái mộ hình ảnh người hùng trong truyền thuyết sẽ cảm thấy “sốc” khi bắt gặp các vị vua Quang Trung và Gia Long với những ứng xử đầy tính bản năng. Gặp mĩ nhân, Quang Trung “thốt nhiên rùng mình hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay”, Gia Long “xây xẩm mặt mày… thở dài ngã lăn quay ra đất, ngất lịm đi”. Vẻ đẹp khác thường của Vinh Hoa đúng là một liều thuốc thử để hai vị vua bộc lộ nhân cách của họ. Không ai chiếm hữu được Vinh Hoa nhưng cả hai vị vua đều học được ở nàng cách nhìn nhận đời sống, đặc biệt nhìn ra cái cô đơn chốn ngôi cao của một bậc đế vương. Ánh đã từng đau đớn mà thốt lên rằng: “Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện”. Còn Quang Trung, khi chết đi đã không thể nhắm mắt tới khi được nàng Vinh Hoa đặt ngón tay lên vuốt xuống.

Kết cấu giải quy phạm được biểu hiện khá thuyết phục trong các sáng tác “giả liêu trai”. Đó thường là những câu chuyện kì lạ, hoang đường về ma quỷ, hoặc những nhân vật kì quái. Chuyện người cưới ma (Những đứa trẻ chết già – Nguyễn Bình Phương), người yêu ma (Chợ rằm dưới gốc cây cổ thụ - Y Ban), ma hiện hồn giao tiếp với người sống (Bến trần gian – Lưu Minh Sơn, Chuyến xe đêm – Y Ban, Nhân gian – Thùy Dương…), vật thành tinh giả người (Tinh chuột – Phạm Hải Văn) không còn xa lạ với độc giả. Đôi khi trong văn xuôi sau 1975 còn xuất hiện loại nhân vật bí ẩn, ma quái, khúc xạ những dự cảm âu lo của con người. Ví như truyện ngắn Giọt máu

(Nguyễn Huy Thiệp) có xuất hiện nhân vật qua đường với lời tiên tri kì lạ, ứng nghiệm với các thế hệ con cháu Phạm Ngọc Liên. Nàng Seo Ly (Seo Ly, kẻ khuấy động tình trường – Ma Văn Kháng) cũng là nhân vật ít nhiều mang tính huyền ảo với vẻ đẹp rờ rỡ khác thường. Cô đã trở thành phép thử đối với bọn đàn ông nơi vùng núi xa lắc. Vẻ đẹp cám dỗ ghê người của Seo Ly chôn vùi sự nghiệp của bao kẻ đàn ông háo sắc. Đó là một vẻ đẹp không thuộc về trần giới tục lụy. Nó chứa đựng sự hủy diệt ma quái đối với những ham thú phàm phu tục tử. Cô Mùi (Mẫu thượng ngàn – Nguyễn Xuân

Khánh) có sự quyến rũ “chết người” với mùi hương cơ thể say nồng ngây ngất – thứ hương “tình ái phương Đông”. Nàng Ngạn La (Giàn thiêu- Võ Thị Hảo) cũng mang vẻ đẹp kì bí này, vẻ đẹp “lạ lùng miên viễn”, hư ảo như một tiên nữ, “đôi mắt hoang dại huyền hoặc tỏa ra những làn chớp sáng thôi miên tất cả những người đàn ông”. Đôi lúc, vẻ đẹp đó “ma quái, hoang dại, rực hồng như ánh chiều sắp tắt”. Cái rốn như “chu sa” lấp loáng hiện bóng Tiên đế Nhân Tông khiến Ngạn La mãi là một trinh nữ không thuộc về ai, “một dung nhan mong manh không thể chạm tới và càng nung nấu nỗi khát thèm khôn nguôi”…

Có thể nói, kết cấu dòng ý thức, kết cấu phân mảnh hay kết cấu nhại cổ tích, huyền thoại chính là sự thể hiện những nỗ lực dứt khoát của nhà văn khi bứt phá khỏi mô hình kết cấu truyền thống “ngoan hiền” nhưng dễ gây nhàm chán. Hơn nữa, hình thức kết cấu mới cũng cho phép nhà văn thực hiện đòi hỏi của văn chương nghệ thuật hiện đại: đi sâu vào thế giới nội cảm của con người, thám hiểm cả những tầng sâu hoang vu nhất của vô thức, tâm linh. Sự đổi mới trong lĩnh vực kết cấu góp phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa của văn xuôi, đưa văn học Việt Nam dần dần hòa nhập với quỹ đạo chung của văn học thế giới.

3.4. Tổ chức ngôn ngữ hƣớng tới tính đa thanh, tính cá thể

Mang đặc trưng riêng của văn học giai đoạn mới, dân chủ và cởi mở, văn xuôi sau 1975 vì vậy khá phóng túng trong ngôn ngữ trần thuật. Trong ngôn ngữ không còn tồn tại duy nhất tiếng nói toàn tri của nhà văn - người biết hết. Ngược lại, tổ chức ngôn ngữ văn xuôi hướng đến tính đa giọng, đa thanh, tính cá thể. Chính nhờ đặc điểm này, văn xuôi có cơ hội thể hiện cái nhìn nhiều chiều, dân chủ, bình đẳng, độc lập về con người cá nhân.

3.4.1. Ngôn ngữ đa thanh – sự thể hiện nhu cầu đối thoại của cá nhân

“Đa thanh” được hiểu là “đa giọng”, “đa thoại”, “phức điệu”. Thực chất đó là một lối nói hình ảnh chỉ một quan niệm nghệ thuật mới mẻ trong miêu tả, thể hiện con người. Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, văn xuôi truyền thống chủ yếu phát triển trong quan niệm “đơn thanh”. Ở đó, chỉ có tác giả là người duy nhất có ý thức, biết suy nghĩ, đánh giá mọi sự việc, là chúa tể, nắm bắt mọi bí mật của cuộc sống. Nhân vật vì vậy dễ dàng tuân theo mọi sự phẩm bình, nhận xét, đánh giá ấy. Hầu như tất cả mọi sự kiện xảy ra đối với nhân vật đều được nhà văn – người kể chuyện cắt nghĩa, thấu suốt trong cái nhìn “biết hết”. Sự vận động và phát triển của nhân vật thường theo đường thẳng, nhất quán, ổn định, không gây những ngạc nhiên bất ngờ, ngược lại, hoàn toàn

dễ đoán định. Tư duy nghệ thuật mới đã phá bỏ tính đơn thanh nói trên, thay thế bằng tính đa thanh với sự bình đẳng dân chủ giữa người kể chuyện - nhân vật - độc giả. Câu chuyện không chỉ còn tồn tại một tiếng nói bởi được tăng cường tính đối thoại, mở ra sự đa nghĩa, phức điệu của tác phẩm. Gắn với cấu trúc đa thanh của truyện, ngôn ngữ tiểu thuyết, truyện ngắn thể hiện sự năng động, linh hoạt và thế mạnh khi đi sâu miêu tả con người “đa thái”, “đa ngã”.

Vận động chung trong khuynh hướng sử thi, ngôn ngữ văn xuôi trước 1975 cũng mang phẩm chất sử thi, nhất là khi miêu tả, thể hiện con người, những anh hùng tiêu biểu cho khát vọng, phẩm chất, sức mạnh của quần chúng, dân tộc, thời đại. Ngôn ngữ trần thuật trong những tác phẩm kiểu này vì vậy phần lớn đều thể hiện tính trang trọng, ngợi ca, hướng tới nâng cao tầm vóc và ý nghĩa con người và thường nhất quán, đơn thanh theo một hệ quy chiếu, một điểm nhìn nhất định. Nhà văn – người kể chuyện – thường giữ vai trò của người kể chuyện toàn tri, cung cấp cái nhìn có định hướng cho

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 151)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)