Quan hệ giữa mùa với các chỉ tiêu sinh lý máu

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng thích ứng của giống cừu phan rang nuôi ở thừa thiên huế (Trang 118 - 122)

V 2 1 A (g/con/ngày) =

3.2.6. Quan hệ giữa mùa với các chỉ tiêu sinh lý máu

3.2.6.1. Các chỉ tiêu sinh lý máu

Các chỉ tiêu sinh lý máu của động vật là sự phản ánh trạng thái trao đổi chất, sự thích nghi, trạng thái sức khỏe, sức sản xuất của con vật trong những điều kiện cụ thể, nhất định. Để đánh giá chi tiết về khả năng thích ứng của cừu trong điều kiện môi trường ở Thừa Thiên Huế, các chỉ tiêu sinh lý máu của cừu đã được tiến hành phân tích trên 24 con cừu Phan Rang nuôi ở Thừa Thiên Huế và 61 con cừu nuôi ở Ninh Thuận với với các nhóm tuổi: 1, 3, 6, 9, 12 và 15 tháng tuổi. Kết quả được tổng hợp xử lý thống kê và thể hiện ở bảng 3.18.

Bảng 3.18. Các chỉ tiêu sinh lý máu của cừu Phan Rang

Chỉ tiêu Thừa Thiên Huế Ninh Thuận

n M ± SEM n M ± SEM

Số lượng hồng cầu (triệu/mm3) 24 7,08 ± 011 61 7,52 ± 0,15

Hàm lượng hemoglobin (g%) 24 8,24 ± 0,15 61 8,93 ± 0,19

Chỉ số hematocrit (%) 24 40,30 ± 1,71 61 42,01 ± 2,24

Số lượng bạch cầu (nghìn/mm3) 24 8,69 ± 0,23 61 8,85 ± 0,30

Kết quả bảng 3.18 cho thấy, tất cả các chỉ tiêu theo dõi (hồng cầu, bạch cầu, hemoglobin và hematocrit) không có sự sai khác giữa hai nhóm cừu nuôi ở Ninh Thuận và Thừa Thiên Huế (P>0,05).

Ở nghiên cứu này, số lượng hồng cầu dao động 7,08-7,52 triệu/mm3. Kết quả nhiều nghiên cứu trong nước cho thấy, số lượng hồng cầu ở cừu dao động 9,49 - 10,23 triệu/mm3 (Đinh Văn Bình và CS., 2007; Trần Quang Hân, 2007b) và cao hơn kết quả của nghiên cứu hiện tại. Sự sai khác này có thể do

chế độ dinh dưỡng của cừu ở các phương thức nuôi khác nhau. Như đã trình bày ở phần trước cừu trong nghiên cứu này thức ăn chủ yếu là cỏ tự nhiên và các thức ăn thô, các loại thức ăn tinh bổ sung rất hạn chế. Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy số lượng hồng cầu của cừu phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng (Binev và CS., 2006; Olayemi và CS., 2000). Theo Binev và CS. (2006), hồng cầu của cừu Ile de France khi ăn ở khẩu phần hạn chế là 7,79 triệu/mm3, khi ăn khẩu phần có mức năng lượng và protein cao là 9,74 triệu/mm3. Hồng cầu cừu trong điều kiện nuôi thâm canh là 8,17 triệu/mm3 và nuôi quảng canh là 7,92 triệu/mm3 (Olayemi và CS., 2000); hồng cầu cừu Kajli là 7,20 - 10,60 triệu/mm3 (Saddiqi và CS., 2011), hồng cầu cừu Naimey là 7,9 – 8,4 triệu/mm3 (Al-Haidary, 2004). Jelineks và CS (1986) cho biết, hồng cầu của cừu dao động lớn (6,5-10,3 triệu/mm3 máu). Như vậy, số lượng hồng cầu trong máu của cừu nuôi trong điều kiện môi trường ở Thừa Thiên Huế là trong khoảng sinh lý bình thường.

Hàm lượng hemoglobin của cừu trong nghiên cứu là 8,24 - 8,93g%. Theo kết quả nghiên cứu của Đinh Văn Bình và CS. (2007), hàm lượng hemoglobin của cừu Phan Rang nuôi tại Ba Vì là 7,3g%. Số liệu trước đây cũng cho thấy hàm lượng hemoglobin có sự dao động lớn 6,19 - 13,53g% (Saddiqi và CS., 2011; Srikandakumar và CS., 2003; Olayemi và CS., 2000). Hàm lượng hemoglobin của cừu Omani là 13,43 - 13,53g% và cừu Merino là 10,53-12,65g% (Srikandakumar và CS., 2003); cừu Santa Ines và Bergamasca (Brazin) là 9,12 - 9,16g% (McManus và CS., 2008); cừu Belice (Ý) là 8,98g% (Piccione và CS., 2008); cừu Naimey là 11,04 – 11,4 g% (Al-Haidary, 2004); cừu West Africa Dwarf trong điều kiện nuôi thâm canh là 7,38g% và nuôi quảng canh là 6,19g% (Olayemi và CS., 2000). Như vậy, kết quả đánh giá về hàm lượng hemoglobin ở trong nghiên cứu này là nằm trong trạng thái sinh lý bình thường.

Chỉ số hematocrit của cừu dao động trong khoảng 40,30 - 42,01%. Kết quả này cao hơn các công bố trước đó (McManus và CS., 2008; Piccione và CS., 2008; Trần Quang Hân, 2007b; Jelíneks và CS., 1986). Số liệu các nghiên cứu dao động là 24,14 – 34,8%. Trần Quang Hân (2007b) cho biết, chỉ số hematocrit của cừu nuôi ở Đăklăk là 34,54-34,8%. Tuy nhiên, kết quả này phù hợp với khuyến cáo của Ullrey và CS., (1965). Theo Ullrey và CS. (1965), chỉ số hematocrit của cừu có sự dao động lớn 27,2 - 41,9%.

Số lượng bạch cầu dao động 8,69 - 8,85 nghìn/mm3. Kết quả này nằm trong giới hạn các nghiên cứu tương tự ở nước ta (Đinh Văn Bình và CS., 2007; Trần Quang Hân, 2007b). Các tác giả cho biết, số lượng bạch cầu của cừu nuôi ở Ba Vì và Đăklăk dao động 8,01 - 9,5 nghìn/mm3. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên cừu Awali thấp hơn (4,1-6,2 nghìn/mm3) (Bchattacharya

và Uwayjan, 1975) và trên cừu ở Brazin cao hơn (11,77-14,77 nghìn/mm3)

(McManus và CS., 2008); cừu West Africa Dwarf là 15,35 - 15,54 nghìn/mm3

(Olayemi và CS., 2000). Sự sai khác này có thể do khác biệt về giống.

Như vậy, các chỉ tiêu sinh lý máu (hồng cầu, hemoglobin, hematocrit và bạch cầu) của cừu nuôi trong điều kiện nhiệt độ, ẩm độ ở Thừa Thiên Huế mặc dù có sự dao động, nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý máu bình thường của giống cừu và không có sự sai khác với cừu nuôi ở Ninh Thuận. Kết quả này một lần nữa có thể kết luận, giống cừu Phan Rang có khả năng thích ứng được với điều kiện môi trường ở Thừa Thiên Huế.

3.2.6.2. Quan hệ của mùa với các chỉ tiêu sinh lý máu

Sinh lý máu của cừu chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau trong đó có nhân tố mùa vụ do sự thay đổi về nhiệt độ và ẩm độ, vì vậy thí nghiệm đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của mùa đến sinh lý máu. Kết quả được thể hiện ở bảng 3.19.

Bảng 3.19. Quan hệ giữa mùa với các chỉ tiêu sinh lý máu ở cừu

Chỉ tiêu Mùa nóng Mùa lạnh

n M ± SEM n M ± SEM

Số lượng hồng cầu (triệu/mm3) 20 6,80 ± 0,18 20 6,89 ± 0,16

Hàm lượng hemoglobin (g%)* 20 6,94 ± 0,19 20 8,60 ± 0,16

Chỉ số hematocrit (%) 20 38,29 ± 2,46 20 39,82 ± 2,46

Số lượng bạch cầu (nghìn/mm3) 20 8,06 ± 0,41 20 8,73 ± 0,35

*Sai khác có ý nghĩa thống kê (P<0,05)

Kết quả ở bảng 3.19 cho thấy, số lượng hồng cầu, chỉ số hematocrit và số lượng bạch cầu không sai khác thống kê giữa hai mùa (P>0,05). Trong khi đó hàm lượng hemoglobin thì lại có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa mùa nóng và mùa lạnh (P<0,05). Hàm lượng hemoglobin ở mùa lạnh cao hơn mùa nóng (8,6 g% so với 6,94 g%). Sự sai khác có thể do nhiệt độ thấp và ẩm độ cao trong mùa lạnh làm quá trình trao đổi chất, đặc biệt trao đổi nhiệt được tăng cường nên tăng hàm lượng hemoglobin.

Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây (Fadare và CS., 2012; McManus và CS., 2008; Srikandakumar và CS., 2003; Bchattacharya và Uwayjan, 1975). Srikandakumar và CS. (2003) cho biết, hàm lượng hemoglobin của cừu Merino (Úc) ở mùa lạnh là 12,65 g% trong khi đó ở mùa nóng là 10,53 g%.

Từ các phân tích trên cho thấy, cừu Phan Rang nuôi trong điều kiện Thừa Thiên Huế mặc dù có sự biến động các chỉ tiêu sinh lý máu nhưng vẫn ở trong trạng thái bình thường. Căn cứ vào chỉ tiêu sinh lý máu bước đầu có thể thấy cừu thích ứng với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường sống mới ở Thừa Thiên Huế.

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng thích ứng của giống cừu phan rang nuôi ở thừa thiên huế (Trang 118 - 122)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w