Sinh sản là một đặc tính sinh lý tất yếu của cừu nhằm duy trì và bảo tồn nòi giống. Sinh sản của cừu cái đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và số lượng đàn cừu sinh ra (Acharya, 2009). Sinh sản của cừu phụ thuộc vào các yếu tố di truyền và điều kiện môi trường sống. Nhiệt độ và ẩm độ môi trường sống có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh sản của cừu cái như tuổi thành thục sinh dục, tuổi phối giống đầu tiên, tuổi đẻ lứa đầu tiên, khối lượng khi đẻ lứa đầu (Qureshi và CS., 2010; Maurya và CS., 2005; Rosa và Bryant, 2003). Theo Qureshi và CS. (2010), mùa và năm
sinh có ảnh hưởng đến tuổi, khối lượng của cừu khi đẻ lứa đầu. Các nghiên cứu trong nước cũng cho kết quả tương tự (bảng 1.9) (Đinh Văn Bình và CS., 2007; Trần Quang Hân, 2007b; Đoàn Đức Vũ và CS., 2006).
Bảng 1.9. Các chỉ tiêu sinh sản của cừu cái nuôi ở các vùng khác nhau
Chỉ tiêu theo dõi Ninh Thuận Ba Vì
Tuổi động dục lần đầu (ngày) 185 181 ± 13,5
Khối lượng động dục lần đầu (kg) 16 17,0 ± 3,7
Tuổi phối giống lần đầu (ngày) 305 295 ± 35,1
Khối lượng phối giống lần đầu (kg) 22,5 23,1 ± 2,3
Tuổi đẻ lứa đầu (ngày) 465 455 ± 12,4
Khối lượng đẻ lứa đầu (kg) 27 27,8 ± 3,5
Thời gian mang thai (ngày) 150 146 ± 2,9
Số con đẻ ra/ lứa (con) 1,33 1,37
Nguồn: Đinh Văn Bình và CS. (2007).
Chu kỳ động dục và thời gian mang thai của cừu có hệ số di truyền cao, ít bị ảnh hưởng của yếu tố môi trường và chế độ dinh dưỡng (Đinh Văn Bình và CS. 2007; Đoàn Đức Vũ và CS., 2006; Nguyễn Ngọc Tấn và CS., 2006). Chu kỳ động dục của cừu là 17 ngày (Rosa và Bryant, 2003).
Nhiệt độ và ẩm độ môi trường sống là yếu tố tác động có thể ảnh hưởng đến mùa sinh sản của cừu (Rosa và Bryant, 2003). Mùa động dục của cừu được đặc trưng bởi những thay đổi về hành vi tình dục, nội tiết và sự rụng trứng. Trong năm, vào các thời điểm nhiệt độ và ẩm độ khá ôn hòa và thức ăn tương đối tốt cừu thường xuất hiện động dục (Acharya, 2009; Rosa và Bryant, 2003). Theo Rosa và Bryant (2003), mùa động dục của cừu bắt đầu là cuối mùa hè, đầu mùa thu và có thể kéo dài nhưng thường kết thúc trong mùa đông. Acharya (2009) cho biết, một số ít cừu được phối giống vào mùa xuân.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng, năng lượng khẩu phần cũng có ảnh hưởng đến khả năng động dục của cừu (Koyuncu và Canbolat, 2009; Wright và CS., 1962). Theo Koyuncu và Canbolat (2009), tỷ lệ động dục của cừu thấp hơn đáng kể khi khẩu phần năng lượng thấp (86 và 89%) so với khẩu phần năng lượng cao (100%). Tỷ lệ phối giống của cừu bị ảnh hưởng của thức ăn và chế độ dinh dưỡng (Rosa và Bryant, 2003; Acharya, 2009).
Khả năng sinh sản của cừu đực trong quá trình giao phối đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ thụ thai của cừu cái (Hassan, 2012). Mặc dù hoạt động sinh dục của cừu đực hầu như thường xuyên quanh năm, song mùa cũng có ảnh hưởng đến hoạt động sinh dục. Hoạt động sinh dục của cừu đực cũng trùng với con cái, hoạt động sinh dục tăng cao vào cuối mùa hè và trong mùa thu, thấp dần ở cuối mùa đông và mùa xuân (Rosa và Bryant, 2003). Nhiệt độ cao làm tăng nhiệt độ cơ thể, tăng nhiệt độ da bìu; làm giảm kích thước, khối lượng các cơ quan sinh dục của cừu đực, giảm chất lượng tinh trùng; tinh trùng có thể bị chết, bị kỳ hình, vận động yếu (Hassan, 2012; Saab và CS., 2011; Maria và CS., 2009; Acharya, 2009). Tuy nhiên, theo Acharya (2009), nếu cừu đực được bảo vệ đúng cách, cải thiện môi trường xung quanh và hạn chế được bức xạ mặt trời, sẽ không bị suy giảm ham muốn tình dục và chất lượng tinh dịch ngay cả trong mùa hè và các tháng mùa mưa. Stress nhiệt làm giảm cường độ các hành vi tình dục, ảnh hưởng đến sự giao phối và thụ thai của cừu (Gül, 2012; Maurya và CS., 2005; Dutt, 1964). Theo Maurya và CS. (2005), các hành vi động dục của cừu cái (chạy rông, vẩy đuôi, quay đầu, tiếp cận cừu đực) khi cừu bị stress nhiệt (nhiệt độ chuồng nuôi 400C/6h/ngày) thấp hơn so với cừu không bị stress nhiệt. Geng và CS. (2008) cho biết, nhiệt độ 310C có ảnh hưởng đến cừu cái mang thai. Đối với cừu đực, các hành vi tình dục (thời gian nhảy giá, giao phối, số lần đánh hơi, liếm...) giảm ở các tháng mùa nóng và tăng cao ở mùa lạnh (Gül, 2012).