Trao đổi nhiệt của cừu với môi trường

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng thích ứng của giống cừu phan rang nuôi ở thừa thiên huế (Trang 33 - 34)

Cơ thể gia súc là một khối thống nhất, hoàn chỉnh và thường xuyên tương tác với môi trường sống. Mọi biến động của môi trường sống đều tác động trực tiếp đến cơ quan nhận cảm của cơ thể bằng con đường thần kinh và thể dịch. Trong đó, nhiệt độ và ẩm độ không khí là những yếu tố môi trường có tác động trực tiếp đến đời sống của cừu. Tác động của nhiệt độ và ẩm độ dẫn đến cừu có những phản ứng trả lời các kích thích đó để duy trì cân bằng nhiệt của cơ thể, gọi là sự thích nghi của cừu với môi trường nhiệt (Paim và CS., 2012; Marai và CS., 2007; Silanikove, 2000).

Sự thay đổi nhiệt độ và ẩm độ môi trường là yếu tố làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh lý, trạng thái sức khỏe của cừu (Alhidary và CS., 2012; McManus và CS., 2008; Bhatta và CS., 2005). Đặc biệt, khi nhiệt độ và ẩm độ thay đổi đột ngột hoặc khi nhiệt độ tăng quá cao cừu không thể thích ứng kịp thời dẫn đến stress nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cừu (Srikandakumar và CS., 2003).

Cừu và các loài động vật đẳng nhiệt khác, nhiệt độ cơ thể luôn được giữ ở mức ổn định nhờ hai quá trình sinh nhiệt - thải nhiệt xảy ra đồng thời và ở trạng thái cân bằng, quá trình đó theo phương trình sau (Berman và CS., 1985):

M = HS + R + E + C + K

Trong đó: M: tổng lượng nhiệt sản sinh của cơ thể; HS: nhiệt dự trữ; R: nhiệt trao đổi bức xạ; E: nhiệt trao đổi bằng cách bốc hơi nước; C: nhiệt trao đổi bằng đối lưu; K: nhiệt trao đổi bằng truyền dẫn.

Trao đổi nhiệt bằng cách bốc hơi nước là phương thức thải nhiệt ra khỏi cơ thể của động vật qua đường hô hấp và qua da. Bốc hơi nước qua da diễn ra từ bề mặt cơ thể, do hoạt động của tuyến mồ hôi, là phương thức thải nhiệt chủ yếu của động vật đẳng nhiệt nói chung và chiếm 75 - 85% tổng lượng nhiệt sinh ra, làm cho cơ thể mất nhiệt rất nhanh. Tuy nhiên, cừu là gia súc có tuyến mồ hôi kém phát triển so với các gia súc khác như trâu, bò; mặt khác, cừu có bộ lông dày đã hạn chế sự bốc hơi nước qua da, nên bốc hơi qua đường hô hấp là con đường chủ yếu để duy trì thân nhiệt của cừu trong điều kiện nhiệt độ môi trường cao. Vì vậy, phản ứng đầu tiên của cừu trong điều kiện môi trường nóng ẩm là tăng tần số hô hấp (Marai và CS., 2009).

Do đó, việc đánh giá khả năng thích ứng của cừu với nhiệt độ và ẩm độ trong môi trường sống mới thông qua các chỉ tiêu sinh lý là việc làm đầu tiên và hết sức cần thiết. Trong đó, tần số hô hấp là chỉ tiêu cần quan tâm chú ý trong môi trường nhiệt ẩm (Paim và CS., 2012; McManus và CS., 2008).

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng thích ứng của giống cừu phan rang nuôi ở thừa thiên huế (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w