Cỏ tự nhiên

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng thích ứng của giống cừu phan rang nuôi ở thừa thiên huế (Trang 60 - 64)

Cỏ tự nhiên là thức ăn truyền thống, quen thuộc và có tính ngon miệng đối với cừu. Các đồng cỏ tự nhiên chủ yếu là các giống cỏ bản địa, có khả năng thích nghi cao với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu tại chỗ với nhiều loài cỏ và hàm lượng dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, trong thảm cỏ tự nhiên, thông thường các loại cỏ họ đậu chiếm số lượng rất ít, dẫn đến giá trị dinh dưỡng chung của cả đồng cỏ là khá thấp, đặc biệt là hàm lượng protein thấp, sản lượng thấp, vì vậy hiệu quả chăn nuôi thấp (Võ Thị Kim Thanh, 2008; Vũ Chí Cương và CS., 2004; Nguyễn Xuân Bả và CS., 2004a).

Thành phần hóa học và hàm lượng dinh dưỡng của cỏ tự nhiên có sự dao động lớn theo thành phần loài, các thời điểm trong năm và theo các lứa cắt (Võ Thị Kim Thanh, 2008; Nguyễn Xuân Bả và CS., 2004a; Vũ Chí Cương và CS., 2004). Các tác giả cho biết hàm lượng vật chất khô (DM) là 20,3 - 22,7%, protein thô (CP) là 14,4 - 14,7%, xơ không tan trong môi trường trung tính (NDF) là 59,2 và khoáng tổng số (Ash) là 9,4%. Theo Vũ Chí Cương và CS. (2004), hàm lượng CP của cỏ tự nhiên ở thời điểm tháng 3 là 14,8% và đến tháng 11 là 8,7%.

Tỷ lệ tiêu hóa thành phần các chất dinh dưỡng của cỏ tự nhiên có sự khác nhau cùng với sự biến động của thành phần loài, thời gian và lứa cắt. Tỷ lệ tiêu hóa cỏ tự nhiên của cừu ở các thời điểm thu cắt: DM là 46,72% (tháng 3) - 58,34% (tháng 11), OM là 54,97% (tháng 3) - 65,35% (tháng 11), CP là 52,78% (tháng 11) - 67,73% (tháng 3), NDF là 57,61% (tháng 3) - 69,78% (tháng 11) (Vũ Chí Cương và CS., 2004).

Theo Cục chăn nuôi (2009), hầu hết các đồng cỏ lớn đều nằm ở các vùng đồi núi xa, giao thông bất lợi nên khó tận dụng để phát triển chăn nuôi. Các đồng cỏ gần khu vực dân cư qua thời gian sử dụng không hợp lý, không có kế hoạch trồng, khai thác và bảo vệ nên bị thoái hóa. Vì vậy, cần nghiên cứu, khai thác, sử dụng các giống cỏ có năng suất và chất lượng cao, để nâng cao hiệu quả, tạo lợi nhuận trong chăn nuôi cừu.

1.5.2. Cỏ voi

Cỏ voi (Pennisetum purpureum) là loại cỏ lâu năm, được trồng nhiều các vùng sinh thái của nước ta, có năng suất chất xanh, hàm lượng các chất dinh dưỡng khá cao (Lê Đức Ngoan và CS., 2007). Năng suất chất xanh, thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của cỏ voi phụ thuộc vào giống, điều kiện thâm canh, tuổi thu hoạch, thời gian trong năm, tỷ lệ lá/thân...

Trong cùng một điều kiện thâm canh nhưng các giống khác nhau cho năng suất khác nhau. Theo Nguyễn Xuân Bả và CS. (2010), trên cùng đất phù sa ven sông ở tỉnh Quảng Trị, cỏ voi thường cho năng suất 35,1 tấn chất khô/năm, cỏ voi chọn lọc 1 năng suất 52,4 tấn chất khô/năm. Năng suất chất xanh của cỏ voi ở mùa mưa cao hơn mùa khô (Nguyễn Thị Thu Hồng và CS., 2006), mùa xuân - hè cao hơn mùa thu - đông (Nguyễn Xuân Bả và CS., 2010). Tuổi tái sinh khác nhau, năng suất chất khô khác nhau. Theo Vũ Chí Cương và CS. (2009), năng suất chất khô của cỏ voi ở các ngày tuổi 45, 55, 65 và 75 lần lượt là 0,15, 0,23, 0,39 và 0,59 kg/m2.

Thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của cỏ voi có sự biến động phụ thuộc vào giống, đất trồng. Theo Nguyễn Xuân Bả và CS. (2010), thành phần hóa học của cỏ voi: DM là 14,9% (VA-06) - 17,3% (chọn lọc 1), OM là 88,4% (chọn lọc 1) - 90,0% (VA-06), CP là 12,5% (florida) - 14,5% (VA-06), CF là 29,5% (VA-06) - 34,0 (florida), NDF là 65,5% (VA-06) - 70,5 (florida). Hàm lượng DM và NDF có xu hướng tăng theo thời gian sinh trưởng của cỏ. Trái lại, hàm lượng CP có xu hướng giảm theo thời gian sinh trưởng của cỏ. Các thành phần khác như chất béo thô (EE), xơ thô (CF), xơ hòa tan trong môi trường axit (ADF) ít biến động theo tuổi tái sinh mùa đông ở cỏ voi (Vũ Chí Cương và CS., 2009, 2010).

Lượng DM ăn vào của cừu có sự sai khác theo tuổi tái sinh của cỏ, lượng DM ăn vào của cừu ở cỏ voi 45 ngày tuổi là 105,2 g/kgW0,75 và 75 ngày tuổi là 114,48 g/kgW0,75. Tỷ lệ tiêu hóa chất dinh dưỡng ở cừu phụ thuộc vào tuổi tái sinh của cỏ, tuổi tái sinh càng lớn tỷ lệ tiêu hóa càng giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu hóa lipit không theo quy luật này. Tỷ lệ tiêu hóa của cừu đối với cỏ voi 75 ngày tuổi DM là 59,28%, CP là 58,69%, EE là 66,4%, CF là 63,97%, NDF là 62,90%, ADF là 6303%, OM là 63,01% (Vũ Chí Cương và CS., 2009).

1.5.3. Cây mít

Mít (Artocarpus heterophyllus Lam.) là cây trồng lâu năm, có thể sinh trưởng trên nhiều vùng đất khác nhau, thích nghi với khí hậu nóng và mưa nhiều. Vì vậy, được trồng khá phổ biến ở Thừa Thiên Huế cũng như nhiều tỉnh trên cả nước và được coi là cây của người nghèo, mang lại những lợi ích to lớn cho người dân ở các vùng nông thôn.

Cây mít cho một lượng sinh khối chất xanh từ lá và cành non rất lớn, có thể sử dụng lá mít làm thức ăn cho cừu cũng như gia súc nhai lại khác

(Nguyễn Thị Thanh, 2008; Kusmartono, 2007; Mui và Preston, 2005; Nguyễn Thị Mùi và CS., 2004; IsLam và CS., 1997).

Lá mít có thành phần dinh dưỡng cao (Nguyễn Thị Thanh, 2008; Nguyễn Thị Mùi và CS., 2004). Theo Nguyễn Thị Mùi và CS. (2004), DM lá mít là 37,7%, CP là 17,1%, Ash là 11,4%, NDF là 55,6%, ADF là 42,1% và ME là 9,76 MJ. Sử dụng lá mít làm thức ăn bổ sung cho dê cho kết quả tốt. Tỷ lệ tiêu hóa các chất hữu cơ, DM, CP và NDF trên dê lần lượt là 55,5; 47,9 và 40,6% (Nguyễn Thị Mùi và CS., 2004).

Các phụ phẩm từ mít như vỏ trái, xơ, hạt chứa một hàm lượng lớn protein, là những thức ăn tiềm năng và có giá trị dinh dưỡng cho cừu (Kusmartono, 2007; Mui và Preston, 2005; Đinh Văn Cải và CS., 2004). Sử dụng các phụ phẩm mít như là nguồn năng lượng cùng với lá sắn đã cải thiện tỷ lệ tiêu hóa, khối lượng và tăng trọng của cừu (Kusmartono, 2007).

1.5.4. Cây duối

Cây duối (Streblus asper Lour) là một loại cây gỗ, cỡ trung bình, cao khoảng 4 - 8m, rậm tán, cành đâm chéo nhau. Lá duối có dạng trứng nhọn, dài 3 - 7cm, rộng 1,5 - 2,5cm, mép có răng khía, mặt lá rất ráp. Thân và cành khúc khuỷu. Lá mọc so le, hình trứng, cứng, ráp, mép khía răng. Hoa đơn tính khác gốc. Cụm hoa đực dạng đầu có cuống, gồm 10 - 12 hoa. Cụm hoa cái chỉ có 1 hoa. Quả mọng màu vàng. Là cây mọc hoang, thường được trồng làm hàng rào, làm cảnh. Cây duối có nhiều ở các nước nhiệt đới, như Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Philippines và Thái Lan (Rastogi và CS., 2006).

Lá duối có thành phần hóa học và dinh dưỡng cao, hàm lượng CP của lá duối cao gấp đôi lá xoài và cỏ tự nhiên (Paengkoum, 2011). Theo Paengkoum (2011), lượng ăn vào, tỷ lệ tiêu hóa DM, OM, CP, NDF, ADF, tích lũy ni tơ của lá duối ở dê tương đương với cây keo (Leucaena); thấp hơn

cỏ tự nhiên nhưng cao hơn lá xoài. Sử sụng lá duối làm thức ăn bổ sung cho dê cho kết quả tốt (Paengkoum, 2011; Akbar and Alam, 1991). Các tác giả cho biết, bổ sung lá duối trên khẩu phần cơ sở là rơm ủ urê thay thế thức ăn tinh là khô dầu đậu nành cho thấy lượng chất hữu cơ ăn vào, tỷ lệ tiêu hóa, đặc tính môi trường dạ cỏ (pH, NH3 và các axit béo bay hơi), cân bằng ni tơ không có sự sai khác. Có thể sử dụng lá duối như nguồn protein bổ sung thay thế một phần protein thức ăn tinh trong chăn nuôi dê (Paengkoum, 2011).

Sử dụng phương pháp ủ chua lá duối nhằm bảo quản được nguồn thức ăn đồng thời làm tăng lượng ăn vào của dê, cừu. Theo Insung và CS. (2000), lượng ăn vào của dê ở lá duối ủ chua với 5% rỉ mật cao hơn so với lá duối khô và cao hơn nhiều so với cỏ Ruzi khô cũng như cỏ Ruzi ủ chua.

Ngoài ra, duối có chứa nhiều mủ, mủ có nhựa (76%) và cao su (23%), vỏ chứa chất đắng. Các nghiên cứu trước đây cho thấy các bộ phận khác nhau của cây duối được sử dụng trong chăn nuôi và sử dụng làm các loại thuốc dân gian để điều trị bệnh (Rastogi và CS., 2006).

Tuy nhiên, việc xác định thành phần hóa học, giá trị dinh dưỡng của cây duối ở nước ta chưa được nghiên cứu đầy đủ mặc dù ở nhiều vùng đặc biệt là Ninh Thuân và Bình Thuận, cây duối đã được sử dụng làm thức ăn cho dê và cừu.

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng thích ứng của giống cừu phan rang nuôi ở thừa thiên huế (Trang 60 - 64)