Các chỉ tiêu sinh lý

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng thích ứng của giống cừu phan rang nuôi ở thừa thiên huế (Trang 95 - 97)

V 2 1 A (g/con/ngày) =

3.2.1. Các chỉ tiêu sinh lý

Xác định các chỉ tiêu sinh lý của 24 con cừu Phan Rang trong điều kiện chăn nuôi ở Thừa Thiên Huế và 88 con nuôi ở Ninh Thuận với các độ tuổi: 1, 3, 6, 9, 12 và 15 tháng tuổi. Kết quả được xử lý thống kê và trình bày ở bảng 3.5.

Bảng 3.5. Các chỉ tiêu sinh lý của cừu Phan Rang nuôi ở Thừa Thiên Huế và Ninh Thuận

Chỉ tiêu Thừa Thiên Huế Ninh Thuận

n M ± SEM n M ± SEM

Thân nhiệt (0C) 24 38,99 ± 0,02 88 39,27 ± 0,03

Tần số hô hấp (lần/phút)* 24 34,15 ± 0,53 88 19,61 ± 0,49

Nhịp tim (lần/phút) 24 66,94 ± 0,31 88 66,36 ± 0,29

Nhiệt độ da (0C) 24 36,51 ± 0,04 88 35,39 ± 0,03

*Sai khác có ý nghĩa thống kê (P<0,05)

Đặc điểm sinh lý là sự phản ánh khả năng thích ứng của cừu trong điều kiện môi trường sống mới. Các chỉ tiêu sinh lý phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể cũng như khả năng sản xuất của chúng. Kết quả bảng 3.5 cho thấy, thân nhiệt, nhịp tim và nhiệt độ da của cừu nuôi ở Thừa Thiên Huế và Ninh Thuận là không có sự sai khác (P>0,05). Giá trị thân nhiệt dao động trong khoảng 38,99 – 39,270C; nhiệt độ da: 35,39 - 36,510C và nhịp tim: 66,36 -

66,94 lần/phút. Điều này cho thấy, cừu nuôi trong điều kiện môi trường ở Thừa Thiên Huế mặc dù khác với môi trường truyền thống (Ninh Thuận) nhưng thân nhiệt, nhịp tim và nhiệt độ da của cừu vẫn duy trì ổn định.

Trong khi đó, tần số hô hấp của cừu nuôi ở Thừa Thiên Huế có xu hướng cao hơn đáng kể so với ở Ninh Thuận (P<0,05). Điều này có thể là do ở Thừa Thiên Huế, mặc dù nhiệt độ không khí cao nhưng ẩm độ vẫn luôn cao (trung bình năm là 87,3% so với 78% - Ninh Thuận) đã hạn chế sự tỏa nhiệt của cừu qua da nên cừu phải tăng tần số hô hấp để thải nhiệt. Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho biết, tăng tần số hô hấp là con đường thải nhiệt quan trọng ở cừu. Trong điều kiện nhiệt độ cao, kèm theo ẩm độ cao hoặc bảo hòa thì sự tỏa nhiệt bằng bốc hơi nước bị trở ngại, vì vậy cừu phải thải nhiệt ra môi trường bằng cách tăng tần số hô hấp để cân bằng nhiệt của cơ thể (Alhidary và CS., 2012; Fadare và CS., 2012; McManus và CS., 2008; Marai và CS., 2009; Bhatta và CS., 2005; Bhattacharya và Uwayjan, 1975). Theo Srikandakumar và CS. (2003), khi nhiệt độ môi trường tăng từ 320C trở lên, ẩm độ khoảng 65%, thân nhiệt của cừu bắt đầu tăng, dẫn đến tần số hô hấp của cừu tăng lên đáng kể. Theo Sarage và CS. (2008), tần số hô hấp của cừu nuôi trong phòng nóng (30 - 400C) cao hơn so với phòng mát (200C) (206 so với 149 lần/phút). Al-Haidary (2004) cũng cho biết, tần số hô hấp của cừu trong điều kiện stress nhiệt (33 – 38,50C) là 80 lần/phút, trong khi ở nhiệt độ 23,60C là 61 lần/phút.

Mặt khác, cừu là gia súc có tuyến mồ hôi kém phát triển so với một số động vật đẳng nhiệt khác như trâu, bò. Đồng thời, cừu có bộ lông dày nên thải nhiệt qua da rất kém. Vì vậy, trong điều kiện nhiệt độ cao cừu phải tăng tần số hô hấp để thải nhiệt ra ngoài (Marai và CS., 2007; Bhatta và CS., 2005). Theo Marai và CS. (2007), khoảng 20% lượng nhiệt cơ thể cừu thải ra qua hô hấp trong môi trường nhiệt độ 120C, nhưng chiếm đến 60% ở nhiệt độ môi trường

cao (350C). Aleksiev (2008) cho biết, tần số hô hấp của cừu Tsigai buổi sáng là 36,6 lần/phút và buổi chiều là 55,9 lần/phút; sau khi được xén lông tần số hô hấp của cừu giảm đáng kể, lần lượt là 16,6 và 20,6 lần/phút. Theo Singh và CS. (1980), ở điều kiện nhiệt độ 200C tần số hô hấp của cừu Chokla thấp hơn dê Sirohi (22 so với 26 lần/phút), nhưng ở nhiệt độ 42,40C sau 30 phút tần số hô hấp của cừu Chokla cao hơn nhiều so với dê Sirohi. Theo Adam và McKinley (2009), tần số hô hấp của cừu bình thường khoảng 15 - 40 lần/phút, trong điều kiện môi trường thay đổi tần số hô hấp có thể đạt tối đa 350 lần/phút. Vì vậy, mặc dù kết quả đánh giá tần số hô hấp của cừu nuôi trong điều kiện ở Thừa Thiên Huế có cao hơn so với nuôi ở Ninh Thuận nhưng tần số hô hấp của cừu trong nghiên cứu này vẫn nằm trong khoảng sinh lý bình thường của cừu.

Như vậy, điều kiện nhiệt độ và ẩm độ ở Thừa Thiên Huế đã không làm ảnh hưởng đến nhịp tim, thân nhiệt và nhiệt độ da ở cừu. Bước đầu cho thấy cừu Phan Rang có khả năng thích ứng được với môi trường ở Thừa Thiên Huế.

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng thích ứng của giống cừu phan rang nuôi ở thừa thiên huế (Trang 95 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w