Quanh năm gió tín phong có thể thổi trên lãnh thổ nước ta và biển Đông nhưng tùy mùa mà tính chất của nó có thay đổi:
- Gió tín phong có dạng độc lập nhất là vào mùa xuân khi hai luồng gió mùa Đông Bắc và Tây Nam đã suy yếu. Khi đó, gió xuất phát từ rìa Tây Nam của cao áp Bắc Thái Bình Dương và có hướng đông nam rõ rệt.
- Trong mùa hè gió tín phong thổi xen kẽ với các đợt gió mùa tây nam. - Sang thu - đông, gió tín phong thường phụ thuộc vào cao áp Xibiria và thổi theo hướng đông bắc nhưng do khối khí nhiệt đới nên thời tiết thường nóng, ổn định, không mưa, nếu gặp tác dụng bức chắn của địa hình núi duyên hải, gió tín phong thổi qua biển và có thể đem lại một lượng mưa lớn.
Xét về phương diện khối không khí, gió tín phong có thể hoặc là khối khí chí tuyến Thái Bình Dương (Tm) hoặc là khối khí cực lục địa đã bị nhiệt đới hóa thành
khối khí chí tuyến Đông Nam Á (Tp) hình thành ở 20 - 25oVB có tác động chủ yếu ở Đông Dương và biển Đông từ tháng X đến tháng IV năm sau. Trong mùa đông nó hoạt động xen kẽ với các khối không khí cực lục địa biến tính nhưng chưa thành không khí nhiệt đới (NPc) ở miền Bắc vĩ tuyến 16oB, nhưng chiếm ưu thế tuyệt đối ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ tạo nên "gió mùa mùa đông" cho khu vực "không có mùa đông này". Trong các mùa xuân (tháng III - IV) và thu (IX - X) không khí chí tuyến Đông Nam Á (Tp) hoạt động xen kẽ với cả Tm và NPc. Xét về nhiệt độ và độ ẩm, Tp nóng và ẩm hơn NPc nhưng mát và khô hơn Tm. Tp có ảnh hưởng đến khí hậu nước ta ở chỗ: đố với miền Bắc vào mùa xuân (III - IV), Tp thường gây ra thời tiết mưa phùn ấm rất đặc trưng. Khi gặp nhiễu động gây mưa (tác dụng bức chắn địa hình rãnh thấp trên cao, front lạnh), Tp có thể cho mưa lớn vào thu - đông ở Trung Bộ.
Khối khí Tm tác động chủ yếu vào mùa xuân, xen kẽ với Tp vào thu - đông và xen kẽ với các khối khí đi theo các luồng gió Tây Nam trong mùa hạ (TBg và Em). Khối không khí Tm nóng và ẩm rõ rệt do được hình thành, tồn tại và di chuyển lâu trên miền biển nhiệt đới. Trên lãnh thổ Việt Nam do ảnh hưởng của Tm nên có nhiệt độ trung bình 27 - 29o C, độ ẩm tương đối 85 - 90% ở tầng gần mặt đất.
3.1.1.2. Hoàn lưu gió mùa
Ở Đông Nam Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng, hoàn lưu gió mùa đóng vai trò quyết định đến hình thành khí hậu và nhịp điệu thời tiết. Đồng thời do đặc thù của vị trí địa lý mà có chế độ gió mùa lại rất phức tạp với nhiều tính chất chuyển tiếp giữa các khu vực gió mùa chính của châu Á (gió mùa Đông Bắc Á, gió mùa Đông Nam Á, gió mùa Tây Nam Á).