Bảo vệ rừng

Một phần của tài liệu Địa lý tự nhiên Việt Nam (Phần 1) (Trang 73 - 75)

- Nhận thức về diễn thế và thoái hóa rừng nhiệt đới ẩm

+ Rừng rậm nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh, nếu khai thác bất hợp lý lần một sẽ phá vỡ cấu trúc phân tầng, rừng mọc hỗn độn thành rừng thứ sinh sau canh tác.

+ Tiếp tục khai thác bất hợp lý lần hai rừng thứ sinh trở thành rừng thưa, cây bụi

+ Nếu tiếp tục khai thác hoặc sử dụng phương thức canh tác đốt rừng làm rẫy đối với rừng nguyên sinh, thứ sinh thì rừng thưa, rừng rậm đều bị thoái hóa thành xavan cây bụi thứ sinh hoặc đất trống đồi núi trọc.

Diễn thế thoái hóa của rừng do con người tác động diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vài năm những khu rừng xanh tốt đã bị sạch quang.

Những diễn thế tự nhiên đi lên từ rừng nghèo thành rừng giàu phải mất hàng trăm năm.

- Các biện pháp bảo vệ rừng

Bảo vệ rừng đầu nguồn, gìn giữ nguồn gen, khai thác hợp lý đối với những khu rừng kinh tế còn giàu gỗ. Khi khai thác phải đảm bảo tái sinh và độ tăng trưởng của rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng gỗ.

+ Khoanh nuôi bảo vệ nguồn gen các khu rừng dự trữ quốc gia và vườn cấm quốc gia.

+ Quy hoạch bảo vệ những khu rừng phục vụ mục đích văn hóa, nghỉ ngơi và du lịch.

+ Quy hoạch kinh doanh các khu rừng lâm sản quý.

+ Có biện pháp chăm sóc, tu bổ đối với những khu rừng đã bị khai thác kiệt.

+ Tăng cường giáo dục cho mọi người hiểu biết và chấp hành tốt luật bảo vệ môi trường nói chung và luật bảo vệ tài nguyên rừng nói riêng.

+ Có kế hoạch mở rộng, kiểm kê và quản lý rừng trồng.

5.2.2. BẢO VỆ TÀI NGUYÊN ĐẤT

a. Đánh giá chung

- Về hiện trạng sử dụng đất

Như chúng ta đã biết, tổng số vốn đất của Việt Nam là khoảng 33 triệu ha, đứng thứ 58 so với các nước trên thế giới, nhưng do dân số đông nên bình quân diện tích đất tự nhiên trên đầu người rất thấp, chỉ bằng khoảng l/6 mức bình quân thế giới, đứng hàng 128 trong tổng số 205 nước trên thế giới.

Diện tích đất nông nghiệp hiện có 7 triệu ha, chiếm 21% đất tự nhiên cả nước, bình quân chưa đến 0,l ha/người. Theo thống kê 1985, trong tổng số 7 triệu ha đất nông nghiệp có đến 80% dành cho trồng cây hàng năm (Riêng cây lúa chiếm đến 74% trong số đất trồng cây hàng năm), chỉ còn 20% trồng cây lâu năm và đồng cỏ chăn nuôi .

- Về chất lượng đất

Theo thống kê các nhóm đất Việt Nam (1980) thì trong số 70% diện tích đất đồi núi, tốt nhất là đất đỏ trên bazan (chiếm 2,4 triệu ha), đất phù sa (chiếm 3,12 triệu ha) cũng với các loại đất tốt khác nữa thì Việt Nam có khoảng 20% đất tốt, còn lại là các loại đất có nhiều trở ngại cho sản xuất:

+ Đất trống, đồi núi trọc: 10 triệu ha, trong đó có 500 nghìn ha đất xói mòn, trơ sỏi đá.

+ Đất xám bạc màu: 2,5 triệu ha.

+ Đất mặn và phèn: 3,13 triệu ha.

+ Đất cát: 0,5 triệu ha.

+ Đất lầy và than bùn: 72 nghìn ha.

Như vậy, ngoài gần 10 triệu ha đất trống, đồi núi trọc, còn khoảng trên 6 triệu ha các loại đất xấu cần được cải tạo .

- Nhận xét chung

Thực tế hiện nay, đất nước ta đang đứng trước một mâu thuẫn là quỹ đất thì ít và có xu hướng ngày càng xấu đi, còn dân số lại tăng nhanh, đông nên để đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm nhiều lúc buộc phải phá rừng để mở rộng diện tích gieo trồng gây ảnh hưởng xấu nhiều mặt đến môi trường. Do đó, bảo vệ đất phải gắn liền với bảo vệ rừng là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công cuộc bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Địa lý tự nhiên Việt Nam (Phần 1) (Trang 73 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w