Gió mùa mùa hạ:
Xét nguồn gốc, gió mùa mùa hạ có khi là gió tín phong bán cầu Nam đổi hướng khi vượt qua xích đạo lên Bắc bán cầu, có khi chỉ là gió nhiệt đới bán cầu Bắc bị hút vào áp thấp ấn Độ - Mianma. Gió Nam bán cầu chỉ mạnh khi dải cao áp cận chí tuyến Nam bán cầu mạnh lên vào các tháng VI, VII, VIII (là mùa đông của Nam bán cầu).
Từ tháng VI gió Nam bán cầu mới vượt qua xích đạo và hoạt động mạnh ở ấn Độ, bán đảo Đông Dương. Việt Nam và biển Đông vào các tháng VI, VII, VIII, IX. Đến tháng X gió lại lùi về dưới xích đạo. Mỗi đợt xâm nhập gió Nam bán cầu đến kèm theo sự hoạt động rõ rệt của đường hội tụ nội chí tuyến, tạo nên các xoáy áp thấp. Thời tiết đặc trưng là mưa to và dai dẳng, kiểu mưa ngâu ở đồng bằng Bắc Bộ.
Từ tháng III - IV - các tháng nóng nhất ở Ấn Độ - Mianma, xuất hiện một trung tâm áp thấp ở đó. Áp thấp này sâu (995mb) hút gió từ Bắc Ấn Độ Dương (từ vịnh Bengan). Gió từ vịnh Bengan thổi đến bán đảo Đông Dương theo hướng tây nam - hướng của gió mùa mùa hạ.
Như vậy, trong tháng VI và cả trong lúc gió tây nam xuất phát từ Nam bán cầu chưa lên thì gió tây nam thổi ở khu vực Đông Dương là gió xuất phát từ vịnh Bengan.
Tóm lại, hướng gió tây nam thổi đến nước ta từ hai khối không khí đặc trưng là khối khí chí tuyến vịnh Bengan (TBg) và khối khí xích đạo (Em) xuất phát từ lục địa Úc và Nam Thái Bình Dương- Ấn Độ Dương.
- Khối khí chí tuyến vịnh Bengan (TBg):
Do nguồn gốc hình thành TBg là một khối khí nóng ẩm từ thấp lên cao. Thời tiết đặc trưng của khối khí này là nóng, kèm theo giông nhiệt, nhiệt độ trung bình khoảng 27 - 32oC, độ ẩm 85%. Nhưng càng lên cao phía Bắc và qua Đông Trường Sơn không còn có thời tiết nhiều mây và mưa nữa. Do hiệu ứng "Phơn" khi vượt qua dãy núi Việt - Lào và Trường Sơn, TBg đã trở thành khối khí nóng nhất, khô nhất ở phía Đông tạo ra gió tây nam khô nóng (gió tây khô nóng). Ở Hà Nội, vào trưa nhiệt độ có thể lên đến 33 - 34oC, cực đại lên đến 38 - 40oC, còn ở Bắc Trung Bộ lên đến 36 - 38oC, cực đại lên đến 39 - 41oC. Độ ẩm tương đối tụt xuống đến 50% - 30%. Khối khí TBg hình thành ở lãnh thổ nước ta từ tháng V - VI, sang VII - VIII yếu đi và nhường cho khối khí xích đạo (Em).
- Khối khí xích đạo (Em):
Khối khí này mát và ẩm hơn TBg vì liên quan đến luồng gió mùa Nam bán cầu đến nước ta vượt qua một khoảng không gian mặt nước khổng lồ. Em hoạt động ở miền Nam nhiều hơn ở miền Bắc (tháng VI - X). Ở miền Bắc tháng VI cũng quan trắc thấy nhưng nhiều và mạnh nhất là vào tháng VIII. Thời tiết đặc trưng cho khối khí này là mưa dai dẳng, trời mát, có khi có giông.
Dải hội tụ nhiệt đới:
Đây là một khu vực thời tiết xấu giữa hai luồng gió của hai bán cầu hội tụ lại mà gây dòng thăng hoặc của hai luồng gió tín phong Bắc, Nam bán cầu hoặc giữa tín phong của bán cầu mùa hạ và gió vượt xích đạo xuất phát từ bán cầu mùa đông. Dải hội tụ thường rộng từ 80 - 600 km. Nếu gió hai bên thổi mạnh thì dải hội tụ sẽ hoạt động mạnh và gây mưa lớn.
Dải hội tụ chân chính chỉ hình thành trên biển, còn trên đất liền chỉ là một đường vạch theo trục của các áp thấp nội chí tuyến. Vào mùa hạ, do áp thấp Mianma khơi sâu, hút mạnh gió từ vịnh Bengan tràn qua Việt Nam tới tận biển Đông và đẩy lùi cao áp Thái Bình Dương về phía Đông Philippin, do đó dải hội tụ ít có dịp lấn vào đất liền ở Bắc Việt Nam. Chỉ khi nào áp thấp Mianma yếu, gió tây nam suy yếu
thì áp cao Thái Bình Dương lấn vào đất liền thì dải hội tụ chí tuyến mới thể hiện. Vì thế, trong thời gian này có mưa giông nhiệt là chủ yếu.
Ở phía Nam vĩ tuyến 12oB trong các tháng VI - VII dải hội tụ đi ngang từ phía Nam Philippin sang Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam và chỉ tràn lên phía Bắc mỗi khi áp thấp Mianma đẩy lên và gió vịnh Bengan suy yếu. Nhưng từ tháng VIII, gió vịnh Bengan nhường quyền ưu thế cho gió Nam Thái Bình Dương, dải hội tụ xuất hiện rõ rệt với phía trên là tín phong từ lưỡi áp cao Thái Bình Dương và ở phía dưới là gió mùa xuất phát từ Nam Thái Bình Dương đi lên. Trong tháng này, vị trí trung bình của nó ở vĩ độ 20 - 22oB cắt từ eo biển Basi (giữa Đài Loan và đảo Luyxông của Philippin) đến đồng bằng Bắc Bộ theo hướng Tây, Tây Bắc - Đông, Đông Nam gây ra thời tiết "mưa ngâu" rất điển hình. Tháng IX dải hội tụ vắt ngang qua Huế gây mưa lớn ở Bình-Trị -Thiên, sang tháng X hoạt động ở đồng bằng Nam Bộ và đến tháng XI thì trở về xích đạo. Sự lùi dần vị trí trung bình của dải hội tụ nội chí tuyến tương ứng với sự suy yếu dần của gió mùa xích đạo từ tháng VIII đến tháng X, có thể giải thích hiện tượng tháng mưa cực đại cứ lùi dần từ Bắc Bộ đến Trung Bộ, vì khối khí xích đạo với sự hoạt động của dải hội tụ nội chí tuyến là nguyên nhân chính gây ra mưa hạ - thu ở nước ta. Mưa lớn kéo dài thường do các xoáy áp thấp và bão xuất hiện trong dải hội tụ nhiệt đới gây nên.
Bão:
Bão là một hiện tượng thời tiết nguy hại cần hiểu biết để phòng chống, thường xảy ra trong mùa nóng ở nước ta. Đó là một vùng áp thấp có đường kính 200 - 300km. Trong vùng bão có gió xoáy rất mạnh gây nên dòng thăng mạnh mẽ hình thành mây, mưa dữ dội trong phạm vi rộng.
Bão đổ bộ vào Việt Nam thường xuất phát từ Tây Thái Bình Dương (10 - 20oVB và 120o - 145oKĐ) hoặc ngay ở biển Đông (7 - 10oVB và 112 - 121oKĐ) vào thời kỳ mà nhiệt độ nước biển rất cao (26 - 27oC). Bão hay phát sinh trên dải hội tụ nhiệt đới và di động từ Đông sang Tây ven rìa áp cao cận chí tuyến. Mùa bão trên toàn quốc từ tháng VII - XI và xuất hiện, hoạt động chuyển dần theo thời gian từ Bắc vào Nam. Theo tài liệu thống kê nhiều năm thì hàng năm trung bình có 3,74 cơn bão đổ bộ vào duyên hải Việt Nam, trong đó 1,42 vào Bắc Bộ và Thanh Hóa, 1,35 vào khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, 0,82 vào Nam Trung Bộ và 0,15 vào
Nam Bộ. Tuy nhiên, thực tế có năm nhiều năm ít - năm nhiều nhất có 11 cơn (1964), năm ít nhất chỉ có 1 cơn (1922, 1945). Khu vực Bắc Bộ - Thanh Hóa bão tập trung từ tháng VII - IX, cực đại vào tháng VIII; khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi bão hoạt động từ tháng VII - X, cực đại vào tháng IX; phía Nam Quảng Ngãi bão hoạt động từ tháng IX - XI.
3.1.1.3. Hoàn cảnh địa lý
Khí hậu nước ta khá phức tạp, có sự thay đổi theo thời gian và không gian rõ rệt. Có tình hình đó là do tác động của hoàn cảnh địa lý, mà đóng vai trò quan trọng nhất là vị trí địa lý và địa hình.