Đặc điểm hình thá

Một phần của tài liệu Địa lý tự nhiên Việt Nam (Phần 1) (Trang 39 - 42)

* Nước ta có một mạng lưới sông ngòi dày đặc:

Lượng mưa lớn và tập trung diễn ra trên một lãnh thổ mà địa hình chủ yếu là đồi núi già được tân kiến tạo làm trẻ lại đã tạo nên hàng ngàn sông suối lớn nhỏ có hình dạng, hướng chảy và đặc điểm, tính chất khác nhau.

- Trừ những vùng núi đá vôi, mật độ trung bình của sông suối đạt 1-1,5 km/km2, có nơi trên 1,5 km/km2 như lưu vực sông Lô, có nơi đạt 1,75km/km2. Nơi có mật độ sông ngòi dày đặc là nơi có lượng mưa lớn với nền địa chất đá khó thấm nước. Nơi

có mật độ sông ngòi thưa là nơi mưa ít hoặc có nền đá dễ thấm nước hay có nhiều khe nứt.

- Theo dọc bờ biển nước ta cứ 20 km lại có một cửa sông, còn ở vùng đồng bằng nhất là đồng bằng Nam Bộ ta thấy vô số sông ngòi gồm cả kênh đào, mương máng, khiến cho trên các trục giao thông đều có rất nhiều cầu cống.

Tuy nhiên, do lãnh thổ hẹp ngang nên nước ta có ít sông lớn. Hai con sông lớn nhất là sông Hồng và sông Mê Kông chảy qua lãnh thổ nước ta ở hạ lưu và cùng lắm là trung lưu như sông Hồng. Sông Hồng có 556 km/1.126 km trên lãnh thổ nước ta, còn sông Mê Kông chỉ có 230 km/4.500 km chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông qua 9 cửa nên gọi là Cửu Long .

* Hướng chảy của sông ngòi:

Sông ngòi Việt Nam chảy theo hai hướng chính là hướng Tây Bắc- Đông Nam và hướng vòng cung, và đồng thời đổ ra biển Đông (trừ hệ thống sông Bằng Giang - Kỳ Cùng và các hệ thống sông Tây Nguyên, Tây Bình Trị Thiên). Hướng Tây Bắc - Đông Nam là hướng chảy của các con sông lớn nhất thường phù hợp với các đứt gãy kiến tạo lớn như sông Chảy - Lô, sông Thao (Hồng), sông Đà, sông Cả, sông Mã -Chũ, sông Ba, sông Vàm Cỏ, sông Cửu Long (từ Phnôm Pênh). Hướng vòng cung biểu hiện rõ ở trung lưu sông Lô, các sông Cầu, Thương, Lục Nam.

* Đặc điểm của dòng sông:

- Do sông ngòi phát triển trên 1 lãnh thổ núi già được tân kiến tạo làm trẻ lại nhiều con sông lớn có khúc già, khúc trẻ xen kẽ nhau. Những đoạn sông già ta thường gặp lòng sông mở rộng, có các dạng địa hình bãi bồi, bậc thềm rộng, là cơ sở thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Trái lại ở nơi sông trẻ ta thấy lòng sông hẹp ít bãi bồi bậc thềm và có chăng là hẹp, ít thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và giao thông.

- Điều đáng chú ý là các sông ngòi thường kết hợp thành một hệ thống lớn mà điểm hội tụ thường tập trung một nơi trước khi xuống đồng bằng hay trước khi đổ ra biển. Cụ thể, sông Hồng và các phụ lưu chính là sông Lô và sông Đà đã hợp lưu ở gần Việt Trì (Phú Thọ). Các sông Cầu, Thương, Lục Nam gặp nhau ở gần Phả Lại (Hải Dương). Sông Đồng Nai và sông Sài Gòn gặp nhau ở gần Sài Gòn đều tạo nên dạng hình nan quạt, có ảnh hưởng lớn đến sự tập trung lũ ở hạ lưu (gọi là lũ dồn ống rất nguy hại).

- Do sự tương phản giữa địa hình bằng phẳng các châu thổ và địa hình dốc trên miền đồi núi mà tính chất dòng sông ở đồng bằng khác hẳn miền núi.

+ Phần lớn ở miền núi có tính chất thượng lưu có độ dốc lớn (đến hàng trăm cm/km) nên nước chảy xiết, lắm thác ghềnh.

+ Phần đồng bằng có độ dốc bé vài cm/km nên nước chảy êm đềm và phải uốn khúc quanh co.

+ Giữa hai phần thường không có một đoạn trung lưu chuyển tiếp. Ngay sông Hồng được xem là sông già nhất mà đoạn từ Lào Cai đến Yến Bái thường được coi như trung lưu cũng có tới 30 thác lớn nhỏ. Phần lớn các sông khác khi xuống gần đồng bằng vẫn còn có thác. Thác Trị An gần Biên Hòa trên sông Đồng Nai (gần biển tới mức còn chịu ảnh hưởng của thủy triều).

- Dòng sông khi đến đồng bằng bắt buộc phải tỏa ra nhiều chi lưu để đổ ra biển một khối lượng nước lớn bị dồn nhanh từ núi về (sông Thái Bình 4 cửa, sông Hồng 4 cửa, sông Mê Kông 9 cửa).

Tuy nhiên riêng các sông duyên hải miền Trung thì trên đường đi ra biển sông chảy chậm và yếu, nhiều sông không cắt qua nổi các đụn cát ven biển nên phải chạy men các dải, đụn cát một đoạn dài trước khi thoát ra biển hoặc tỏa thành đầm

phá rộng (điển hình là sông Nhật Lệ - Quảng Bình).

Một phần của tài liệu Địa lý tự nhiên Việt Nam (Phần 1) (Trang 39 - 42)