Sự giảm sút tài nguyên rừng Việt Nam

Một phần của tài liệu Địa lý tự nhiên Việt Nam (Phần 1) (Trang 72 - 73)

Trải qua hàng ngàn năm khai thác tự nhiên, ở Việt Nam tác động của con người đến giới thực vật tự nhiên rất lớn. Sự suy giảm tài nguyên rừng biểu hiện cả về mặt thu hẹp về diện tích và giảm sút về chất lượng.

- Sự thu hẹp về diện tích

Theo thống kê, năm 1943 có gần 45% diện tích cả nước có rừng che phủ thì đến năm 1975 chỉ còn khoảng 29,1% và đến năm 1983 còn 23,6%. Diện tích đất trống, đồi núi trọc năm 1975 có 10,5 triệu ha, năm 1983 tăng lên 14 triệu ha. Những năm sau 1983 nhờ có các chương trình trồng rừng (PAM, 661) đã nâng độ che phủ rừng toàn quốc lên 27,7% (1990).

Tuy nhiên, sự suy thoái rừng vẫn còn nghiêm trọng, diện tích đất trống, đồi núi trọc hiện nay vẫn còn 10 triệu ha (chiếm 30% diện tích lãnh thổ). Miền Đông Bắc nhiều vùng độ che phủ rừng chỉ còn 17,8%, còn Tây Bắc chỉ còn 8, 2%.

- Sự giảm sút chất lượng rừng

Năm 1943 theo thống kê của Molăng, cả nước có trên 14 triệu ha rừng thì loại rừng có trữ lượng trên 150 m3/ha chiếm trên 10 triệu ha, trong đó rừng tốt có trữ lượng 300 m3/ha chiếm 2,5 triệu ha. Theo thống kê năm 1990, diện tích rừng có trữ lượng trên 150 m3/ha cả nước chỉ còn 613 nghìn ha (chiếm 1,8% diện tích lãnh thổ,

chưa tới 6,7% diện tích đất có rừng). Nhìn chung, rừng giàu ngày càng giảm và rừng nghèo ngày càng tăng lên.

- Hiện trạng tài nguyên rừng

Là một nước có tới 3/4 diện tích là đồi núi mà diện tích rừng theo đầu người trung bình chỉ có 0,14 ha thấp hơn cả trị số trung bình ở Châu Á (0,4 ha/người). Trung bình diện tích rừng trên thế giới là l,6 ha/người, cao nhất là châu Đại Dương (6,7 ha/người), Nam Mỹ (5,2 ha/người).

Trữ lượng gỗ giảm sút, tổng trữ lượng gỗ của nước ta hiện nay chừng 665 triệu m3, trung bình gần 8,4 m3 gỗ/người, trong đó lượng gỗ khai thác chỉ khoảng 110 triệu m3, chưa đầy 1,4 m3 gỗ/người .

Một phần của tài liệu Địa lý tự nhiên Việt Nam (Phần 1) (Trang 72 - 73)