Trong gần 15 năm đổi mới kể từ năm 1988, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những biến đổi cơ bản. Một hệ thống ngân hàng hai cấp, tách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra khỏi các NHTM với sự tham gia của nhiều thành phần đã được hình thành. Về thực chất, sự thay đổi về bộ mặt bộ máy ngân hàng như vậy đáp ứng yêu cầu tất yếu của quá trình chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường: phân biệt rõ ràng chức năng của NHNN và NHTM, bảo đảm tính độc lập của NHTM đối với NHNN trong hoạt động kinh doanh. Về phương diện bộ máy, việc phân định rõ chức năng kinh doanh cho các NHTM còn là một tín hiệu chính thức và có giá trị pháp lý vững chắc để các NHTM CP ra đời và để các NHTM nước ngoài thiếp lập chi nhánh và văn phòng đại diện ở Việt Nam. Để khẳng định về mặt pháp lý sự thay đổi này, Quốc hội đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng vào tháng 12/1997.
Đến nay, hệ thống NHTM VN bao gồm:
- NHTM Nhà nước có 5 ngân hàng: bao gồm Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và
Phát triển, Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long.
- NHTM CP bao gồm 23 NHTM CP đô thị với 105 chi nhánh cấp I và 14 NHTM CP nông thôn với 27 chi nhánh
- Ngân hàng liên doanh có 4 ngân hàng với 7 chi nhánh
- Ngân hàng nước ngoài gồm 26 chi nhánh và 40 Văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam
Nhìn tổng thể, ở Việt Nam có một hệ thống ngân hàng với đầy đủ các thành phần kinh tế với một mạng lưới rộng lớn, phân ổ ở các tỉnh và thành phố, đủ năng lực để đáp ứng được nhu cầu phát triển nền kinh tế.