ĐAU, XƯNG NÓNG ĐỎ Ở CÁC KHỚP NGÓN CHÂN CÁI NGHĨ ĐẾN BỆNH GÚT (GOUTTE).

Một phần của tài liệu 25 bệnh, triệu chứng bệnh mới, thường gặp (Trang 35 - 38)

GÚT (GOUTTE).

Bệnh gút xảy ra do rối loạn chuyển hoá acid uric trong cơ thể, làm tăng nồng độ acid uric trong máu dẫn đến lắng đọng natri urat trong các tổ chức như khớp, thận, các tổ chức dưới da gây nên những đợt viêm khớp cấp tính.

Ở người bình thường, lượng acid uric trong máu được giữ ở mức độ cố định từ 5mg% ở nam và 4mg% ở nữ (trung bình ở người Việt Nam 4±1mg% tương đương với 208-327 milimol/lít). Khi nồng độ ở nam trên 7mg/dl (trên 416, 5 milimol/lít), ở nữ trên 6mg/dl (trên 360milimol/dl) được coi là tăng acid uric trong máu. Acid uric vượt giới hạn hoà tan sẽ bị lắng đọng ở: màng hoạt dịch gây viêm khớp, ở nhu mô thận đài bề thận, ở các cơ quan nội tạng (sụn xương, gân cơ, tổ chức dưới da ở khuỷu và mắt cá, gối, thành mạch tim, mắt v.v...) gây đau.

Nguồn cung cấp acid uric có 3 nguồn:

- Do thoái giáng các gốc purin của acid nucleic từ các thức ăn đưa vào cơ thể.

- Do thoái giáng có gốc purin của acid nucleic từ các tế bào già cỗi bị cơ thể loại bỏ.

- Do sự tổng hợp nội sinh và chuyển hoá các chất purin trong cơ thể.

13.1. Triệu chứng lâm sàng của gut cấp tính:

- Cơn gút cấp tính đầu tiên thường xuất hiện ở tuổi 30-40, ít xảy ra trước 25 tuổi hoặc sau 60 tuổi; ở nam dễ bị bệnh hơn nữ. Cơn gút cấp tính thường xảy ra sau điều kiện thuận lợi như sau bữa ăn quá nhiều thịt (nhất là tim, gan, bầu dục, thịt bò v.v...), sau khi uống rượu, sau xúc cảm nặng, sau lao động nặng, đi lại nhiều v.v...

- Thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm. Đau khớp, thường khớp bàn -ngón chân cái (60-70%): Sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và tăng dần, không dịu đi khi thay đổi thư thế. Lúc đầu chỉ một khớp sau có thể nhiều khớp.

- Có thể có sốt nhẹ, mệt, nước tiểu đỏ. Sau 5-7 ngày các dấu hiệu viêm giảm dần.

- Xét nghiệm máu: Acid uric tăng cao (trên 416, 5milimol/lít), tốc độ máu lắng (VS) cao.

13.2. Triệu chứng lâm sàng của gut mãn tính:

Gút mãn tính biểu hiện bằng dấu hiệu nổi các cục (tôphi) và viêm đa khớp mãn tính, còn gọi là gút do lắng đọng.

Gút mãn tính có thể tiếp theo gút cấp tính nhưng phần lớn là bắt đầu từ từ tăng dần không qua các đợt cấp.

13.2.1. Triệu chứng của gút mãn tính ở khớp và đầu xương:

+ Nổi cục (tophi): do lắng đọng urat ở xung quanh khớp, màng hoạt dịch, đầu xương, sụn (ngón cái và các ngón, cơ duỗi, gối, khuỷu, cổ tay, bàn tay, đốt ngón, sụn vành tai). Cục lắng đọng to nhỏ không đều, không di động, không đối xứng, ấn vào không đau.

+ Viêm đa khớp có tính chất đối xứng, không đau nhiều, diễn biến chậm.

13.2.2. Biểu hiện ngoài khớp:

+ Ở thận: lắng đọng rải rác ở nhu mô thận, sỏi đường tiết niệu: phát hiện bằng siêu âm, chụp XQ có thuốc (sỏi thường dẫn tới viêm nhiễm, suy thận).

+ Ở gân, túi thanh dịch có thể gây chèn ép thần kinh, có thể làm đứt gân. + Ở ngoài da và móng chân tay.

+ Ở màng tim, cơ tim.

13.3. Điều trị bệnh gút:

Bệnh gút tiến triển rất chậm, thông thường có 1-2 cơn gút cấp tính mỗi năm, khoảng cách các cơn sau ngắn lại; khi có cơn đầu tiên với các tophi, 10-20 năm sau bệnh nhân sẽ hạn chế vận động và bệnh khớp do urat làm hạn chế vận động.

Mục tiêu chính là tránh không làm tăng nồng độ acid uric trong máu và tránh những yếu tố thuận lợi dễ làm xuất hiện cơn gút cấp tính.

Giảm ăn thức ăn cung cấp nhiều purin: như tạng động vật, thịt, cá, cua, nấm, rau dền, đậu hà lan và đậu hạt, bột ca cao, chocolat, cá hộp có dầu. Có thể ăn trứng, sữa, hoa quả, rau (thịt ăn mỗi ngày dưới 100g).

Không uống rượu và các chất kích thích: ớt, cà phê v.v...

Uống nhiều nước ít nhất 2 lít/ngày, nên uống nước khoáng có Bicarbonat Na 3%.

Tránh làm việc quá sức, tránh lạnh đột ngột, tránh ăn uống quá mức, không dùng thuốc lợi tiểu và các thuốc có stéroide.

13.3.2. Về thuốc:

- Điều trị viêm khớp trong cơn gút cấp tính: Phải dùng thuốc chống viêm ngay. Thuốc thường dùng nhất là: Colchicin 1mg/1 viên.

+ Ngày đầu: uống 3 viên chia 3 lần. + Ngày thứ hai: uống 2 viên, chia 2 lần.

+ Từ ngày thứ ba đến ngày thứ bảy: Uống 1 viên vào buổi tối, thuốc có thể gây: ỉa chảy, nôn mửa, đau dạ dày.

Liều duy trì: 1mg mỗi ngày trong 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. - Có thể dùng các thuốc chống viêm khác:

+ Phenylbutazon: Ngày đầu tiên 600mg/bắp thịt, ngày sau 1 ống, từ ngày thứ ba chuyển sang uống 200-400 mg/ngày.

+ Vontarel (Diclofenac) tiêm bắp thịt 3 ngày sau đó uống 120mg/v. + Profenid, Indometaxin …không được dùng các thuốc có Corticoide. - Thuốc để điều trị chống tăng acid uric máu:

+ Thuốc đào thải acid uric niệu: Dùng một trong loại thuốc sau như: Probenecid: 1 viên 0, 50g hoặc Muran (Sunfinpyrazon) 100mg x 2-3 viên/ngày, Amplivix (Benziodazon) 100mg 1-2 viên/ngày, Désuric (Benzbromaron) 100mg 1-3 viên/ngày.

+ Thuốc làm giảm sinh tổng hợp acid uric niệu: Allopurinol (zyloric) 100mg/1 viên ngày 2 viên rồi tăng lên 4v/ngày (thuốc có tác dụng phụ: đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, buồn nôn, đi lỏngv.v...).

Trong quá trình dùng thuốc, theo dõi acid uric máu và acid uric niệu để điều chỉnh liều duy trì giữ nồng độ acid uric trong máu.

Một phần của tài liệu 25 bệnh, triệu chứng bệnh mới, thường gặp (Trang 35 - 38)