III. Yêu cầu về phương pháp dạy học
3.2.2.4. Dạy học thông qua thực hành hay các tình huống
Học sinh sẽ nắm bắt kiến thức tốt hơn nếu được trực tiếp sờ mó đối tượng, trực tiếp làm thí nghiệm với các đối tượng sống hoặc ít nhất là với mô hình hoặc qua phim ảnh.
Dạy thực hành: Học sinh học sinh học sẽ rèn luyện được các kỹ năng cần thiết thí dụ như kỹ năng làm tiêu bản và quan sát tiêu bản dưới kính hiển vi, kỹ năng vẽ mẫu vật dưới kính hiển vi v.v... Trong các kỳ thi Olympic sinh học quốc tế phần thực hành bao giờ cũng chiếm 50% tổng số điểm. Qua đó chúng ta thấy thế giới họ rất coi trọng việc đào tạo các kỹ năng thực hành cho học sinh và sinh viên sinh học. Trong điều kiện khó khăn về trang thiết bị của chúng ta, việc thực hành còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta cũng có thể hướng dẫn học sinh tự làm một số thí nghiệm đơn giản ở nhà hoặc ở trường khi có điều kiện. Nhiều thí nghiệm về sinh lý thực động vật các em có thể tự làm ở nhà hoặc ở trường. Thí dụ, nhiều thí nghiệm về quang hợp có thể được thực hiện như thí nghiệm chứng minh ảnh hưởng của các yếu tố sinh thái như ánh sáng, nhiệt độ, nồng độ CO2 lên khả năng quang hợp. Một số thí nghiệm về vận chuyển các chất qua màng tế bào cũng có thể được thực hiện một cách khá đơn giản mà không kém phần lý thú. Thí nghiệm, tách chiết diệp lục và chứng minh khả năng truyền điện tử của diệp lục trong ống nghiệm cũng có thể được tiến hành mà không cần gì nhiều đến thiết bị ngoại trừ một số ít hoá chất đơn giản. Các lớp học sinh chuyên hoàn toàn có thể tiến hành những thí nghiệm này và học sinh viết báo cáo tường trình lại diễn biến thí nghiệm cùng các kết quả thu được và sau đó là những nhận xét rút ra từ thí nghiệm. Để tăng cường tính hấp dẫn giáo viên không nên nói trước kết quả thí nghiệm mà để học sinh tự tìm kiếm và rút ra sau thí nghiệm. Học thông qua hành như vậy không chỉ giúp học sinh nắm được các kỹ năng thực hành cần thiết mà còn giúp họ nắm bài tốt hơn, nhớ lâu hơn.
Tăng cường các phim ảnh minh hoạ: Trong giờ lên lớp nếu có máy chiếu overhead hoặc máy chiếu phim dương bản (slide projector) hay đầu máy video thì nên chiếu cho học sinh xem và đặt ra các câu hỏi thảo luận hơn là trình bày lại kiến thức khô cứng như sách giáo khoa. Không gì thú vị bằng khi học sinh được tận mắt xem các nhiễm sắc thể co xoắn và hiện rõ dần một cách sống động và sau đó chuyển về mặt phẳng xích đạo rồi từ từ phân ly qua những thước phim khoa học quay dưới kính hiển vi. Việc trang bị một đầu máy video cho một trường không phải là một điều gì quá khó. Hiện nay trên đài truyền hình có rất nhiều phim khoa học chúng ta có thể ghi lại và chiếu cho học sinh xem những đoạn cần thiết. Không nên quan niệm là dạy chỉ bằng cách lên lớp giảng bài mà giáo viên cần đa dạng hoá cách dạy để tăng thêm phần hấp dẫn đối với học sinh.
Học thông qua các tình huống giả định: Trong quá trình dạy học nếu chỉ đơn thuần áp dụng một kiểu dạy ngày này qua ngày khác thì học sinh sẽ nhàm chán. Giáo viên có thể thay đổi hình thức giảng bài bằng cách đưa ra các tình huống giả định nào đó để học sinh tranh luận. Thí dụ, khi học về hoocmôn sinh trưởng ở thực vật, giáo viên có thể đưa ra tình huống: Tại sao cây non khi bị chiếu sáng từ một phía sẽ phát triển thân theo hướng cong về phía ánh sáng? Học sinh chắc sẽ nhanh chóng trả lời đó là vì cây có tính hướng quang. Tuy nhiên, nếu hỏi cơ chế nào dẫn đến cây sẽ bị cong đi như vậy thì học sinh không dễ gì giải thích được. Việc đưa ra những tình huống mang tính thách đố như vậy với sẽ kích thích học sinh học tập và thi đua nhau tìm câu trả lời. Những em trả lời được sẽ rất tự hào và nhớ kiến thức rất lâu và chắc còn những em chưa trả lời được sẽ gắng học hơn để tìm dịp khác thể hiện mình.
Tóm lại, bằng cách sử dụng các biện pháp dạy học khác nhau theo hướng buộc học sinh phải chủ động trong việc tìm tòi sẽ giúp học sinh có hứng thú trong học tập và đặc biệt tạo điều kiện để học sinh rèn được các kĩ năng khác nhau chứ không phải tập trung vào ghi nhớ kiến thức.
Để đổi mới được phương pháp dạy học theo yêu cầu mới, giáo viên cần phải được thường xuyên bồi dưỡng và cập nhật kiến thức sao cho vừa có bề rộng lại vừa đủ sâu thì mới có khả năng dạy học theo hướng dạy vận dụng và giải quyết vấn đề. Ngoài ra giáo viên phải thực sự là người có tâm huyết với nghề. Tuy nhiên, cái khó là ở do kiến thức sinh học phát triển quá nhanh, giáo viên không theo kịp được yêu cầu trong khi đời sống của họ còn gặp rất nhiều khó khăn.