IV. Các nhân tố chi phối quá trình phát sinh loài người.
2. Nhân tố xã hội Để hiểu được các nhân tố xã hội đóng vai trò quyết định trong quá trình
hình thành loài người chúng ta cần phân tích rõ thêm các nhân tố sau:
+ Chế tác công cụ. Tiến hóa của con người không chỉ thể hiện ở sự biến đổi cấu tạo cơ thể như đứng thẳng và đi bằng 2 chân, bộ não thể tích lớn... mà còn thể hiện ở sự phát triển cuộc sống văn hóa trong đó có ngôn ngữ giao tiếp trong đời sống xã hội. Nhưng ngôn ngữ không để lại di tích hóa thạch. Một hình thái văn hóa khác của loài người là biết chế tác công cụ và sử dụng công cụ không chỉ để phát triển đời sống mà còn để phát triển nền văn hóa. Hoạt động lao động đặc trưng cho người chính là hoạt động chế tác và sử dụng công cụ. Hơn nữa qua công cụ chế tác và sử dụng đã phản ảnh trình độ khoa học kĩ thuật và văn hóa. Vì vậy di tích khảo cổ về công cụ là bằng chứng rất quan trọng để đánh giá mức độ tiến hóa của loài người. Nếu chúng ta nói lao động là nhân tố (nhân tố xã hội) có tác động biến vượn thành người thoát khỏi đời sống động vật thì phải hiểu ở khía cạnh lao động chính là chế tác và sử dụng công cụ. Động vật, đặc biệt là Khỉ nhân hình (Vượn người) có thể sử dụng các vật liệu tự nhiên có sẵn như hòn đá, cành cây...làm công cụ để kiếm thức ăn. Chúng chưa biết chế tác công cụ và sử dụng công cụ như là phương tiện sinh sống và văn hóa đặc trưng cho người. Người vượn Australopithecus tuy đã có tư thế đứng thẳng, đi bằng 2 chân, tay được giải phóng nhưng vẫn chưa biết chế tác công cụ mà cũng chỉ sử dụng công cụ sẵn có trong tự nhiên giống như vượn người. Điều đó chứng tỏ rằng chế tác công cụ không chỉ dựa vào đôi tay được giải phóng mà chủ yếu phải trên cơ sở phát triển bộ não. (Trong thế giới con người hiện nay có nhiều người hỏng tay, cụt tay nhưng đã sử dụng chân, thậm chí miệng , lưỡi để lao động chế tác công cụ và sử dụng công cụ, viết, vẽ... khéo léo không khác gì bằng đôi tay vì bộ não của họ còn nguyên vẹn là não người, còn những người bệnh về thần kinh do hỏng bộ não tư duy dù tay chân còn lành lặn, đi đứng chạy nhảy tốt nhưng không có hành vi văn hóa, không biiết sử dụng công cụ nói chi đến chế tác công cụ...).
Những trầm tích công cụ bằng đá được chế tác đầu tiên được tìm thấy cách đây trên 2 triệu năm vào thời kì tồn tại của người cổ Homo habilis.
Tại Ônđuvai ở Tanzania (Đông Phi), Louis Leakey từ những năm 1931 đã phát hiện những công cụ đá cổ sơ đại diện cho nền văn hóa Ônđuvan. Lúc đầu người ta cho rằng đó là công cụ của người vượn Australopithecus, nhưng thực ra không phải. Năm 1961 Mary Leakey phát hiện ở Ônđuvai hóa thạch của người cổ Homo habilis với niên đại khoảng 1,75 – 2 triệu năm cách đây và các nhà khảo cổ khẳng định công cụ đá là do người cổ H. habilis chế tác. Năm 1972 Richard Leakey phát hiện hàng loạt hóa thạch ở Koobi Fora gần hồ Turkana (còn được gọi là hồ Rudolf) thuộc Kenya (Đông Phi) gồm di tích xương H. habilis và các công cụ đá tinh vi hơn so với công cụ ở Ônđuvai. Phân tích kĩ hộp sọ các nhà khảo cổ thấy hộp sọ tìm thấy ở Koobi Fora có dung tích khá lớn đạt tới 800 cm3 và căn cứ vào công cụ đá tinh vi hơn nên đã tách thành loài Homo rudolfensís
và cho rằng có thể là một dạng người tiến hóa hơn so với H. habilis.
Người Homo erectus tiến hóa hơn H. habilis cả về cấu tạo cơ thể cũng như chế tác và sử dụng công cụ. Công cụ đá của người Homo erectus đa dạng hơn và tinh vi hơn gồm nhiều loại
mảnh tước, rìu, lao nhọn... không chỉ được dùng như là công cụ đi săn bắt hái lượm, mà còn đựơc dùng trong sinh hoạt, đại diện cho nền văn hóa thời đại đồ đá cũ tầng dưới (Lower-Paleolithic culture) kéo dài trong khoảng từ 1,6 triệu năm cho đến 200.000 năm cách đây (thời gian tồn tại của người Homo erectus).
Công cụ đá của người cận đại Neanđectan và người hiện đại sống cách đây khoảng 200.000 – 50.000 năm tạo nên nền văn hóa thời đại đồ đá cũ tầng trung (Middle- Paleolithic culture). Công cụ mảnh tước, rìu, lao nhọn được chế tác tinh vi hơn, đã có tra cán chứng tỏ trí thông minh và khéo léo đã phát triển cao hơn.
Từ người hiện đại Crômanhôn sống cách đây 50000 - 35000 năm và người hiện đại về sau, công cụ đá cũng như xương, sừng càng đa dạng tinh vi hơn tạo nên nền văn hóa thời đại đồ đá cũ tầng trên (Upper Paleolịtic culture) kéo dài từ 40.000- 10.000 năm. Tiếp theo là thời đại đồ đá giữa (Mesolithic culture) cách đây khoảng 10.000 năm là thời đại loài người bắt đầu biết chăn nuôi và trồng trọt. Tiếp theo là thời đại đồ đá mới (Neolithic culture) cách đây khoảng 9000 – 6000 năm tùy địa phương. Nhân loại cách đây khoảng 6000 mới tiến vào thời đại đồ sắt và cho tới nay công nghệ chế tác công cụ lao động đã phát triển như vũ bão không chỉ có công cụ thay cho lao động cơ bắp mà chủ yếu là công cụ lao động tư duy.
+ Chăn nuôi và trồng trọt. Người vượn Australopithecus sống trên các trảng cỏ savan xen rừng cây thành từng nhóm sống bằng săn bắt và hái lượm trong khoảng thời gian 2 triệu năm. Người Homo cổ với bộ não lớn đã biết chế tác công cụ sử dụng công cụ để lao động và sinh sống, nhưng phải đến giai đoạn người hiện đại cách đây khoảng 15000 – 10000 năm mới có chăn nuôi và trồng trọt, thức ăn được giữ trử, chế biến, trao đổi dẫn đến phân hóa nghề nghiệp, thương mại, nông thôn, thành thị. Sự phát triển sản xuất và đời sống chủ yếu trên cơ sở phát triển công cụ sản xuất cũng như nghề nghiệp và quan hệ sản xuất. Tiến sang thời đại đồ sắt và nhân loại từ cuộc sống nông nghiệp tiến lên cuộc sống công nghiệp hóa, lối sống bộ lạc sang lối sống nhà nước phong kiến rồi nhà nước tư bản....
+ Các nhân tố xã hội khác. Các nhân tố xã hội như ngôn ngữ, chữ viết, học tập giáo dục, kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm qui tắc sống, truyền thống văn hóa được truyền đạt qua các thế hệ gắn liền với cuộc sống xã hội có tổ chức và cũng là nhân tố quyết định hình thành con người xã hội. Ngay trong cuộc sống hiện đại nhiều em bé sơ sinh bị thú rừng bắt và sống cuộc sống hoang dã tuy về cơ thể vật lí vẫn là người có bộ não lớn có đôi tay, đi bằng hai chân nhưng không có ngôn ngữ chỉ hú kêu như thú, tập tính sống như thú rừng... và khi được trở về với xã hội loài người phải thời gian rất lâu phải giáo dục công phu mới trở thành con người thực thụ. Tuy nhiên vượn người dù tiến hóa cao như Tinh tinh được sống và giáo dục trong xã hội loài người hiện đại, chúng không thể biến thành người được (nếu được giáo dục từ bé Tinh tinh có thể đi chạy được một đoạn dài nhưng không thường xuyên và vẫn dáng khom khom). Để trở thành con người thực thụ, các nhân tố xã hội chỉ phát huy chọn lọc trên cơ sở các biến đổi sinh học đã có mà chủ yếu là bộ não phát triển ở mức là não người.
Bài 48 . Môi trường sống và các nhân tố sinh thái.
Ngoài các khái niệm về môi trường, các nhân tố sinh thái còn đưa thêm một khái niệm rất cơ bản khác mà các giáo trình trước đây chưa cho và chưa giải thích cặn kẽ, đồng thời chưa nhấn mạnh giá trị của nó trong sinh thái học là ổ sinh thái. Đó là nơi sống, sinh cảnh và ổ sinh thái
Nơi sống là một phần của môi trường, một không gian mà ở đó một sinh vật hay một quần thể, quần xã sinh vật sinh sống với các yếu tố vô sinh và hữu sinh của phần môi trường ấy. Trong giới hạn nào đó, nơi sống cũng có thể được hiểu là một hoang mạc, một khu rừng nhiệt đới, một đồng cỏ hay một đồng rêu Bắc cực (Từ điển Đa dạng sinh học và phát triển bền vững, 2001)
Đơn vị nhỏ nhất của nơi sống, ở đấy có sự đồng nhất tương đối của các loài động vật, thực vật, vi sinh vật và những điều kiện của môi trường vật lí được gọi là sinh cảnh (biotop).
Giới hạn sinh thái không chỉ hiểu đơn thuần về một khoảng xác định của nhân tố môi trường mà còn phải hiểu về biên độ dao động, phương thức và thời gian tác động của các nhân tố (ổn định hay dao động, dao động có hay không có chu kỳ, thời gian tác động dài hay ngắn.. .).
Đối với mỗi hoạt động chức năng của cơ thể sinh vật cũng có giới hạn sinh thái riêng như vận động, dinh dưỡng, sinh sản.. . Tổng của chúng chính là giới hạn sinh thái chung của cơ thể. “Ổ sinh thái là một không gian sinh thái (hay siêu không gian) mà các nhân tố môi trường của nó quyết định đến sự tồn tại và phát triển ổn định của cá thể loài theo thời gian”.
Ý nghĩa của khái niệm này rất quan trọng trong việc giải thích sự cạnh tranh giữa các cá thể, nhất là các cá thể khác loài, khả năng phân hoá và tiến hoá của các loài phù hợp với một sinh cảnh đa dạng về loài, nhưng nguồn sống nói riêng hay sức chịu đựng của môi trường nói chung bị giới hạn.
Cách truyền đạt một khái niệm trừu tượng như trên được thể hiện bằng hình vẽ, dựa trên cơ sở hiểu biết nhuần nhuyễn khái niệm về “ giới hạn sinh thái”, về vùng sống của loài (hình 1).
Bài 49 và 50. Mối quan hệ giữa cơ thể và yếu tố môi trường.
Hai bài này nói lên 2 vấn đề cơ bản nhất:
- Sinh vật chịu sự chi phối, hay sống phụ thuộc vào các nhân tố môi trường bằng những phản ứng thích nghi, trong đó có sự biến đổi về các đặc điểm hình thái, sinh lí và tập tính sinh thái.
- Trong quá trình tiến hoá, sinh vật không chỉ thích nghi một cách bị động với các nhân tố môi trường mà còn chủ động phản ứng lại làm cho môi trường biến đổi để giảm nhẹ tác động của môi trường lên đời sống. Sống trong các tổ chức càng cao (quần thể, quầ xã), sức cải tạo môi trường của sinh vật càng mạnh, trong nhiều trường hợp sinh vật làm cho môi trường biến dạng cực lớn, ví dụ, sự hình thành đất, sự thành tạo các rạn san hô trong các đại dương v.v. Con ngưòi là một minh chứng điển hình vè sự làm biến đổi môi trường sống : biến các cảnh quan hoang sơ thành cảnh quan văn hoá, hơn thế nữa còn là cho sinh quyển lâm vào cảnh suy thoái nghiêm trọng mà người ta cho rằng, con người đang tạo ra “thảm hoạ thứ 6” sau các thảm hoạ gây ra bởi các hoạt động của vỏ Trái Đất xảy ra giữa các thời kỳ địa chất.
Đó là mối tác động 2 chiều, thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa cơ thể và môi trường. Để giải thích tác động của các nhân tố, cần nhấn mạnh một điều là, các nhân tố khí hậu thường biến động theo các chu kỳ thiên văn rất chặt chẽ. Do đó, giáo viên phải có những hiểu biêt khá kỹ về những vấn đề này nói riêng hay những lĩnh vực khác có liên quan nói chung (kiến thức địa lý, vật lý, hoá học,…) nhằm giúp cho học sinh có cơ sở hiểu một cách sáng tạo và chủ động giải thích được sự thích nghi phong phú của sinh vật với các nhân tố môi trường. Ví dụ, Trái Đất quay quanh trục của mình sinh ra ngày đêm, quay quanh Mặt Trời với trục nghiêng 23,5o sinh ra 4 mùa làm cho các nhân tố khí hậu (chế độ chiếu sáng, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, hoạt động của thuỷ triều,…) biến đổi có quy luật, kéo theo là sự phân bố và đời sống sinh vật biến đổi cũng theo những quy luật xác định. Sự phân bố của ánh sáng và nhiệt độ trong khối nước tuân theo những quy luật vật lý nghiêm ngặt, quyết định đến sự phân bố và đời sống các loài, năng suất sinh học của các vùng nước khác nhau v.v.
Quan niệm như thế nên trong SGK, tác giả bao giờ cũng đưa những kiến thức này một cách có dụng ý vào đầu từng nhân tố môi trường và thường có gợi ý về các sách tham khảo liên quan để giáo viên và học sinh có điều kiện tiếp cận.
Bài 53 và 54. Sự tăng trưởng số lượng của quần thể.
Ngoài những kiến thức đã học ở lớp XI trước đây hay lớp IX cải cách, trong bài này chứa đựng những kiến thức mới , nhưng rất cơ bản dưới đây:
- Kích thước quần thể với những cực trị của nó : Kích thước tối thiểu đặc trưng cho loài, kích thước tối đa phù hợp với sức chứa của môi trường. Hai vấn đề này không chỉ có ý nghiã lí thuyết mà còn có giá trị thực tiễn rất lớn, nhất là trong săn bắt các loài động vật hoang dx và trong nghề cá (khai thác 50% của trữ lượng, hay sản lượng khai thác cho phép).
Do khai thác quá mức, ở nhiều loài sinh vật hoang dã, kích thước quần thể của chúng đã giảm xuống dưới mức tối thiểu mà chúng cần phải có để khôi phục lại số lượng, và đang lâm vào cảnh bị tiêu diệt. Chẳng hạn, hổ, báo, tê giác một sừng, công, trĩ, vích, đồi mồi, cá mòi, cá chay, trai ngọc, bào ngư, vẹm vỏ xanh, những loài gỗ quý, nhiều cây thuốc và sản xuất hương liệu có giá trị v.v. Ngay các dân tộc thiểu số sống trên lãnh thổ nước ta, mặc dầu được Đảng và nhà nước chăm lo, nhưng do trình độ dân chí thấp, dân số của họ trở nên mai một vì nhiều lẽ, song cận huyết trong sinh sản là mối lo lớn nhất.
Một khía cạnh ngược lại, dân số loài người đang ở vào giai đoạn bùng nổ. Số lượng người ngày một tăng (ở nước ta mỗi năm dân số tăng lên bằng dân số trung bình của một tỉnh), trong khi “sức nặng sinh thái” của con người ngày một lớn. Điều đó đang trở thành gánh nặng của các quốc gia đang phảt tiển trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của mình.
- Công thức tổng quát về kích thước quần thể:
Nt = NO + B - D + I - E không chỉ chỉ ra mối phụ thuộc về số lượng của quần thể với các yếu tố thành tạo mà chính mỗi yếu tố là những nguyên nhân điều chỉnh kích thước quần thể, trong đó mức sinh sản và mức tử vong là bản tính vốn có của bất kì quần thể nào.
- Trong bài các khái niêm về mức sinh sản và mức tử vong, mức xuất cư và nhập cư cũng như các khái niệm vê tốc độ sinh sản và tử vong riêng tức thời được đề cập đến là những kiến thức rất cơ bản để hiểu sự gia tăng số lượng của quần thể, trong đó đề cập đến mối quan hệ b – d = r như một hệ số gia tăng hay tốc độ tăng trưởng riêng tức thời về số lượng của quần thể.
- Mức sống sót của quần thể được xem là “chiến lựơc sống còn” của các loài. Chiến lược này thể hiện mức độ tiến hoá của các loài (xem hình 53.3, SGK). Những sinh vật bậc thấp có mức sinh sản cao thích nghi với mức tử vong lớn. Đương nhiên, xét về mặt năng lượng, khi chúng đẻ nhiều, chi phí năng lượng cao nên kích thước cơ thể thường nhỏ. Những sinh vật bậc cao có xu hướng ngược lại, đẻ ít nhờ tiến hoá theo hướng tăng khả năng chăm sóc và bảo vệ con non (biết làm tổ, biết ấp và bảo vệ trứng, con non, chuyển từ thụ tinh ngoaì sang lối thụ tinh trong, đẻ con và nuôi con bằng sữa), nên mức tử vong thấp, chi phí năng lượng giảm, kích thước cơ thể do đó, phát triển lớn, ít chịu các tác động của các nhân tố môi trường hữu sinh.
- Sự tăng trưởng kích thước quần thể được mô tả trong 2 điều kiện : Điều kiện môi trường không bị giới hạn (môi trường lí tưởng, còn gọi là chọn lọc r) và điều kiện môi trường bị giới hạn (môi trường thực tế, còn gọi là chọn lọc K) với 2 phương trình đặc trưng và những đường cong