Thời vụ thu hoạch

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH THU MUA NGUYÊN LIỆU sắn tại NHÀ máy TINH bột sắn FOCOCEV THỪA THIÊN HUẾ (Trang 30 - 31)

THỰC TRẠNG VÙNG NGUYÊN LIỆU VÀ CHÍNH SÁCH THU MUA SẮN

3.1.3.Thời vụ thu hoạch

Thời vụ thu hoạch vùng nguyên liệu trồng sắn khu vực Miền Trung kéo dài từ tháng 8 đến tháng 7 năm sau. Từ Bình Định trở ra đến Thanh Hoá, thời vụ thu hoạch chính vụ là từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Còn lại tuỳ thuộc vào tiểu vùng khí hậu của từng địa phương có thể phát triển vùng nguyên liệu trái vụ khác nhau.

Qua kết quả khảo sát trên 100 hộ tại vùng nguyên liệu trồng sắn tại tỉnh Thừa Thiên Huế của 6 huyện. Có 2% thu hoạch vào tháng 8, có 11% thu hoạch vào tháng 9, có 19% thu hoạch vào tháng 10, có 14% thu hoạch vào tháng 11, có 24% thu hoạch vào tháng 12, có 13% hoạch vào tháng 1, có 5% thu hoạch vào tháng 2, có 7% thu hoạch vào tháng 3 và có 5% thu hoạch vào tháng 4 hằng năm. Nhìn chung vùng nguyên liệu trồng sắn tại tỉnh Thừa Thiên Huế thu hoạch tập trung vào tháng 9 đến tháng 3 hằng năm.

Tháng 8 hằng năm: Diện tích thu hoạch trong thời gian này, chủ yếu tập trung ở vùng đất cát huyện Phong Điền, vùng bán sơn địa huyện Hương Trà và một số diện tích trồng sớm ở huyện Nam Đông. Diện tích thu hoạch trong thời gian này rất ít, độ tuổi thu hoạch của sắn từ 7 đến 8 tháng (đúng tuổi là 10 - 12 tháng), chất lượng bột thấp. Hằng năm, vào thời điểm này, Nhà máy đóng máy sản xuất chủ yếu là đẩy mạnh công tác vận động và tuyên truyền các nông hộ trồng sắn và Nhà cung ứng vào vụ sớm.

Tháng 9 và tháng 10 hằng năm: Diện tích thu hoạch trong 02 tháng này chủ yếu tập trung các vùng thấp trũng ở Phong Điền và Hương Trà. Diện tích thu hoạch nhiều hay ít phụ thuộc vào cường độ lũ, bão trong hai tháng này. Ở hai tháng này thường xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu nguyên liệu sắn cục bộ trong thời gian sau khi xảy ra lũ hoặc bão.

Tháng 11 hằng năm: Hằng năm vào tháng này nguồn nguyên liệu cung ứng về Nhà máy rất ít. Diện tích thu hoạch sắn ở vùng đồng bằng đã cơ bản giải quyết để chạy lũ trong tháng 9 và tháng 10. Diện tích vùng đồi chuẩn bị vào vụ thu hoạch, do đó nguồn nguyên liệu hằng năm vào tháng này thường không ổn định.

Tháng 12 và tháng 01 hằng năm: Đây là thời điểm thu hoạch chính vụ, năng suất ở thời điểm này rất cao và chất lượng nguyên liệu tốt. Ở vùng đồng bằng bắt đầu thu hoạch diện tích còn lại để phơi đất chuẩn bị trồng lại cho vụ sau. Diện tích ở vùng đất đồi như A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông và vùng núi Hương Trà bắt đầu vào chính vụ thu hoạch. Sản lượng nguyên liệu cung ứng trong thời gian này ổn định và đáp ứng được nhu cầu hoạt động của Nhà máy.

Tháng 02 hằng năm: Thường tháng 02 hằng năm rơi vào Tết Nguyên đán, phần lớn nông hộ trồng sắn và Nhà cung ứng tập trung vào công việc chăm lo cho Tết và sau Tết nghỉ rất dài ngày. Thời gian trong tháng 02 thường mất khoảng 15 ngày dừng thu hoạch và 15 ngày còn lại thu hoạch thưa thớt.

Tháng 03 và tháng 04: Đây là giai đoan cuối vụ thu hoạch, diện tích chủ yếu còn lại ở các vùng đất đồi và một ít diện tích còn lại chủ yếu là diện tích giữ giống trồng lại.

So với các vùng nguyên liệu của các tỉnh lân cận, vùng nguyên liệu sắn tại Thừa Thiên Huế thu hoạch sớm hơn 1 tháng, tuy nhiên sản lượng trong tháng 8 còn rất ít.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH THU MUA NGUYÊN LIỆU sắn tại NHÀ máy TINH bột sắn FOCOCEV THỪA THIÊN HUẾ (Trang 30 - 31)