- Công tác quản lý
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Từ những kết quả trong quá trình thực hiện đề tài “ Hoàn thiện chính sách thu mua nguyên liệu sắn tại Nhà máy tinh bột sắn FOCOCEV Thừa Thiên Huế” rút ra những kết luận và kiến nghị sau:
1. Kết luận
Qua 4 năm đi vào sản xuất, Nhà máy tinh bột sắn FOCOCEV Thừa Thiên không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Quy mô sản xuất ngày càng mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu sắn.
Từ kết quả nghiên cứu về thu mua nguyên liệu sắn tại Nhà máy, nhận thấy vùng nguyên liệu trồng sắn tại tỉnh Thừa Thiên Huế chưa đáp ứng được công suất hoạt động của Nhà máy tinh bột sắn FOCOCEV Thừa Thiên Huế. Cần đầu tư phát triển được vùng nguyên liệu sắn thu hoạch trong tháng 8 và vùng nguyên liệu sắn thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 5. Đồng thời chưa thiết lập được mối quan hệ kinh tế bền vững với nông hộ sản xuất sắn, chưa có chính sách dài hạn đảm bảo ổn định sản phẩm đầu ra của nông hộ sản xuất sắn và duy trì bền vững diện tích vùng nguyên liệu trồng sắn. Nhà máy cần có chính sách cụ thể phát triển mạnh về số lượng cũng như năng lực Nhà cung ứng sắn tươi đủ mạnh để cạnh tranh thu mua với các đại lý sắn khô. Chưa phân công cán bộ nông vụ cụ thể chăm sóc, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho Nhà cung ứng. Hình thức mua bán sắn tươi chưa phù hợp với nông hộ sản xuất sắn và làm khó khăn cho các nông hộ ở xa và nông hộ có diện tích nhỏ sản lượng ít.
Nông hộ sản xuất sắn phần lớn chưa áp dụng quy trình kỹ thuật chăm bón, Nhà máy cần có giải pháp kịp thời thúc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình đối chứng để nâng cao năng suất và hiệu quả trồng sắn. Kênh thông tin tuyên truyền đến nông hộ sản xuất sắn rất yếu, phần lớn nông hộ sản xuất sắn tham khảo thông tin thu mua thông qua kênh trung gian, thiếu trung thực.
Để thu mua nguyên liệu sắn có hiệu quả, Nhà máy cần định hướng trồng và thu hoạch sắn theo tháng cho các vùng nguyên liệu tại Thừa Thiên Huế. Thứ hai là định giá thu mua linh hoạt cho từng vùng nguyên liệu, phù hợp với các hình thức thu
mua khác nhau trên thị trường. Thứ ba là tăng cường công tác khuyến nông, xây dựng mô hình điểm về trồng sắn có năng suất và chất lượng cao, thử nghiệm giống mới và tuyển chọn giống có năng suất cao. Thứ tư là phát triển Nhà cung ứng và tuyển chọn Nhà cung ứng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người sản xuất. Thứ năm là mở rộng phương thức mua bán trả góp, trả chậm giữa Nhà máy với Nhà cung ứng và nông hộ sản xuất sắn. Thứ sáu là tăng cường công tác quản lý diện tích trồng sắn, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với những nông hộ sản xuất sắn.
Để hoàn thiện chính sách thu mua nguyên liệu sắn tại Nhà máy tinh bột sắn FOCOCEV Thừa Thiên Huế trong thời gian tới tôi đưa ra một số kiến nghị sau:
2. Kiến nghị
Để thu mua nguyên liệu sắn ổn định đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh, Nhà máy nhanh chóng quy hoạch vùng nguyên liệu trồng sắn trái vụ để đáp ứng đủ công suất hoạt động của Nhà máy. Định hướng trồng và thu hoạch sắn theo tháng tại các vùng nguyên liệu tại Thừa Thiên Huế. Đồng thời xây dựng chính sách giá thu mua linh hoạt từng phù hợp với từng vùng nguyên liệu, phù hợp với các hình thức thu mua khác nhau trên thị trường. Mở rộng phương thức thu mua để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại chổ, giao hàng nhanh và thanh toán tiền liền của nông hộ sản xuất sắn.
Nhà máy nhanh chóng thiết lập kênh thông tin chính thống từ Nhà máy đến người sản xuất và Nhà cung ứng để đảm bảo cạnh tranh thu mua trên vùng nguyên liệu. Đồng thời tăng cường công tác quản lý diện tích và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với nông hộ sản xuất sắn và Nhà cung ứng.. Điều tra giá thành sản xuất của nông hộ sản xuất sắn để định mức giá bảo hiểm cho nông hộ sản xuất, đảm bảo người sản xuất yên tâm phát triển diện tích, tăng sản lượng.
Xây dựng quy trình về mô hình thử nghiệm giống mới và tuyển chọn giống mới để đảm quản lý và theo dõi việc thử nghiệm giống mới và nhân rộng trên quy mô lớn. Xây dựng quy trình phát triển và tuyển chọn Nhà cung ứng tiềm năng và quy trình chăm sóc khách hàng để đảm bảo phát triển đủ số lượng, đúng chất lượng Nhà cung ứng cần thiết trên vùng nguyên liệu.