D. Câu hỏi thảo luận và định hưóng thảo luận
2. Nhà nước xã hội chủ nghĩa
2.1. Khái niệm nhà nước xã hội chủ nghĩa
- Nhà nước là một bộ máy đặc biệt để bảo đảm sự thống trị về kinh tế, để thực hiện quyền lực về chính trị và thực hiện sự tác động về tư tưởng đối với quần chúng. Theo V.I Lênin, nhà nước là một bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác, "Nhà nước theo đúng nghĩa của nó, là một bộ máy trấn áp đặc biệt của giai cấp này đối với giai cấp khác"12. Nhà nước đầu tiên xuất hiện trong lịch sử là nhà nước chiếm hữu nô lệ, sau đó đến nhà nước phong kiến và nhà nước tư sản. Tất cả các
nhà nước này đều là nhà nước của giai cấp bóc lột, dùng để đàn áp, bóc lột nhân dân lao động.
- Với sự thắng lợi của cách mạng XHCN, một nhà nước kiểu mới ra đời: nhà nước XHCN (nhà nước chuyên chính vô sản). Nhà nước XHCN là một trong những tổ chức chính trị cơ bản nhất của hệ thống chính trị XHCN, một công cụ quản lý mà đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo nhân dân tổ chức ra để qua đó là chủ yếu, nhân dân lao động thực hiện quyền lực và lợi ích của mình trong quá trình xây dựng CNXH.
2.2. Bản chất, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa
- Bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa
+ Nhà nước XHCN (nhà nước chuyên chính vô sản) mang bản chất của giai cấp công nhân, có tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc. Bản chất đó do cơ sở kinh tế và đặc điểm quyền lực chính trị trong CNXH quy định.
Trong CNXH, quan hệ sản xuất XHCN từng bước được thiết lập trên cơ sở công hữu về tư liệu sản xuất - đó là kiểu quan hệ sản xuất không có áp bức, bóc lột. Giai cấp công nhân là người giữ địa vị thống trị về chính trị, khác hẳn với sự thống trị của giai cấp bóc lột. Sự thống trị của giai cấp bóc lột là sự thống trị của thiểu số đối với tất cả các giai cấp bị áp bức, bóc lột, để bảo vệ lợi ích của chúng. Còn sự thống trị của giai cấp công nhân là sự thống trị của đa số đối với thiểu số bọn bóc lột, nhằm bảo vệ lợi ích của số đông trong dân cư, giải phóng giai cấp công nhân và tất cả những người lao động.
+ Nhà nước XHCN vừa là bộ máy chính trị - hành chính, một cơ quan cưỡng chế vừa là một tổ chức quản lý kinh tế - xã hội của nhân dân lao động, nó không còn là nhà nước theo nguyên nghĩa mà chỉ là "nửa nhà nước".
+ Dân chủ XHCN là thuộc tính của nhà nước XHCN.
Các nhà nước bóc lột được xây dựng trên cơ sở của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, nhằm duy trì sự áp bức, bóc lột và thống trị giai cấp, vì vậy không thể có chế độ dân chủ thực sự.
Nhà nước XHCN là công cụ để thực hiện nền dân chủ mới - dân chủ xã hội chủ nghĩa; nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là chủ thể của chế độ dân chủ XHCN - là người sáng lập ra nhà nước và tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động của nhà nước, mọi hoạt động của nhà nước đều nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân.
Với ý nghĩa đó, nhà nước XHCN chính là nhà nước của dân, do dân và vì dân, trong đó dân chủ XHCN là thuộc tính quan trọng của nhà nước kiểu mới.
+ Nhà nước XHCN luôn giữ vai trò tích cực và sáng tạo, là công cụ để xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng.
Khác với các giai cấp thống trị trước đây, giai cấp công nhân sau khi đã giành được quyền thống trị không có mục đích dùng nhà nước để duy trì mãi địa vị thống trị của mình, mà là để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, xóa bỏ mọi sự áp bức, bóc lột và mọi sự thống trị giai cấp. Vì vậy, quá trình tổ chức và thực hiện quyền lực, giai cấp công nhân thực hiện liên minh với mọi lực lượng xã hội để thiết lập những nguyên tắc và cơ chế vận hành quyền lực dựa trên cơ sở quyền lực nhân dân, không ngừng mở rộng dân chủ và phát huy vai trò của nhân dân.
Nhà nước XHCN càng phát triển thì chế độ dân chủ càng được hoàn thiện, tích chất xã hội của nó càng được mở rộng. Đến một giai đoạn lịch sử khi mà những điều kiện kinh tế - xã hội đạt đến mức đủ cơ sở cho sự tồn tại của nhà nước không còn nữa, thì nhà nước XHCN sẽ "tự tiêu vong", nhường chỗ cho sự phát triển của một tổ chức xã hội tự quản, dựa hoàn toàn trên cơ sở quyền lực nhân dân rộng rãi, không cần đến cưỡng chế và hành chính của nhà nước.
- Chức năng, nhiệm vụ của nhà nước XHCN:
+ Chức năng của nhà nước XHCN (nhà nước chuyên chính vô sản) Một là, tổ chức xây dựng và quản lý trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội theo pháp luật, chính sách, pháp chế XHCN và hệ thống cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở.
Hai là, chuyên chính đối với mọi tội phạm và mọi kẻ thù để bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ những thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ XHCN; đồng thời tạo ra những điều kiện cơ bản để ngày càng mở rộng dân chủ trong nhân dân.
Hai chức năng cơ bản của nhà nước XHCN luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau, chức năng này làm điều kiện, tiền đề, cơ sở cho chức năng kia được thực hiện và ngược lại. Vì vậy, trong nhận thức và tổ chức thực hiện không tuyệt đối hóa hay coi nhẹ, hạ thấp hoặc tách rời giữa hai chức năng cơ bản đó của nhà nước XHCN. Trong đó, chức năng tổ chức xây dựng và quản lý toàn diện xã hội mới là chức năng cơ bản chủ yếu, xuyên suốt và lâu dài nhất của nhà nước XHCN, nhưng cũng không được vì thế mà coi nhẹ bạo lực, trấn áp của nhà nước. Đương nhiên phải căn cứ vào
từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà xác định và thực hiện tốt chức năng trội hơn.
- Nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
+ Nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của nhà nước XHCN là: xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Đây là những nhiệm vụ bao trùm và được triển khai thành các nhiệm vụ cụ thể của nhà nước XHCN.
+ Nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể của nhà nước XHCN là: tổ chức nhân dân xây dựng kinh tế - xã hội, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động; từng bước củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN, tạo ra các quan hệ xã hội mới, qua đó từng bước cải tạo dần các giai tầng xã hội cũ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trấn áp sự phản kháng của các giai cấp bóc lột đã bị đánh đổ và âm mưu phản cách mạng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên của nhà nước XHCN, nhằm bảo vệ trật tự pháp luật của nhà nước XHCN và quyền lợi của nhân dân lao động; nhiệm vụ quốc phòng - an ninh chống xâm lược và làm tròn nhiệm vụ quốc tế của nhà nước XHCN, tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác với các nước XHCN và các nước khác trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.