D. Câu hỏi thảo luận và định hưóng thảo luận
1. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
1.1 Khái niệm dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa
- Khái niệm dân chủ
+ Dân chủ xuất phát từ chữ Hylạp Democratos, có nghĩa là chính quyền thuộc về nhân dân, quyền lực thuộc về nhân dân.
+ Dân chủ là một hình thức tổ chức chính trị - nhà nước của xã hội, một chế độ nhà nước, một chế độ xã hội mà điểm đặc trưng của nó là việc
tuyên bố chính thức nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, thừa nhận quyền tự do bình đẳng của công dân, thừa nhận nhân dân là cội nguồn của quyền lực. Theo V.I.Lênin: "Chế độ dân chủ là một hình thức nhà nước, một trong những hình thái của nhà nước, mà ở đó chính thức thừa nhận quyền bình đẳng giữa các công dân, thừa nhận mọi người có quyền ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước, đồng thời chế độ dân chủ cũng là việc thi hành có tổ chức, có hệ thống sự bắt buộc đối với mọi người để bảo đảm dân chủ chung cho toàn xã hội"11.
+ Thuật ngữ dân chủ còn được vận dụng vào tổ chức và hoạt động của các cơ quan chính trị, các tổ chức và các lĩnh vực xã hội riêng biệt với tư cách là một nguyên tắc và phương thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức, lĩnh vực đó.
- Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa
Chế độ dân chủ XHCN là một thể chế chính trị mà trong đó quyền lực quản lý xã hội thuộc về nhân dân, là một hình thức tự quy định của nhân dân để chi phối hoạt động của các cá nhân và xã hội trên cơ sở bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi của các công dân, được bảo đảm bằng pháp luật của nhà nước XHCN.
Dân chủ XHCN được hình thành sau khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền nhà nước. Nó phát triển và hoàn thiện dần cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện CNXH.
1.2. Bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa
Dân chủ XHCN có thể được tổ chức, thực hiện dưới các hình thức khác nhau tùy điều kiện lịch sử ra đời và tồn tại của nó, nhưng về bản chất là một. Bản chất của dân chủ XHCN được thể hiện dưới các khía cạnh sau:
- Dân chủ XHCN mang bản chất giai cấp công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nền dân chủ XHCN được xây dựng trên đường lối, quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân. Lực lượng lãnh đạo toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển nền dân chủ XHCN là Đảng Cộng sản.
- Dân chủ XHCN là sự kế thừa tất cả những tinh hoa trong các nền dân chủ trước đó (dân chủ chủ nô, dân chủ tư sản). Nhưng dân chủ XHCN là một loại hình, một kiểu tổ chức dân chủ mới khác về chất so với tất cả các loại hình dân chủ trước đó. Cơ sở chính trị của dân chủ XHCN là bản chất chính trị của giai cấp công nhân và khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản lãnh đạo, sự quản lý của nhà nước XHCN. cơ sở kinh tế của dân chủ XHCN là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển lực lượng sản xuất. Cơ sở kinh tế quy định một cách khách quan bản chất của dân chủ XHCN, tạo ra sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ của quảng đại nhân dân lao động trong chế độ XHCN. cơ sở tư tưởng - văn hóa của dân chủ XHCN là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân và nền văn hóa XHCN từng bước được xây dựng, phát triển và hoàn thiện trong quá trình xây dựng CNXH.
- Dân chủ XHCN hướng tới mục tiêu giải phóng xã hội, giải phóng con người, nâng cao năng lực làm chủ của con người, vừa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của đại đa số nhân dân lao động, vừa là mục tiêu và động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
- Dưới chế độ XHCN, quyền của công dân được thể hiện trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, được bảo đảm bằng pháp luật. Do đó, dân chủ XHCN là nền dân chủ thực sự.
1.3. Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa
- Hệ thống chính trị của một chế độ xã hội, một quốc gia là hệ thống các tổ chức (thiết chế) chính trị - xã hội và các mối quan hệ giữa chúng với nhau, vận hành theo một cơ chế nhất định, bảo đảm cho việc thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền trong quan hệ với các giai cấp, tầng lớp và các nhóm xã hội khác.
- Hệ thống chính trị XHCN là một chỉnh thể bao gồm Đảng cộng sản, Nhà nước XHCN, các tổ chức chính trị - xã hội của quần chúng, cùng với cơ chế vận hành của nó, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, và bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu XHCN.
Hệ thống chính trị XHCN ra đời sau khi giai cấp công nhân, nhân dân lao động giành và thiết lập chuyên chính vô sản. Nó là cơ chế để thực hiện dân chủ XHCN.
- Bản chất của hệ thống chính trị XHCN được thể hiện ở các đặc điểm sau:
+ Hệ thống chính trị XHCN mang bản chất của giai cấp công nhân. Hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị XHCN cũng như các yếu tố hợp thành theo đường lối chính trị của giai cấp công nhân và đều có chung mục đích: bảo đảm toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân lao động, bảo đảm xây dựng thành công CNXH. Toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân là đặc điểm nổi bật của hệ thống chính trị XHCN.
+ Hệ thống chính trị XHCN mang bản chất dân chủ.
Dưới CNXH, nhân dân lao động là người nắm chính quyền nhà nước. Nhà nước XHCN là nhà nước của dân, do dân, vì dân, đại biểu cho ý chí,
quyền lợi, sức mạnh của nhân dân. Nó là hệ thống tổ chức tạo điều kiện để nhân dân lao động tham gia ngày càng tích cực, tự giác, sáng tạo vào công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng một chế độ xã hội mới, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhà nước XHCN thực hiện đầy đủ quyền dân chủ thuộc về nhân dân, đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, đi ngược lại với lợi ích của tổ quốc và của nhân dân.
+ Hệ thống chính trị XHCN mang tính thống nhất.
Cơ sở kinh tế của hệ thống chính trị XHCN là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu; giữa giai cấp công nhân với các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động có sự phù hợp, thống nhất về lợi ích cơ bản; giữa các tổ chức, các lực lượng tham gia hệ thống chính trị XHCN có chung mục đích. Đây là cơ sở khách quan cho việc tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, sự phối hợp cùng chiều của tất cả các tổ chức, lực lượng tham gia hệ thống chính trị nhằm hướng tới mục tiêu chung là CNXH, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân lao động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, cũng chính sự thống nhất này quy định tính nhất nguyên của hệ thống chính trị XHCN. Trong điều kiện lịch sử cụ thể, hệ thống chính trị XHCN có thể thực hiện chế độ một Đảng cộng sản duy nhất hoặc Đảng cộng sản và một số đảng chính trị khác. Song, dù là chế độ một đảng hay nhiều đảng, Đảng cộng sản vẫn giữ vai trò lãnh đạo xã hội, còn các tổ chức chính trị - xã hội khác đều phục tùng sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và đều hướng đến mục tiêu phát huy quyền làm chủ của nhân dân, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việc giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội là nguyên tắc tối cao và là điều kiện tiên quyết cho
sự tồn tại và phát triển của hệ thống chính trị, của chế độ dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thực tế thuộc về nhân dân.
+ Cấu trúc của hệ thống chính trị XHCN:
Thứ nhất, các tổ chức chính trị - xã hội: Đảng Cộng sản, nhà nước XHCN, các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân liên kết trong một chỉnh thể và hoạt động hợp pháp.
Thứ hai, cơ chế chính trị bảo đảm cho sự vận hành của hệ thống chính trị XHCN, phản ánh và giải quyết mối quan hệ giữa toàn bộ hệ thống chính trị đối với xã hội, giữa các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị XHCN với nhau và mỗi thành tố đối với xã hội. Việc hình thành và hoạt động của các thành tố trong hệ thống chính trị XHCN được quy định và chi phối bởi hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, của các chuẩn mực và truyền thống chính trị cũng như hiện thực đời sống chính trị gắn liền với điều kiện lịch sử cụ thể của xã hội XHCN.