- Về phát triển thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp
3.2.1.4. Về chính sách thị trường sản phẩm của kinh tế nông thôn
Thị trường nông thôn về cơ bản đã được tự do hoá, các mặt hàng là sản phẩm của kinh tế nông thôn cũng như các hàng hoá công nghiệp tiêu dùng và tư liệu sản xuất được tự do lưu thông rộng rãi trong cả nước, tiềm năng của các thành phần kinh tế được phát huy, trong đó khu vực tư nhân, hộ gia đình đã từng bước vươn ra chiếm lĩnh thị trường, tạo sự cạnh tranh thị trường theo hướng tiến bộ.
Sau những năm tác động của chính sách đổi mới, sản xuất đã phát triển nhanh ở nông thôn và đang chuyển dần từ tự cấp, tự túc sang hàng hoá và từ thiếu hụt sang trạng thái có biểu hiện dư thừa cục bộ dẫn đến ách tắc trong tiêu thụ. Chính tình trạng này đang là một cản trở, làm trì trệ sản xuất đòi hỏi phải có sự điều chỉnh các biện pháp, chính sách điều tiết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ phí Nhà nước.
Khảo sát gần đây của nhiều cơ quan nghiên cứu cho thấy hiện nay đang diễn ra tình trạng phát triển sản xuất không, hoặc chưa gắn bó mật thiết với thị trường tiêu thụ. Sự thiếu gắn bó thể hiện cả về khối lượng, chất lượng, mẫu mã và giá cả các mặt hàng nông sản làm ra. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất có biểu hiện thiếu tính toán, hướng dẫn,
nghiên cứu về dung lượng thị trường đã dẫn đến cung - cầu không ăn khớp, khi giá cả tăng lên thì nông dân đổ xô vào đầu tư, khi giá hạ, sản phẩm không tiêu thụ được lại cùng nhau huỷ bỏ sản xuất đã trở thành căn bệnh kinh niên. Trong thực tế những năm vừa qua tình trạng đó vừa không tạo ra một cơ cấu sản xuất ổn định, vừa gây nhiều thua thiệt cho người sản xuất, nhà đầu tư.
Thực tế trên đây đòi hỏi Nhà nước cần phải có chính sách can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm tạo ra sự cân bằng cung - cầu để ổn định tương đối giá tiêu thụ hàng nông sản, không để người sản xuất bị quá thua thiệt khi cần bán sản phẩm. Chính sách điều tiết khối lượng sản xuất theo nhu cầu của thị trường là một chính sách rất quan trọng mà nhiều nước đang áp dụng.
Bên cạnh đó cần phải giúp nông dân tổ chức ra các kênh tiêu thụ sản phẩm của chính họ có như vậy mới giúp họ tiếp cận thị trường một cách hợp lý, kịp thời và tự bảo vệ mình trong thương trường.
Hiện tại, trong nước cần tập trung phát triển thị trường ở các tỉnh duyên hải Miền Trung và các tỉnh , thành trong cả nước, các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,… các khu công nghiệp chế xuất, công nghiệp chế biến .
Thị trường xuất khẩu ngoài nước, trong những năm tới vẫn tiếp tục giữ vững thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Đài Loan, Cộng hoà Liên bang Nga…Bên cạnh đó cần có chính sách tiếp thị thâm nhập vào các thị trường mới khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, trong đó chú trọng thị trường trong khu vực như Nhật Bản, ASEAN…với thị trường ASEAN đây là một thị trường đầy tiềm năng nó không những là một thị trường lớn mà còn là thị trường dễ tính.
Nhà nước cần có chính sách thực sự khuyến khích mạnh ở tầm vĩ mô, như chính sách thuế xuất nhập khẩu, hàng rào thuế quan, bảo trợ sản phẩm xuất khẩu tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản trong thời gian tới.