Đặc điểm của hoạt động đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng:

Một phần của tài liệu Thực trạng và một vài giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng tại các cụm xã trọng điểm trên địa bàn tỉnh Sơn La (Trang 33 - 34)

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng là một loại hình của đầu tư phát triển nếu phân chia theo lĩnh vực hoạt động trong xã hội của các kết quả đầu tư nên về cơ bản nó vẫn mang những đặc điểm của đầu tư phát triển nói chung. Nhưng để phục vụ cho công tác quản lý hoạt động đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng một cách sát sao và có hiệu quả hơn cần xuất phát từ những đặc điểm cụ thể sau:

Trong đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thì tiền, vốn, vật tư, lao động cần thiết để xây dựng các công trình hạ tầng thường rất lớn nên khi tiến hành xây dựng công trình, quá trình huy động vốn, vật tư, lao động gặp rất nhiều khó khăn. Các công trình hạ tầng đa số có quy mô đầu tư và xây dựng lớn lại có vị trí quan trọng đối với nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội

Lợi ích mà các công trình hạ tầng đem lại chủ yếu là lợi ích xã hội như hệ thống giao thông phục vụ cho đi lại và vận chuyển hàng hoá, hệ thống điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, hạ tầng giáo dục phục vụ cho phát triển và đào tạo nguồn nhân lực... Cho nên, đầu tư vào đây không thu hút sự quan tâm của các thành phần kinh tế, hiện nay chủ yếu vẫn là do Nhà nước đứng ra đầu tư. Có thể nói, đây là lĩnh vực đầu tư kém sôi động, nhiều bức xúc, thiên về xây dựng cơ bản lại là vốn Nhà nước , thất thoát và lãng phí trong quá trình thực hiện khá phổ biến. Nên trong khi tiến hành đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thì hiệu quả của hoạt động đầu tư phải được đặt lên hàng đầu, phải quan tâm chú ý tới cả quá trình huy động và sử dụng vốn. Đầu tư cần tập trung trọng điểm, đúng mục đích, đúng tiến độ, cần tăng cường khuyến khích sự hỗ trợ vốn của các thành phần kinh tế khác, phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm là mấu chốt quan trọng để xây dựng có hiệu quả các công trình hạ tầng.

Đây là hoạt động đầu tư mang tính chất lâu dài thể hiện ở thời gian đầu tư dài, kết quả của hoạt động đầu tư có giá trị sử dụng lâu dài và có ý nghĩa lớn

đối với cộng đồng dân cư (đem lại lợi ích chung, lợi ích xã hội). Nên khi xem xét giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư xây dựng phải được chú ý, nghiêm túc và có chất lượng cao, đảm bảo cho công trình khi xây dựng xong phát huy hiệu quả cao và đảm bảo sử dụng lâu dài.

Việc tính toán hiệu quả của các hoạt động đầu tư rất khó khăn. Do các công trình đầu tư hạ tầng chủ yếu không thu hồi vốn trực tiếp, chất lượng hoạt động của các công trình hạ tầng lại rất khó lượng hoá. Lợi ích của các dự án đầu tư được đặt trong tổng thể lợi ích kinh tế xã hội chung của cả vùng, của cả nền kinh tế, phục vụ cho nhiều ngành cùng hoạt động. Với đặc điểm này gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý xây dựng, nan giải cho vấn đề tìm ra và thực thi các giải pháp hữu hiệu để có thể nâng cao lợi ích của dự án đầu tư.

Một phần của tài liệu Thực trạng và một vài giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng tại các cụm xã trọng điểm trên địa bàn tỉnh Sơn La (Trang 33 - 34)