Từ 1962, khi đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (1962-1966), Hàn Quốc đứng trước hai hướng lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế. Hướng thứ nhất là chiến lược phát triển hướng nội với cốt lõi là thay thế nhập khẩu và hướng thứ hai là hướng ngoại, coi trọng sự phát triển ngoại thương làm động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Thực tế, những năm đầu của kế hoạch 5 năm, Hàn Quốc chú trọng chiến lược công nghiệp hoá hướng nội… Chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu có một số tác động tích cực với tình hình kinh tế - xã hội khi đó. Việc mở mang sản xuất đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Quá trình đô thị hoá cũng bắt đầu diễn ra làm biến đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế của đất nước. Những công ty sản xuất
thay thế hàng nhập khẩu khi cọ sát với thương trường, ngoài việc tìm kiếm bạn hàng trong nước, họ đã mời tư bản nước ngoài vào liên doanh, hợp doanh trong những lĩnh vực có công nghệ phức tạp và khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp trong nước đã tổ chức sản xuất theo kiểu quan hệ trung tâm với ngoại vi, nghĩa là duy trì một số ít cơ sở sản xuất những bộ phận chủ yếu và một số mạng lưới nhỏ cơ sở chân rét (dưới hình thức tư nhân, gia công tại nhà) để tạo ra những cấu kiện phụ. Khi sản phẩm cuối cùng được lắp ráp có thể tiêu thụ ở trong nước hoặc ở nước ngoài thông qua vai trò trung gian của những công ty ngoại quốc có quan hệ làm ăn với họ. Bằng cung cách kinh doanh như vậy, một số công ty đã chủ động tạo ra những lợi thế cạnh tranh tương đối cho đến khi họ tự đứng vững với tư cách là doanh nghiệp độc lập. Chính từ những loại hình doanh nghiệp này, đã tạo dựng lên đội ngũ những nhà doanh nghiệp giỏi sau này bước vào thương trường và có đủ khả năng ứng phó với những biến động khi hưng thịnh cũng như khi suy thoái ở thị trường trong và ngoài nước.
Tuy vậy, do thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên cộng với thị trường trong nước nhỏ bé, những năm cuối kế hoạch 5 năm này Hàn Quốc đã chuyển dần sang con đường phát triển thứ hai. Điều cốt lõi là thúc đẩy các ngành sản xuất, chế biến xuất khẩu, sử dụng nhiều nhân công mà Hàn Quốc có lợi thế tương đối. Để thực heịen chiến lược này, Hàn Quốc chú trọng khơi dậy động lực của kinh tế thị trường.
Tình hình chính trị trong nước giai đoạn 1962-1971 có những thay đổi, chính phủ Hàn Quốc cũng lấy quan điểm hiện đại hoá nhanh thay cho quan điểm phát triển tự lực và ổn định. Hiện đại hoá nhanh nhằm rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến và sẽ tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, tăng khả năng giải quyết đói nghèo và sẽ tạo ra sự ổn định xã hội. Đồng thời, định hướng mới về chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã mở đường cho chính sách hướng ngoại nhằm khai thác các nguồn lực phát triển từ bên ngoài. Như vậy về cơ bản từ 1962-1971, quan điểm hướng nội, tự lực, tự cường,
kém hiệu quả đã được thay thế một cách dứt khoát cho phép Hàn Quốc có thể nhanh chóng khai thác những lợi thế so sánh và tận dụng những cơ hội thuận lợi để phát triển trong môii trường kinh tế quốc tế mới. Có thể nói vào thập niên 60, Hàn Quốc tiến hành công nghiệp hoá trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế có rất nhiều thuận lợi. Đây là giai đoạn nền kinh tế thế giới được mở rộng, mức tăng trưởng GDP toàn thế giới những năm 50 là 4,2%, những năm 60 là 5,2%. Cũng trong thời gian ấy, tăng trưởng thương mại tăng từ 6,3% lên8,4% [15].