Giai đoạn này tương ứng với 3 kế hoạch 4 năm phát triển kinh tế của Đài Loan: 1953 - 1956, 1957-1960 và 1961-1964, thực hiện chiến lược hướng nội.
Mục tiêu chiến lược của Đài Loan giai đoạn này là phát triển công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhân dân như ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, giải trí… Do vậy, CNH ở giai đoạn 1953-1964, thay thế nhập khẩu được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong giai đoạn này, Đài Loan một mặt chủ trương phát triển các ngành sản xuất trong nước nhằm thay thế những sản phẩm nhập khẩu trước đây; mặt khác, đưa ra một loạt các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tự sản xuất được. Chính quyền Đài Loan còn áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ công nghiệp nội địa như miễn giảm thuế kinh doanh, cho vay với lãi suất thấp và các khoản trợ cấp khác. Nhà nước đã có một loạt các biện pháp khẩn cấp để trấn an lòng dân, ổn định kinh tế, tạo điều kiện để bước vào công nghiệp hoá. Các biện pháp chủ yếu bao gồm:
Thứ nhất: chú trọng phát triển nông nghiệp. Ý thức được lợi thế vốn có
của mình là nông nghiệp, Đài Loan đã tập trung cho lĩnh vực này. Biện pháp cốt lõi để phát triển nông nghiệp giai đoạn 1950-1952 là cải cách ruộng đất. Cải cách ruộng đất 1950-1952 không chỉ đem lại ruộng đất cho người nông dân mà quan trọng hơn, nó kích thích sản xuất trong nông nghiệp, tạo nguồn nguyên liệu ổn định và có tích luỹ ban đầu đầu tư cho công nghiệp hoá.
Thứ hai: ổn định tài chính, kinh tế. Trong điều kiện lạm phát phi mã,
không một nhà đầu tư nào dám bỏ vốn vào dự án công nghiệp. Do vậy, Đài Loan rất chú trọng ổn định tài chính. Để triển khai có hiệu quả biện pháp này, chính phủ Đài Loan đã thành lập "Uỷ ban quản lý sản xuất khu vực", thông qua cải cách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát, tăng cường quản lý ngoại tệ, khôi phục các cơ sở công nghiệp…
Thứ ba: tận dụng lợi thế địa lý - chính trị của mình trong quan hệ với
Mỹ. Đài Loan rất chú trọng tranh thủ sự viện trợ và giúp đỡ của Mỹ và các nước phương Tây. Tính đến giữa năm 1951, riêng Mỹ đã cung cấp cho Đài Loan 42 triệu USD viện trợ kinh tế. Số tiền viện trợ này đã hỗ trợ rất nhiều cho chương trình cải cách ruộng đất và ổn định tài chính ở Đài Loan giai đoạn 1950-1952 [40].
Nhờ áp dụng các biện pháp tích cực nêu trên và huy động mọi nỗ lực của toàn xã hội, đến cuối năm 1952, nền kinh tế Đài Loan đã được khôi phục, đạt mức cao nhất trước chiến tranh. Những kết quả nói trên tạo thuận lợi để Đài Loan bước vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu với các biện pháp tích cực đã đem lại cho Đài Loan một số kết quả nhất định: giá trị sản lượng công nghiệp từ 1953 đến 1962 tăng trung bình 11,7%/năm. Công nghiệp được mở rộng đã thu hút thêm một lượng lớn lao động, từ 17% trong toàn bộ lao động đang làm việc năm 1951 tăng đến 25% năm 1964 [59]. Bước ngoặt đánh dấu sự phát triển công nghiệp của Đài Loan là giá trị sản xuất công nghiệp từ năm 1956 đã bắt đầu vượt giá trị sản xuất nông nghiệp trong GDP.
Về mặt kinh tế - xã hội, chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu cũng có tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp và đời sống nông thôn. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, các ngành công nghiệp còn thu hút một lượng không nhỏ lao động dư thừa ở nông thôn, giải quyết một phần tình trạng thất nghiệp, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu kể từ đầu thập kỷ 60 cũng đã bộc lộ các mặt hạn chế của nó, sản phẩm công nghiệp của Đài Loan không có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, còn lại thị trường trong nước, sức mua của người dân rất hạn chế do thu nhập còn thấp. Trong khi đó, việc nhập khẩu các nguyên liệu, thiết bị cần thiết cho CNH vẫn
tiếp tục tăng lên khiến thâm hụt mậu dịch, thâm hụt ngoại tệ vẫn tiếp tục tăng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp bắt đầu giảm dần từ cuối thập kỷ 50, từ 20% năm 1955 xuống còn 8,9% năm 1961. Riêng tốc độ tăng trưởng của công nghiệp chế biến - một thế mạnh của Đài Loan thập kỷ 50 cũng giảm từ 14,4% năm 1960 xuống còn 8,1% năm1962. Để thoát khỏi tình thế bất lợi này và tìm kiếm con đường phát triển cho Đài Loan, chính phủ và các nhà kinh tế, giới kinh doanh của hòn đảo này đã chuyển chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu sang công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu.