II. Thu hỗ trợ từ TW 211.814 237.341 453.322 670.968 316,
2.2.2. Về phân cấp quản lý ngân sách địa phương
Luật NSNN ban hành ngày 20/3/1996, đánh dấu một giai đoạn mới của cơ chế phân cấp quản lý ngân sách. Luật NSNN, Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ về phân cấp quản lý các khâu lập, chấp hành và quyết toán NSNN, luật sửa đổi bổ sung một số điểm của Luật NSNN ban hành ngày 20/5/1998, Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18/7/1998 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ đã quy định chi tiết việc phân cấp quản lý lập, chấp hành và quyết toán NSNN.
Luật NSNN và các nghị định của Chính phủ quy định về việc phân cấp quản lý ngân sách lần này đã quy định rõ ràng nội dung và mối quan hệ giữa các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức cá nhân trong việc chấp hành ngân sách, đồng thời khẳng định NSNN là thống nhất. Chỉ có Chính phủ (hoặc Chính phủ ủy quyền cho Bộ Tài chính) có quyền ban hành chính sách, chế độ tiêu chuẩn, định mức chi. Ngoài ra cơ chế mới còn phân định rõ nguồn thu và nội dung chi giữa các cấp ngân sách và lần đầu tiên quy định đưa ngân sách xã phường vào hệ thống NSNN [18].
- Phân cấp quản lý nguồn thu NSĐP
Bao gồm ngân sách tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc trung ương), ngân sách huyện (thị xã), ngân sách xã (hoặc phường, thị trấn), nguồn thu được phân thành hai
nhóm: đó là thu cố định và thu điều tiết. Nguồn thu của NSĐP, cơ chế phân cấp quản lý hiện hành đã quy định rõ các khoản thu cố định được để lại 100% cho từng cấp ngân sách và các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa các cấp ngân sách tỉnh, huyện, xã (gọi là tỷ lệ điều tiết) đã tạo chủ động và tăng cường trách nhiệm đối với chính quyền các cấp trong việc chăm lo bồi dưỡng quản lý nguồn thu ngân sách trong tỉnh.
Việc phân định rõ nguồn thu, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu, số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được ổn định từ 3-5 năm. Cơ chế mới này đã mở rộng quyền hạn cho các cấp chính quyền về lĩnh vực thu NSNN, chẳng hạn, cho phép HĐND tỉnh quyết định các khoản phụ thu, một số khoản phí, lệ phí, cho phép địa phương được phép vay để đầu tư phát triển; cho phép HĐND huyện, xã được quyết định các khoản thu do dân đóng góp (bắt buộc hoặc tự nguyện) để xây dựng kết cấu hạ tầng địa phương. Trên cơ sở quy định đó, đã tạo ra sự năng động và tính hợp lý đối với từng địa phương trong việc quy định các khoản thu, đồng thời vẫn đảm bảo được sự quản lý của các cấp trên và tính thống nhất của NSNN [7].
Hệ thống chính sách thu có nhiều loại, thuế có nhiều sắc thuế với nhiều thuế suất; phí, lệ phí,... Trong đó thuế GTGT đã thể hiện tính ưu việt hơn khi thay thế thuế doanh thu và thuế thu nhập doanh nghiệp đã góp phần đảm bảo tính hợp lý cho đối tượng nộp thuế, khả năng huy động nguồn thu nhiều hơn, tuy vẫn còn bộc lộ một số bất cập khi áp dụng.
Các khoản thu vượt của ngân sách đo thường trực HĐND, UBND tỉnh quyết định. Các đơn vị thu (thuế, hải quan, cơ quan khác) tích cực triển khai các biện pháp thu, tổ chức bộ máy thu được kiện toàn từng bước như tổ chức sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng lại để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
- Phân cấp quản lý nhiệm vụ chi NSĐP
Nhiệm vụ chi của NSĐP bao gồm hai nhóm: chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Ngoài ra, nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh còn phải đảm nhiệm bổ sung cân đối ngân sách cho cấp dưới, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, chi trả nợ gốc tiền vay cho đầu
tư. Ngân sách huyện ngoài nhiệm vụ chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển còn phải đảm bảo chi bổ sung cho ngân sách xã.
Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp nào thì cấp đó đảm nhiệm, không được dùng ngân sách cấp này chi cho nhiệm vụ của cấp khác. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước cấp trên ủy quyền cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi thuộc chức năng của mình, thì phải chuyển kinh phí từ ngân sách cấp trên cho cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ đó.
Ngoài ra, trong cơ chế phân cấp, dự toán ngân sách các cấp chính quyền địa phương được bố trí khoản dự phòng từ 3-5% tổng số chi để đáp ứng các nhu cầu chi phát sinh đột xuất trong năm ngân sách. Khoản dự phòng này mặc dù nhỏ nhưng có tác dụng tạo được sự chủ động giải quyết các công việc đột xuất phát sinh của các cấp chính quyền và giảm được công việc sự vụ cho cấp trên [7].
Luật NSNN và các nghị định về phân cấp quản lý ngân sách của Chính phủ là những văn bản pháp quy cao nhất. Nó đã và đang tạo hành lang pháp lý hữu hiệu trong việc quản lý và điều hành ngân sách giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế phân cấp trong giai đoạn hiện nay, nội dung và phạm vi của phân cấp ngân sách nói chung và NSĐP nói riêng còn nhiều điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới.