người phụ nữ
Đằng sau câu hát dân gian xưa ca ngợi vẻ đẹp của xứ Lạng:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
là sự lên án chiến tranh qua nàng Tô Thị - chiến tranh đã khiến những người đàn ông phải ra chiến trận để lại những người đàn bà luôn phải khắc khoải đợi chờ, mòn mỏi đến hóa đá. Tuy nhiên vào Chèo, ý nghĩa có thay đổi ít nhiều gần với đời thường hơn. Cái bị lên án không phải chỉ là chiến tranh mà chính là sự phụ bạc của người chồng.
Tô Thị có chồng là Nguyễn Lương đi lính ở Lạng Sơn, đã lâu lắm, hết hạn mà không về. Nàng xót tủi cho tấm lòng trinh bạch, đã từ quê lên Lạng Sơn tìm chồng. Đến xứ Lạng, nàng được biết đích xác chàng đã lấy một người con gái khác tên là Bích Xuân. Và thấy nàng - người vợ cũ, chồng nàng ngoảnh mặt làm ngơ. Nàng uất ức đến tột độ vì sự trở mặt đó:
Phẫn uất trước lòng dạ người đời đổi thay, nàng chỉ còn kêu trời. Nàng đã chết đứng trong cơn mưa gió, sấm chớp và hình hài hóa đá, lưu lại nỗi đau của kiếp người muôn thuở.
Cái chết hóa đá của nàng là tiếng kêu cứu, là biểu tượng đòi giải phóng của người phụ nữ trước một xã hội đầy phụ bạc, bất công.
Không phải là ngẫu nhiên mà câu chuyện nàng Tô Thị đây lại trùng hợp với câu chuyện Người đàn bà cùng với đứa con trên tay chờ chồng - đến hóa đá, mà không bao giờ người chồng có thể trở về - vì chồng chính là anh ruột của nàng, người anh mà thời ấu thơ trong phút chơi đùa con trẻ đã làm đứa em gái bị thương trên đầu, và chính cái vết sẹo trên đầu người em đã làm cho chàng nhận ra trong hoàn cảnh đất trời run rủi khiến hai người trở thành vợ chồng. Không rõ cái nghệ thuật điêu khắc ngoài trời tạo nên tượng đài người phụ nữ chờ chồng bất tử ấy - là cảm hứng sáng tạo từ cái kết thúc bi kịch của câu chuyện trên - hay ngược lại cái hình tượng do đất trời tạo nên ở một ngọn núi nào đó... đã là cảm hứng sáng tạo cho cả hai câu chuyện ấy... Nhưng dẫu sao, dù thế này hay thế kia, thì đó cũng đều là sản phẩm của nền văn hóa đầy tính nhân văn và huyền thoại.