Kiến nghị với Chính phủ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới quản lý tài chính ở các đơn vị sự nghiệp thuộc Thông tấn xã Việt Nam potx (Trang 87 - 88)

-Nhà nước cần quan tâm tới phân cấp và ủy quyền mạnh mẽ, đơn giản hóa các thủ tục trình duyệt, thực hiện cơ chế một cửa, giảm bớt các tầng lớp trung gian, nhằm tạo quyền chủ động thực sự cho các ĐVSN trong quá trình tổ chức hoạt động.

- Việc hoàn thiện cơ chế chính sách phải tiến hành từ khâu rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách, chế độ đã thực hiện trong thời gian qua, xem xét nhu cầu hiện tại và tính đến đòi hỏi trong tương lai. Cơ chế, chính sách mới phải theo hướng đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo, không minh bạch, không tạo ra kẽ hở và không gây cản trở cho quá trình thực hiện.

- Qua hơn 3 năm thực hiện, Nghị định số 10/2002/NĐ-CP đã có những tác động đáng kể, nhiều ĐVSN đã hưởng ứng tích cực, đã chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính để phát huy khả năng của mình, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, Nghị định số 10/2002/NĐ-CP cũng có những điểm bất cập cần được xem xét, sửa đổi như:

+ Thực tế cho thấy nếu chỉ tự chủ về tài chính mà chưa được tự chủ về nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế thì các ĐVSN chưa phát huy được quyền tự chủ thực sự trong tổ chức hoạt động của mình. Do vậy, Chính phủ cần quy định cụ thể về quyền tự chủ về nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức và biên chế của ĐVSN để các đơn vị này thực sự thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mình.

+ Điều 12 Nghị định 10/2002/NĐ-CP quy định: Khi Nhà nước điều chỉnh các quy định về tiền lương, nâng lương tối thiểu hoặc thay đổi định mức, chế độ, tiêu chuẩn chi ngân sách nhà nước, ĐVSN có thu tự trang trải các khoản chi tăng thêm theo chính sách chế độ mới. Quy định này có thể làm cho các ĐVSN gặp khó khăn vì không đủ nguồn kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định của Chính phủ. Trên thực tế, đợt cải cách tiền lương năm 2003, ngân sách nhà nước vẫn phải giải quyết một phần tiền lương tăng thêm đối với những ĐVSN mà nguồn tự thu không đảm bảo được số tiền lương tăng thêm theo quy định. Vì vậy, đề nghị

Chính phủ xem xét, sửa đổi lại quy định này một cách linh hoạt hơn (chẳng hạn như Nhà nước sẽ hỗ trợ các ĐVSN trang trải một phần khoản chi tăng thêm do thay đổi cơ chế) để các ĐVSN có thể mạnh dạn chuyển đổi sang cơ chế tự chủ.

- Các ĐVSN nói chung đã và đang quản lý trong tay những nguồn lực tài chính tương đối lớn mà nguồn gốc của nó chủ yếu xuất phát từ ngân sách nhà nước. Để đảm bảo việc quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính này, thì việc đánh giá được hiệu quả sử dụng tài chính của các ĐVSN rất có ý nghĩa. Cùng với xu hướng giao quyền tự chủ tài chính gắn liền với trách nhiệm nhiều hơn cho các ĐVSN có thu thì việc xác định tính hiệu quả trong quản lý tài chính lại càng cần thiết. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các ĐVSN, trong đó chú trọng thiết lập hệ thống các chỉ tiêu đánh giá cụ thể để các ĐVSN căn cứ vào đó có thể xác định được năng lực của mình và hướng phấn đấu để ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới quản lý tài chính ở các đơn vị sự nghiệp thuộc Thông tấn xã Việt Nam potx (Trang 87 - 88)