Đẩy mạnh liên kết giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã với các hợp tác xã trong vùng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam doc (Trang 88 - 91)

- Đối với các huyện trung du, miền núi:

3.2.5.Đẩy mạnh liên kết giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã với các hợp tác xã trong vùng

Trong điều kiện hiện nay, kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng có tính quyết định đến sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp. Sự tác động đó chủ yếu thông qua các hệ thống thủy nông, giao thông, cung cấp điện, cung cấp tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thú y, cung cấp giống, vật tư kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong mối quan hệ này, HTX phải đóng vai trò người đại diện, là cầu nối giữa kinh tế nhà nước và kinh tế hộ. Một mặt, HTX thực hiện việc tiếp nhận sự hỗ trợ của nhà nước, triển khai chương trình dự án có liên quan đến kinh tế hộ ở địa phương. Mặt khác, HTX giúp doanh nghiệp nhà nước mở rộng phạm vi hoạt động phục vụ trực tiếp, có hiệu quả đến nông dân. Do vậy, tùy điều kiện cụ thể cần phải thiết lập các mối quan hệ liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước với HTX và nông dân, trong đó doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Doanh nghiệp nhà nước tạo điều kiện cho HTX mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ, SX-KD như HTX làm đại lý, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm...

Thực tế của mối liên kết là lợi ích của cả 2 phía: Các HTX không dựa vào doanh nghiệp nhà nước sẽ không thể hoạt động được (như trong trường hợp dịch vụ thủy nông và điện) hoặc sẽ hoạt động không có hiệu quả (đối với các dịch vụ khác) trong điều kiện của HTXNN và tình hình thị trường hiện nay. Ngược lại các doanh nghiệp nhà nước dù là hoạt động công ích cũng phải hạch toán kinh doanh, cũng phải tuân thủ những yêu cầu của qui luật thị trường, cũng phải mở rộng kinh doanh. Trong nhiều trường hợp không có các HTX dịch vụ các doanh nghiệp nhà nước không thể hoạt động có hiệu quả. Thực tế, khi chuyển đổi sang cơ chế mới, nhiều HTX chỉ còn tồn tại hình thức hoặc lúng túng trong hoạt động đã đem lại không ít khó khăn cho hoạt động của một số doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn trong việc thu thủy lợi phí đối với hoạt động thủy nông; trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp…

Vấn đề đặt ra ở đây là để thực hiện được lợi ích của cả 2 phái thì các HTX và các doanh nghiệp cần phải tăng cường mối liên kết kinh tế với nhau trong điều kiện mới của cơ chế thị trường. Quan điểm ỷ lại theo kiểu bao cấp hoặc xoay lưng lại với nhau đều không phải là cách để các HTX và các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Về phía HTX, một mặt, giúp cho các doanh nghiệp nhà nước thấy được yêu cầu thực tế và những điều kiện hoạt

động của các hộ nông dân để cùng với HTX đảm bảo các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nông dân, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân, đồng thời qua đó thực hiện lợi ích của mình.

Mặt khác, tạo điều kiện để giúp các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ thông qua các hoạt động thiết thực như thu đúng, thu đủ và sòng phẳng trong quan hệ thanh toán, vận động nhân dân tham gia, bảo vệ các công trình hạ tầng (như hệ thống thủy nông, đường, điện,…). Về phía doanh nghiệp nhà nước, một mặt phải cung cấp các dịch vụ của mình phù hợp với những yêu cầu mà hợp đồng kinh tế đã ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của HTXNN trong việc cung ứng dịch vụ cho các hộ nông dân. Mặt khác, cần có sự giúp đỡ thiết thực khi cần thiết đối với người bạn hàng lâu dài của mình (trong việc thanh toán, trong việc giúp đỡ về kỹ thuật và quản lý…) tránh thái độ cửa quyền, gây khó dễ sẽ có ảnh hưởng xấu cho cả 2 bên cũng như cho cả lợi ích của các hộ nông dân.

Về phía Nhà nước, việc tạo điều kiện vật chất-kỹ thuật và tài chính, đổi mới phương thức tổ chức quản lý và hạch toán kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực đã nêu góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí sản xuất và dịch vụ giúp cho HTX có điều kiện giảm nhẹ chi phí và đóng góp các hộ nông dân là những vấn đề có ý nghĩa thiết thực và cấp bách.

Thực tiễn vấn đề này, các HTXNN Quảng Nam hiện đang đẩy mạnh phong trào liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các thành phần kinh tế khác và thông hợp đồng hợp tác liên doanh, liên kết đã giúp cho các HTX phát huy được tiềm năng thế mạnh sẵn có của đơn vị mình như về đất đai, mặt bằng, nhà xưởng, về nguyên liệu, lao động có điều kiện để đầu tư đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Đặc biệt cũng là môi trường làm cho cán bộ quản lý HTX đổi mới tư duy kinh tế, năng động, sáng tạo hơn. Tiêu biểu các HTX như HTX Duy Sơn 2 đã tiến hành liên doanh với một số tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh mở xí nghiệp sản xuất đế giày, Xí nghiệp hồ mắc sợi đã liên doanh với một tư nhân ở Đài Loan thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn may công nghiệp xuất khẩu Vân Sơn, ngoài ra HTX Duy Sơn 2 còn liên kết với HTX Cơ khí Nam Phước, HTX Duy Phước mở các cơ sở mây tre xuất khẩu và may công nghiệp. Liên hiệp thương mại Quyết Thắng- Điện Bàn liên kết với HTXNN Điện Quang- Điện Bàn phát triển ngành dệt,

HTX Đại Hiệp-Đại Lộc liên kết với công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Vy- Đà Nẵng gia công chế biến mặt hàng thuỷ sản, liên kết với công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Hà- thành phố Hồ Chí Minh gia công mặt hàng công nghiệp…

Việc tăng cường mối liên kết kinh tế giữa các HTX trong vùng cũng là một vấn đề quan trọng để phát triển các HTX. Hiện nay các HTXNN thường được tổ chức khép kín trong khuôn khổ địa giới hành chính như thôn, xã… trong khi đó nhiều hoạt động chỉ có hiệu quả khi có quy mô đủ lớn và gắn bó với toàn vùng. Vì vậy khi HTXNN phát triển thì sự liên kết giữa các HTX trong vùng vì những lợi ích chung nảy sinh tự tất yếu kinh tế - kỹ thuật như thuỷ lợi, bảo vệ thực vật… hay từ lợi ích kinh tế theo quy mô như tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp, cung cấp vật tư nông nghiệp… là những hướng hết sức quan trọng có ý nghĩa thiết thực và nếu biết tổ chức thì hoàn toàn có thể thực hiện được.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam doc (Trang 88 - 91)