Giọng giễu nhại, trào phúng

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái (Trang 80 - 83)

Trước Hồ Anh Thái rất lâu, chúng ta đã có sừng sững những tên tuổi với giọng văn giễu nhại, trào phúng như Nguyễn Công Hoan, như Vũ Trọng

Phụng. Nhưng đọc văn Hồ Anh Thái nói chung, truyện ngắn nói riêng, người đọc không phải thất vọng về một giọng văn cũng có ấn tượng như những tên tuổi đó. Giọng văn này có lẽ thể hiện nhiều hơn, rõ hơn ở tập truyện Tự sự

265 ngày. Nhận xét về tập truyện, Vân Long đã nhắc đến vấn đề này: “ở tập truyện ngắn này, nhà văn hình thành một giọng văn hoàn toàn khác thời kì đầu: Trào lộng, châm biếm, hóm hỉnh và sắc sảo những câu chuyện, những thói tật đáng cười trong xã hội” (Báo Sức khỏe và đời sống - 21-8-2001).

Toàn bộ 11 truyện trong Tự sự 265 ngày đều được viết bằng một lối hoạt kê, không thể không cười. Nhà văn đã thay đổi giọng điệu ở tập truyện này so với những sáng tác trước đó cũng là để phục vụ tốt nhất cho việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình: châm biếm, đả kích những hiện trạng tha hoá của con người đặc biệt là những con người thường mạo nhận là tinh hoa của đất nước.

ở tập truyện này, tính khách quan trong cách kể được Hồ Anh Thái tô đậm. Tính khách quan ấy là cơ sở cho giọng điệu châm biếm, phê phán. Ngay khi câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất (trần thuật chủ quan) thì nhân vật “tôi” cũng nhìn nhận mọi việc qua lăng kính trào lộng, tự trào. Cảm hứng phê phán - trào lộng thể hiện ngay ở cách gọi tên nhân vật. Nhà văn gọi tên nhân vật bằng những cái tên rất lạ, rất ấn tượng và người đọc không thể không cười (vấn đề này đã được trình bày ở chương I, phần 2 mục 2.1.2- Xây dựng nhân vật qua cách gọi tên).

Như vậy, cách gọi tên các nhân vật của Hồ Anh Thái là một dụng ý nghệ thuật. Gọi tên như vậy, nhà văn tạo một khoảng cách nhất định giữa người kể và người được kể. Sự gián cách này tăng cường tính khách quan, lạnh lùng đến vô cảm cho giọng điệu kể chuyện cũng là một cách đối thoại với một thứ văn học ưa mĩ lệ hoá đời sống.

Với 11 truyện, Tự sự 265 ngày là một cuốn tiểu thuyết nhiều chương về đời sống công chức. “Tất cả 11 truyện đều phác vẽ chân dung trí thức, những kẻ sĩ thời đại” (Ngô Thị Kim Cúc, Có ai chẳng muốn đùa, Báo Thanh niên, 9-

2001); “Muôn hình, bước chân dung trí thức được viết dưới con mắt của một nhà ngoại giao không hề bóng bảy, thậm chí cay nghiệt và hài hước” [9; 235].

Như đã nói ở trên, trong Tự sự 265 ngày, giọng châm biếm sâu cay mới là giọng chủ đạo. Tiếng cười của Hồ Anh Thái trong nhiều truyện chính là những đòn công phá trực diện, hạ bệ những thói đời kệch cỡm và hổ lốn, những kẻ bề ngoài bệ vệ, danh giá mà bên trong cực kì thối nát. Đó là tiếng cười có tính chiến đấu, là những mũi dao rạch thẳng vào những ung nhọt của lối sống hiện đại, bởi lẽ chỉ có mổ xẻ nó ra mới trị được tận gốc để nó khỏi hoành hành như một nạn dịch nguy hiểm nữa.

Một phòng khách danh giá, chuyên đón tiếp những nhà nghiên cứu văn học, sử học, những viện sĩ, những kiến trúc sư đầu ngành của cả nước thực chất là một “trạm trung chuyển” cho những người muốn vươn tới các sứ quán và bay ra ngoại quốc mà những vị khách đến đó được gọi là một “lớp người chuyên đi ăn tiệc” nhờ vào những giá trị giả. Có ông “nghiên cứu viết sách giảng dạy lịch sử nước Mỹ, lịch sử Ai Cập là những nơi ông chưa bao giờ đặt chân tới. Thứ ngôn ngữ tệ hại của những vùng đất ấy ông cũng không sử dụng được” (Trích Phòng khách). Rồi một cô Mỹ – một quý bà được cái xã hội phòng khách ấy coi là danh giá - thì chẳng khác nào bà Phó Đoan trong Số đỏ

của Vũ Trọng Phụng (chỉ khác là cô là người ngoại quốc).

Hồ Anh Thái và Vũ Trọng Phụng cùng kế thừa phương thức trào phúng dân gian, nhưng nếu Vũ Trọng Phụng “hạ thấp” và “đào mồ” chôn đối tượng với giọng chao chát, cay độc thì Hồ Anh Thái “hạ thấp” để “tái sinh” đối tượng với giọng xót xa, chua chát. Ông phê phán, không khoan nhượng cái xấu nhưng không mất niềm tin vào sự thiết lập một trạng thái nhân sinh mới.

Với giọng giễu nhại, trào phúng Hồ Anh Thái đã đạt được mục đích của mình là bày tỏ thái độ quyết liệt đối với những hiện tượng đời sống xấu xa, thối nát, sự sa sút về các giá trị nhân văn, đạo đức của con người khi chạy

theo lối sống hiện đại. Tự sự 265 ngày hình như cũng là một kiểu kim châm cứu huyệt tính cách của người Việt Nam hiện đại đặc biệt là giới công chức.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w