Xây dựng nhân vật qua cách gọi tên

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái (Trang 28 - 30)

Bên cạnh yếu tố ngoại hình diện mạo, sự độc đáo của Hồ Anh Thái trong xây dựng nhân vật còn thể hiện ở cách gọi tên. Đối với nhà văn, nhiều khi sự phân biệt giữa người này với người kia không chỉ ở hình dáng nét mặt, mà chính ở những đặc điểm được gọi thành tên. Như vậy cái tên sẽ góp phần chỉ rõ những đặc điểm tính cách cũng như bản chất nhân vật.

ở hai tập truyện Tự sự 265 ngày và Bốn lối vào nhà cười, Hồ Anh Thái gọi tên nhân vật một cách rất lạ lùng, đặc biệt. Nhiều khi những cái tên chỉ là

những đặc điểm về nghề nghiệp, chức vụ như: ông Sử (Phòng khách), nghiên cứu viên Một, nghiên cứu viên Hai (Bãi tắm), Nữ giáo viên Vật lý, thầy Hoá (Chạy quanh công viên mất một tháng), Anh xe ôm, Cô phóng viên (Anh xe

ôm và một chặng đường núi)… Nhiều khi tên nhân vật để chỉ những sở thích

vật chất, một ao ước của thời bao cấp thiếu thốn như: Sâm Banh, Dăm Bông, Xúc Xích (Vẫn tin vào chuyện thần tiên) : “Em là Nguyễn Thị Sâm Banh. Tôi nhạt nhẽo đùa rằng chắc hẳn hai cô em gái tên là Nguyễn Thị Dăm Bông và Nguyễn Thị Xúc Xích. Ôi anh là con ma xó, bố mẹ sinh chúng em vào cái thời tem phiếu bao cấp, phải ăn bánh mì nắp hầm nên lấy đồ ăn của Tây đặt tên con cho đỡ thèm.” [9;81]… Thậm chí những thói quen hành động cũng được gọi thành tên: Thằng Phập, Thằng Rú, Trạng Hít (Chạy quanh công viên mất

một tháng)… Và những đặc điểm nào đó của nhân vật cũng được gọi thành

tên tạo thành sự liên tưởng thú vị cho người đọc như: Bạch Cốt Tinh – “tóc bạc như ma nữ đầu bạc”, Củ Tam Thất – “đen thui như củ tam thất”, Thỏ Lon – “hôi nách cực kì” và “hồn nhiên hết sức” (Bãi tắm) [9;102], Nguyễn Toàn Thích – cái gì cũng thích (Vẫn tin vào chuyện thần tiên)

Tên nhân vật còn được gọi theo thứ tự: Ông Số Một, Bà Số Hai, Cố Số Ba, anh Số Bốn (Tờ khai visa), Lâm Nhất Nhất, Khuất Nhị Nhị, Lý Tam Tam, Đoàn Tứ Tứ … (Bến Ô sin), nhân vật còn được tác giả gọi theo số tuổi: Cô Hăm Chín, Cô Hăm Bảy, Mụ Ba Mươi (Tự truyện), ông A, ông Xê (Cây

hoàng lan hoá thành cây si). Và trong truyện Chim anh chim em cũng có

cách đặt tên như vậy.

Có một cách gọi tên cũng rất lạ lùng mà có lẽ nếu không thống kê ra đây độc giả cũng chưa thấy hết thứ vũ khí mới trong “thập bát ban võ nghệ” của Hồ Anh Thái. Đó là cách gọi tên theo số tiền được trả cát xê theo vai diễn: Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu. Và để thuyết giải cho việc đặt tên nhân vật rất đặc biệt và có vẻ thực dụng này, nhà văn đã hơn một lần nói rằng: “Cả ba cô sẽ trở thành những diễn viên nổi tiếng, ta chẳng nên gọi tên thật của họ ra

làm gì. Cứ đơn giản gọi họ là Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu, mặc dù dùng tiền nong để đặt tên nhân vật đâu có hay ho gì” [9;87].

Tóm lại, qua cách gọi tên như vậy, người đọc dễ dàng nhận ra dụng ý của nhà văn. Hình như Hồ Anh Thái muốn dùng những cái tên đó để phản ánh một thế giới vật chất nhốn nháo, lộn xộn chứ không phải thế giới của con người. Qua cách gọi tên ấy có thể nhận thấy Hồ Anh Thái đã nỗ lực vượt qua những ranh giới của những con người cụ thể để khái quát tính cách một loại người nào đó trong cuộc đời. Dường như ông muốn xoá nhoà cá tính của từng nhân vật để chỉ ra một đặc tính chung của một loại người. Từ đó nhà văn dẫn người đọc đi tới nhận thức về cuộc sống. Đây là thủ pháp được Hồ Anh Thái sử dụng thành công. Việc tạo “nét nhoè” này trên thực tế càng làm sắc hơn, rõ nét hơn chân dung, tính cách của nhân vật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w