Một trong những lý do khiến văn Hồ Anh Thái luôn mới có lẽ bởi anh biết tạo cho ngôn ngữ đối thoại những cách thể hiện riêng biệt mới lạ. Thứ ngôn ngữ đối thoại của nhân vật Hồ Anh Thái ít thể hiện theo cách truyền thống. Nghĩa là, ta rất ít gặp trong truyện ngắn của anh những cuộc đối thoại trực tiếp của các nhân vật.
Trong truyện Anh xe ôm và một chặng đường núi là một cuộc đối thoại, một cuộc chuyện trò liên tục, nhưng ta rất ít thấy những đối thoại theo kiểu truyền thống. Cuộc đối thoại giữa anh xe ôm và cô phóng viên báo từ Hà Nội lên miền rừng núi là một câu chuyện “tán vặt” rất thú vị, mặc dù truyện khó đọc, ngôn ngữ nhân vật theo “những mạch ý thức riêng, phóng túng, tự do, chồng lắp liên tưởng” [11;227]. Xin dẫn ra một số đoạn:
“Chặng đường dài gần ba chục cây số, câu đầu tiên anh xe ôm hỏi cô gái là: Em từ đâu đến? Hà Nội anh ạ!
Anh xe ôm kêu lên như thể Hà Nội là cái gì đó rất khó nói, lỡ nói ra rồi thì cũng đừng ngại. Anh nói thêm. Hà Nội tốt chứ em”.
. . . “Anh xe ôm hỏi: Cô làm nghề gì? Em là giáo viên. Thế là anh lại vội vàng kêu lên:
ồ không sao…
Như thể giáo viên là cái nghề rất khó nói, lỡ nói ra rồi cũng đừng lấy thế làm ngại. Ngừng một lát anh mới nói thêm, giáo viên tốt chứ em”.
Một đoạn nữa:
“Bất chợt anh xe ôm cho xe đi chậm lại. Phía trước một cái xe Minxkơ dựng bên đường. Một người nằm thẳng cẳng bên cạnh. Hai bà Mông ngồi bên một gốc cây. Đến gần thì hoá ra ông xe ôm nằm ngủ li bì nồng nặc mùi rượu. Nó say quá rồi, đến đây không đi được nữa à, cho nó ngủ, hết rượu là dậy đi thôi. Chờ mãi được không, sắp tối rồi, không ngồi thêu được nữa đâu? Đúng là hai bà đang giở đồ ra thêu những tấm thổ cẩm bán cho Tây. Có cái đèn pin Trung Quốc mà. Một cái đèn pin chả thêu được. Thì có hai cái đèn pin Trung Quốc mà”.
Đọc những đoạn văn như vậy, người đọc quả không dễ nhận ra ngay nhân vật mà phải suy nghĩ bởi ngôn ngữ nhân vật ở đây giống như trong một đoạn băng ghi âm với những liên tưởng chồng lắp. Với lối viết tràn câu, tràn dòng, bỏ dấu… Hồ Anh Thái đã tạo ra một thứ ngôn ngữ rất riêng trong đối thoại của nhân vật. Như thể nhà văn không chỉ để cho nhân vật đối thoại với nhau, trò chuyện với nhau mà còn như muốn đối thoại trò chuyện với độc giả nữa.
Một kiểu khác nữa trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật mà chúng ta có thể thấy trong truyện ngắn Hồ Anh Thái là kiểu đối thoại giữa những quan điểm đối chọi nhau. Trong truyện Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu và Bóng
Rổ là kiểu đối thoại này :
Chín Triệu: “Bây giờ anh ấy rất sợ tình yêu, anh ấy luôn chạy trốn tình yêu”. Và ngay lập tức bị Ba Triệu phản bác:
Ba Triệu:
- “Không đúng. Như mình đây này. Mình cũng luôn chạy trốn tình yêu ”. Liên tiếp những quan điểm đối chọi nhau chan chát.
- “A! Hắn ta là một tay đào mỏ” - Ba Triệu đắc thắng reo lên: “Yêu cha mà lấy con. Đào mỏ sẽ chết vì sập hầm lò con ơi. ”
- “Không đúng, Bóng Rổ khi yêu nào có biết người yêu là con nhà cán bộ hay bình dân…”
Chín Triệu: “Anh ấy thật đáng thương”
Ba Triệu: “Đừng có thương cảm vớ vẩn. Hãy nhớ đến Brecht, hãy tự ý thức rằng cậu đang đóng một vai kịch”
Một điều mà người đọc dễ dàng nhận ra thứ ngôn ngữ đối thoại của nhân vật Hồ Anh Thái là thứ ngôn ngữ có khả năng cá biệt hoá nhân vật. Đây là một cô Ly trong Những cuộc kiếm tìm, đã nhiều lúc khiến người ta không nén được cười. Cô ta luôn dùng những câu cảm thán một cách hết sức ráo hoảnh và giả tạo. Chỉ có một lúc trò chuyện mà cô ta đã có tới ba lần bắt đầu bằng ba câu “úi giời thế à”, hai lần bằng câu “úi giời” và nhiều lần “úi giời thương quá”, “úi giời sát sinh”… và hàng loạt câu như một thói quen kiểu
“Yêu ơi là yêu”, “Yêu lắm cơ”, “Ghê rợn quá”, “Khủng khiếp thật”… Cái ngôn ngữ ấy tái hiện rõ nét chân dung của một cô tiểu thư rởm đời đầu óc rỗng tuếch nhưng học đòi kiểu cách. Nhà văn đã sử dụng chính ngôn ngữ nhân vật để châm biếm, mỉa mai một cách nhẹ nhàng lối sống vay mượn của nhân vật.