Điểm nhìn và ngôn ngữ trần thuật khách quan

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái (Trang 70 - 75)

Điểm nhìn này đặt người kể ở ngôi thứ ba, không tham dự vào câu chuyện và luôn có ý thức giữ một khoảng cách nhất định với nhân vật. Người kể có thể nhập thân chứ không thể nhập vai nhân vật. Đây là kiểu người kể toàn thông, “biết hết” nhưng chỉ đứng ngoài diễn biến câu chuyện được kể. Với quan điểm trần thuật này, câu chuyện được kể dưới nhiều góc độ, nhiều quan niệm và nhiều cách lý giải khác nhau vì thế mà tạo nên tính chân thực cho tác phẩm.

Trong truyện ngắn Hồ Anh Thái, trần thuật khách quan là phương thức được sử dụng ít hơn so với trần thuật chủ quan. Khảo sát qua ba tập truyện sau chúng tôi thấy:

- Tập truyện Mảnh vỡ của đàn ông có 5/12 (Nằm ngủ trên ghế băng,

Sao anh không đến, Món tái dê, Cứu tinh, Lũ con hoang).

- Tập truyện Tiếng thở dài qua rừng kim tước có 8/15.(Tiếng thở dài

qua rừng kim tước, Người đứng một chân, Đi khỏi thung lũng mới tới nhà, Chuyện cuộc đời Đức Phật, Đến muộn, Kiếp người đi qua, Thi nhân, Đất Phật ở ấn Độ)

- Tập truyện Tự sự 265 ngày có 5/11(Sân bay; Chín Triệu, Ba Triệu, Hai

Triệu và Bóng Rổ; Bãi tắm; Chim anh chim em; Bóng ma trên hành lang).

Mặc dù lối trần thuật khách quan này Hồ Anh Thái sử dụng ít nhưng không phải vì phương thức trần thuật này không hay, không hấp dẫn. Trái lại, Hồ Anh Thái đã biết làm mới lối trần thuật quen thuộc đó để tạo cho tác phẩm những cuốn hút người đọc. Truyện ngắn của Hồ Anh Thái có lối kể lạnh lùng khách quan nhưng vẫn thể hiện thái độ của mình không có kiểu kể chuyện lạnh lùng tuyệt đối như trong truyện Một nửa cuộc đời của Nguyễn

Thị Thu Huệ.

Nét đặc sắc ở nghệ thuật trần thuật của Hồ Anh Thái chính là sự “giấu giếm” rất khéo léo. Thái độ của người kể ẩn dưới một bộ mặt lạnh lùng, khách

quan. Đôi khi người đọc cảm thấy “sợ” thực sự bởi vì giọng văn không hề thể hiện một thái độ gì - một giọng văn “vô âm sắc”. Đây là một đoạn trong truyện

Bóng ma trên hành lang:“Ma cà rồng hút máu người hoá thành trai thanh gái tú mò đến các hộp đêm, các tiệm rượu, rủ được một nạn nhân nào đó ra chỗ khuất thì răng nanh chúng chợt mọc dài ra, các móng tay cũng dài ra, chúng ghì lấy nạn nhân mà hút máu, kẻ bị hút máu lại hoá thành ma cà rồng, lại giả trang để đi tìm người. Tiêu diệt chúng thì chỉ cần một cây thánh giá nhỏ và một chiếc cọc nhọn. Thánh giá xua chúng bỏ chạy. Cọc nhọn để đâm vào tim chúng…”

Có những đoạn giống như một đoạn băng ghi âm lời đối đáp của nhân vật, lời người kể có tính chất giễu nhại lời nhân vật: “ Tớ nói thế vì lo cho cậu. Em nói thế cũng vì lo cho anh. Tớ lo nếu vợ câu biết thì khốn. Em lo vợ anh biết thì chị ấy chỉ còn cách thiến tóc đi tu. Tớ không đùa đâu. Em cũng không đùa, đàn ông như anh hoặc là thánh nhân, hoặc là đồng cô, hoặc máy móc trục trặc – hai khả năng trước chắc là không có, vậy máy móc anh hỏng hóc thì chị ấy đi tu may ra được sướng nốt nửa đời người” (Bóng ma trên

hành lang). Dường như hai kẻ đang nói chuyện với nhau mà lẩm bẩm như hai cái máy. Mỗi kẻ đều chỉ lắng nghe và thoả mãn với chính những lời sỉ nhục người khác của mình thôi. Với hình thức trần thuật khách quan lạnh lùng ấy, nhà văn đã vẽ lên rõ nét chân dung của những kẻ trí thức nhỏ nhen, đố kị nhau và tầm thường như nhau.

Bằng cách viết lạnh lùng, khách quan, nhà văn đã gián tiếp bày tỏ thái độ châm biếm, mỉa mai đối với những trò giả dối, xấu xa. Đôi lúc tác giả lại chêm xen những lời bàn luận khiến người đọc không thể kìm nén tiếng cười. Phan thường chơi với lũ trẻ con trong khu tập thể. Tối tối Phan rủ chúng xem phim ma. “Ông Tảo thủ phó cỡ quan thì cau có bảo rằng Phan đang làm cái việc hù doạ lũ trẻ. Con cái Tảo đều ở trong nước. Ông lo là lo cho con người khác. Ông toàn lo cho người khác” (Bóng ma trên hành lang). Với cách kể

như vậy, người đọc cứ thế mà nhận ra vấn đề một cách từ từ và cuối cùng thì không thể không cười.

Khi nhà văn kể về việc Tảo ăn cắp thức ăn ở bốn cái tủ lạnh để dọc hành lang, người đọc đã nhận ngay ra sự mỉa mai khinh miệt đối với những kẻ ban ngày thì đường hoàng ông nọ, bà kia mà đến đêm lại thành con mèo hoang đi ăn cắp thức ăn của kẻ dưới quyền: “Thế rồi, khi hành lang đã tắt đèn, thường có một bóng người lọ mọ đi dọc theo dãy tủ lạnh. Lòe một cái. Lòe một cái. Lòe một cái. Lòe một cái. Đủ bốn cái loè sáng. Bốn cánh cửa tủ lạnh mở ra, bốn câu tố giác về thực đơn và lượng thực phẩm tiêu thụ”. Đúng là cái loại người mà người ta thường gọi là “lưu manh giả danh trí thức”.

Trong truyện Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu và Bóng Rổ thì bắt đầu bằng việc kể “dạo đầu” về lai lịch của những cái tên. Ba cô gái vừa mới hết năm thứ nhất của khoa diễn viên thì được nhận vai trong một bộ phim hợp tác với Việt kiều. Diễn viên chính được trả chín triệu, hai cô bạn một cô ba triệu, một cô hai triệu. “Cả ba cô sẽ trở thành diễn viên nổi tiếng, ta chẳng nên gọi tên thật của họ ra làm gì. Cứ đơn giản gọi họ là Chín Triêu, Ba Triệu, Hai Triệu, mặc dù dùng tiền nong để đặt tên nhân vật đâu có hay ho gì”. Và cũng ở truyện này, còn một nhân vật nữa được các cô gái đặt cho cái tên Bóng Rổ vì trông anh chàng cao to như vận động viên bóng rổ thực sự. Việc gọi tên nhân vật chứng tỏ người kể chuyện không muốn thiên vị một ai cả, không đứng về phía một nhân vật nào. Và dù đã hơn một lần tác giả phải “thanh minh” về cái việc đặt tên cho các nhân vật không cố ý nhưng độc giả cũng rất dễ dàng nhận ra thâm ý của người viết.

Hồ Anh Thái còn tỏ rõ điểm nhìn khách quan của mình bằng việc tổ chức trần thuật dưới dạng hình thức một vở kịch kéo dài bốn ngày với những sự kiện, diễn biến trong từng ngày như một cảnh trong phim, một màn trong kịch. Khi đã là phim, là kịch thì người kể chuyện không hề xuất hiện, câu chuyện cứ thế hiện ra một cách khách quan.

Khi trần thuật lại câu chuyện lý thú bằng việc dàn dựng màn kịch tình yêu giữa Chín Triệu và Bóng Rổ trong vòng bốn ngày đó, điểm nhìn của người trần thuật không cố định mà luôn luôn di chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác với những quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Chín Triệu là diễn viên nữ chính, sau một ngày gặp gỡ, trò chuyện với Bóng Rổ, trở về kể lại câu chuyện với hai cô bạn (trong vai tác giả và đạo diễn).

Cứ thế, nhà văn để cho các nhân vật tự tranh luận, đi từ phán đoán đến sự thật, từ sai đến đúng, từ ác cảm đến đồng cảm. Người kể chuyện không tham dự vào câu chuyện và không “ràng buộc” người đọc vào bất cứ một thiên ý nào.

Người đọc sẽ được đối thoại, được tự do tranh luận và cuối cùng thì đều bị bất ngờ bởi chuyện kịch trở thành chuyện thực, qua vở kịch mà sáng tỏ những điều chưa bao giờ sáng tỏ.

Phương thức trần thuật khách quan trong truyện Lũ con hoang lại có rất nhiều điểm độc đáo. Sắc thái tình cảm của người kể được đẩy đến độ cực đoan. Nếu ở các truyện ngắn khác, dù nhà văn có giấu nỗi đau đời, đau người thì người đọc vẫn nhận ra được ở chỗ này, chỗ khác còn ở tác phẩm này nhà văn không “giấu” thái độ theo cách ẩn mình nữa mà dùng cách “hoá trang”, “đeo mặt nạ” cho tình cảm. Mặt hiền từ thì mặt nạ đeo vào lại dữ tợn. Tìm cho mình cái mặt nạ ấy, nhà văn mong muốn tìm được những độc giả thực sự tri âm, không khiếp sợ cái bề ngoài ghê gớm để có thể tìm thấy cái mặt thật hiền từ đằng sau. Chọn cho mình điểm nhìn khách quan lạnh lùng đến tàn nhẫn, có lúc tưởng như vô cảm và mất hết niềm tin vào con người, Hồ Anh Thái cố tình đi ngược với cảm xúc nhân văn thông thường để thâm nhập sâu hơn vào một thực trạng đã mất hết tính nhân văn. Truyện được cấu thành bởi nhiều câu chuyện nhỏ xoay quanh đề tài những đứa con ngoài giá thú. Đó cũng là một kiểu kể chuyện khá độc đáo bởi câu chuyện tưởng chừng rời rạc nhưng lại có sức khái quát lớn. Sức cuốn hút người đọc ở truyện này là ở chỗ nhà văn đã tạo ra cái cảm giác đây là những

câu chuyện thật 100%, không hư cấu tưởng tượng. Mỗi câu chuyện đều được tách riêng, đầu mỗi truyện đều có dòng giới thiệu nêu rõ xuất xứ như: “Báo đăng ở mục mỗi ngày một chuyện” - “Vẫn ở mục mỗi ngày một chuyện” - ở mục “ống kính chụp nhanh” - “Phóng sự điều tra”… hoặc là tên một bài báo

“Một ổ cà phê xanh sa lưới pháp luật”… Những dòng giới thiệu như vậy một phần tạo ra cái cảm giác thực đối với độc giả, một phần thu hút sự chú ý đối với người đọc.

Người đọc có cảm giác nhà văn không hề hư cấu, tưởng tượng gì thêm ngoài việc sưu tầm những thông tin đăng trên các báo, rồi thêm một vài lời bình phẩm như người ta vẫn hay bình phẩm ở những quán nước, quán cà phê và cập nhật những thông tin “thời sự nóng bỏng”. Nhà văn nêu rạch ròi cả tên phố, tên nhà, ngày giờ cụ thể xảy ra sự việc: “Khoảng 5 giờ sáng ngày 12 tháng 9, những người đi làm sớm thấy ở bên cánh cổng sắt của ngôi nhà số 57, phố Long Thành một đứa trẻ sơ sinh”. Hoặc: “Lại thêm một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ lại bệnh viện tình thương” phòng số 15… Hay “Lực lượng công an và đội quy tắc trong khi làm nhiệm vụ đêm 25 tháng 11 bắt được tại vườn hoa một cặp trung niên đúng vào lúc giá cả hỗn loạn nhất “giá áo tăng lên, giá quần tụt xuống”…”

Sự khách quan, lạnh lùng của người kể được trình ra rất cẩn trọng: Những thông tin này đều do lực lượng công an, đội quy tắc, nguồn tin cơ sở trinh sát… cung cấp và được đăng rộng rãi trên các báo, các bài phóng sự điều tra… vậy thì còn nghi ngờ gì nữa? Nhà văn đã khách quan hoàn toàn, không hề quanh co, lấp lửng. Mọi chuyện được phơi bày sáng tỏ như ban ngày. Nói có sách, mách có chứng! Xin dẫn ra đây một số đoạn:

“Đứa bé được quấn gọn trong một chiếc áo xoa phụ nữ, thêu hình một cành mai trắng trước ngực. Nằm cạnh miệng cống không xa, nó chăm chú lắng nghe tiếng réo sôi của dòng nước thải, giống như cuộc đời vẫn tuôn chảy ngoài kia, vẫn bốc mùi nghiệt ngã ở ngoài kia…”.

Như một người thông thái và trải đời thay cho tiếng khóc tầm thường, nó mỉm cười bình thản. Cười với ai? Nó cười đáp lại thái độ niềm nở của con bec- giê đang rướn mình, thò đầu ra giữa hai chấn song, cố liếm vào cái bọc vải”.

“Cảnh sát bắt một ổ mại dâm “cà phê xanh” thì thấy có một đứa bé sáu tuổi, ngồi rửa bát. Họ không bắt con bé mà nhờ một người dân đưa con bé về với bố nó. “Cháu không có bố” con bé thản nhiên nói, đơn giản như việc nó đã quen chơi một mình mà không có búp bê vậy”…

Đọc những đoạn văn trên, người đọc không dễ dàng nhận ra thái độ tình cảm của nhà văn bởi anh ta đã đeo chiếc mặt nạ “tàn nhẫn gớm ghiếc”. Với điểm nhìn khách quan trong trần thuật, nhà văn đã sắp xếp để câu chuyện sự việc tự nói lên bằng sự đối lập, tăng tiến của các chi tiết.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái (Trang 70 - 75)