Thiên nhiên mang ý nghĩa trực tiếp (thiên nhiên đích thực)

Một phần của tài liệu Thơ thiền Việt Nam thời Lý- Trần trong so sánh với thơ thiền Nhật Bản (Trang 83 - 89)

NHỮNG ĐIỂM DỊ BIỆT GIỮA THƠ THIỀN VIỆT NAM THỜI LÝ – TRẦN VÀ THƠ THIỀN NHẬT BẢN

3.1.2.4.2. Thiên nhiên mang ý nghĩa trực tiếp (thiên nhiên đích thực)

Ngoài mảng thiên nhiên mang ý nghĩa biểu tượng mà thơ Thiền Nhật Bản hầu như không có, thơ Thiền Lý – Trần còn có mảng thiên nhiên mang ý nghĩa trực tiếp. Đó là hình ảnh thiên nhiên sinh động, nên thơ đang hiện hữu quanh con người.

Đây là mảng thơ rất gần gũi với thơ Thiền Nhật Bản. Tuy nhiên, thiên nhiên mang ý nghĩa trực tiếp trong thơ Thiền Lý – Trần và thiên nhiên trong thơ Thiền Nhật Bản cũng có nhiều điểm khác nhau.

Thứ nhất, thiên nhiên trong thơ Thiền Lý –Trần thường là hình ảnh một thiên nhiên mênh mông, bát ngát, siêu việt không gian, thời gian; vươn tới cái vô cùng, cái đại ngã.

Đó là cảnh trời nước bao la, mênh mông vạn dặm:

Vạn lí thanh giang vạn lí thiên

(Ngư nhàn – Không Lộ)

(Vạn dặm sông xanh vạn dặm trời)

(Cái nhàn của ông chài)

là cảnh non xanh, nước biếc hòa vào nhau trong bát ngát sắc thu:

Tiểu đỉnh thừa phong phiếm diểu mang Sơn thanh thủy lục hựu thu quang.

(Phiếm chu – Huyền Quang)

(Chiếc thuyền nhỏđược gió, trôi trên nước bát ngát Non xanh nước biếc lại thên cảnh sắc mùa thu)

(Đi chơi thuyền)

hay đó là cảnh một am thiền trên núi cao sát tận trời xanh, cửa mở trên tầng mây, trước có hang Rồng, dưới có khe Hổ:

Am bức thanh tiêu lãnh, Môn khai vân thượng tằng. Dĩ can Long động nhật, Do xích Hổ khê băng.

(Yên Tử sơn am cư – Huyền Quang)

(Cao sát trời xanh, am thiền mát lạnh, Cửa mở trên tầng mây.

Trước hang Rồng mặt trời đã một cây sào, Dưới khe Hổ băng còn dày một thước.)

(Ở am núi Yên Tử)

Thật là một cảnh quang thiên nhiên kì thú! Vừa có cái bao la, thoáng đãng của một nơi với vị trí cao, có thể phóng tầm mắt ra bốn phía; vừa có cái trong lành, mát mẻ, thanh khiết của chốn non xanh nước biếc. Đọc những câu thơ trên, người

đọc nhưđược lạc vào một nơi bồng lai tiên cảnh nào đó. Ởđấy, con người có thểđi về giữa gió mây, giơ tay là có thể chạm vào nhật, nguyệt … Không phải là những con người đã “buông niềm trần tục” (Huyền Quang), những con người mà “một cái búng tay có thể phá được vạn tầng núi” (Trần Nhân Tông), những con người thấy

“trời đất chỉ như búng ngón tay/ Non sông chỉ bằng một tiếng dặng hắng” (Tuệ

Trung) … nói chung là những con người có thể vượt lên cái tiểu ngã, hòa vào cái

đại ngã, cái vô cùng, khó có thể viết được những vần thơ như thế.

Ngược lại, thiên nhiên trong thơ Thiền Nhật Bản thường là những cảnh vật thật đơn sơ, nhỏ bé, luôn gắn chặt với không gian và thời gian cụ thể.

Đó là một cánh hoa (thậm chí không phải là bông hoa) giữa ban ngày, giọt mưa mới đọng rồi khô ngay:

Cánh hoa ban ngày giọt mưa mới đọng âm thầm khô ngay.

(Shiki)

Đó là những giọt sương đọng trên mỗi cành gai của bụi cỏ ngây:

Bụi cỏ ngây

mỗi giọt sương trắng

đọng một cành gai.

(Buson)

Đó là những hạt bụi cám đang bay quanh cối xay, bám trên những đóa hoa cúc:

Quanh chiếc cối xay trên cành hoa cúc lạnh bụi cám chập chờn bay.

(Basho)

Có gì nhỏ bé như một cánh hoa, một cành gai, một giọt sương, những hạt bụi,… Thế nhưng tất cả chúng đều có đời sống riêng, giá trị riêng của chúng. Và cho dù đơn sơ, nhỏ bé thế, những sự vật ấy vẫn mang trong mình cả vũ trụ bao la. Bởi giọt mưa, giọt sương kia chẳng phải là một hiện thân, một hình tướng của nước, của sông suối, đại dương đó sao? Hạt bụi bé nhỏ kia chẳng phải là một hiện thân, một hình tướng của đất trời đó sao? Chẳng thế thì làm sao một chút nhụy hoa mơ có thể làm dậy hương ba nghìn thế giới như một thiền ngôn xưa?

Nhất điểm mai hoa nhụy Tam thiên thế giới hương.

(Thiền lâm cú tập, dẫn theo Nhật Chiêu, Ba nghìn thế giới thơm, [11])

Chính vì thế, dù nói đến những sự vật nhỏ bé, đơn sơ nhưng nếu nhìn bằng con mắt Thiền thì thiên nhiên trong Haiku Nhật Bản rốt cùng vẫn gợi người ta liên tưởng đến cái mênh mông, vô hạn của đất trời, của cái đại ngã.

Thứ hai, nếu xét theo cái nhìn nhị nguyên phân biệt: cao quí – tầm thường, thanh nhã – ô uế… ta thấy, thiên nhiên trong thơ Thiền Lý – Trần Việt Nam thiên về cái cao quí, thanh nhã; trong khi thiên nhiên trong thơ Thiền Nhật Bản, ngoài những sự vật, những hình ảnh cao quí, thanh nhã như ánh trăng, như tuyết, như hoa

đào…, còn xuất hiện rất nhiều những hình ảnh, những sự vật rất bình thường, thậm chí tầm thường, ô uế. Thật vậy, xuất hiện trong thơ Thiền Lý – Trần Việt Nam luôn là những hình ảnh như ánh trăng, như gió mây, sông núi; nếu là hoa thì phải là hoa cúc, hoa mai (những loài hoa tượng trưng cho sự cao quí); nếu là cây thì phải là thông, là tùng, là trúc (những loài cây tượng trưng cho khí tiết cứng cõi); nếu là chim thì cũng phải là cò, là nhạn (những con vật xinh đẹp, thanh nhã). Khó có thể

tìm thấy trong thơ Thiền Lý – Trần Việt Nam một cành hoa dại, một cánh quạđen, một con ốc nhỏ ...v...v. Trong khi đó, ta lại dễ dàng bắt gặp những sự vật, sinh vật trên trong thơ Thiền Nhật Bản:

Trên cành khô cánh quạđậu chiều thu. (Basho) Trên cánh cửa sài nằm con ốc nhỏ sao mà bình tâm. (Issa) Con loăng quăng à mỗi ngày mấy bận chú mình vào ra? (Issa) Trong đám cỏ xanh cành hoa không biết

nở ra trắng ngần.

(Shiki)

Không chỉ là những sự vật, những sinh vật nhỏ bé, tầm thường như trên mà trong Haiku còn xuất hiện cả những thứ nếu nhìn bằng con mắt thường, con mắt trần thì thật là ô uế, ghê tởm. Đấy là chấy, rận, bọ chét, nước đái ngựa:

Bọ chét, rận nước đái ngựa gần bên gối nằm.

(Basho – Đoàn Lê Giang dịch) là xác một con chó chết:

Con sông mùa đông xác một con chó chết

vứt giữa dòng.

(Shiki – Lê Thiện Dũng dịch)

Trên đây chỉ là vài dẫn chứng tiêu biểu. Theo thống kê của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu trong công trình Ba nghìn thế gii thơm [11], chỉ riêng Issa đã có đến trên 1000 bài Haiku về những sinh linh hèn mọn, “nhà quê”.

Tất cả, tất cả chúng (cả cao quí, thanh khiết; cả tầm thường, ô uế) đều được Haiku nâng niu, đều được bình đẳng cùng nhau trong cái nhìn vô sai biệt.

Thứ ba, cho dù là thiên nhiên trong ý nghĩa trực tiếp (thiên nhiên đích thực) thì thiên nhiên trong thơ Thiền Lý – Trần thường vẫn thể hiện rõ sự cảm nhận, đánh giá chủ quan của nhà thơ. Nghĩa là một thiên nhiên không còn hoàn toàn là nó nữa. Nhìn đám mây, Trần Nhân Tông thấy nó mong manh, hư ảo,… đẹp như một giấc mộng:

Thấp vân như mộng viễn chung thanh

(Vũ Lâm thu vãn)

(Mây ướt giăng như mộng, tiếng chuông xa vắng)

(Chiều thu ở Vũ Lâm)

Nhìn bông mai đứng trong núi tuyết, Huyền Quang thấy trong nó sự lẫm liệt:

Dục hướng thương thương vấn sở tòng Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung

(Mai hoa)

(Muốn ngửng nhìn trời xanh hỏi hoa mai từđâu tới Lẫm liệt đứng sừng sững một mình trên núi tuyết)

(Hoa mai)

Trong khi đó, thiên nhiên trong thơ Thiền Nhật Bản thường chỉ hiện lên trong tính chất tự nhiên của nó, không mang theo sự phân tích, bình luận, đánh giá chủ quan của nhà thơ. Chính vì thế, thiên nhiên ngoại vật hiện ra “đúng như nó là”; nó vô tâm, vô ý và hồn nhiên khôn tả. Thử chiêm ngưỡng vài (trong vô số) bức tranh thiên nhiên như thế:

Vầng trăng tan nhanh trong giọt mưa đọng

đó đây trên cành.

(Basho)

Bên dòng Sumida

con chuột kia uống nước mưa mùa xuân pha.

(Issa)

Một tháp chuông không còn chuông nữa xanh rờn lá non.

(Shiki)

Không thể tìm thấy bất cứ một từ ngữ nào trực tiếp bộc lộ sựđánh giá, bình luận chủ quan của nhà thơ. Cũng chẳng có bất kì một biện pháp tu từ nhân hoá hay so sánh nào (vì một khi so sánh hay nhân hóa là đã thể hiện rõ sự đánh giá, cảm nhận chủ quan). Chỉ có thiên nhiên hiện ra hồn nhiên, sinh động qua những nét vẽ đơn sơ mà có khả năng khơi gợi khôn lường.

Ransetsu đã nói rõ quan điểm thể hiện này trong một bài thơ:

Không như nụ cười

không như giọt lệ cành hoa Bụt ơi.

Vâng, cành hoa là cành hoa. Nó là nó. Tự nó đã đầy đủ. Hãy nhìn hoa bằng cái nhìn “vô tâm”, “vô dụng” để hoa được là hoa, được là chính mình. Đừng bắt hoa phải mang những cái không thuộc về nó, dù đó là nụ cười hay giọt lệ; niềm vui hay nỗi đau…

Tóm lại, dù cùng một vị Thiền, dù cùng đi đến cái bản thể nhất như của vũ

trụ (tâm vật là một) nhưng các nhà thơ Thiền Lý – Trần Việt Nam thường dùng cái tâm (một cái tâm đã giác ngộ) của mình để nhìn ra cái tâm của vạn vật, còn thơ

Thiền Nhật Bản lại đi thẳng đến cái tâm của vạn vật mà hầu như không cần qua cầu nối là chủ quan của con người. Nói cách khác, thiên nhiên, ngoại vật trong thơ

Thiền Lý – Trần là “cầu nối”, “là phương tiện” để thể hiện tâm người; còn thiên nhiên, ngoại vật trong thơ Thiền Nhật Bản cũng chính là tâm, một cái tâm “vô tâm”, một cái tâm “tự nhiên nhi nhiên”, hồn nhiên khôn tả.

Một phần của tài liệu Thơ thiền Việt Nam thời Lý- Trần trong so sánh với thơ thiền Nhật Bản (Trang 83 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)