NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG GIỮA THƠ THIỀN VIỆT NAM THỜI LÝ – TRẦN VÀ THƠ THIỀN NHẬT BẢN
2.1.2.5. Tính ngắn gọn, cô đọng, hàm súc
Xuất phát từ tinh thần Thiền - tinh thần vô ngôn - cả thơ Thiền Lý – Trần Việt Nam và thơ Thiền Nhật Bản đều rất ngắn gọn, cô đọng, hàm súc.
Đối với thơ Thiền Việt Nam, thể thơ chiếm đa số là thể Đường luật (Thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, hoặc ngũ ngôn tứ tuyệt), chỉ một số ít viết theo thể
cổ phong hoặc tứ tự. Mà như ta đã biết, thơ Đường luật là thể thơ ngắn gọn, cô
đọng, hàm súc, đặc biệt là thể ngũ ngôn tứ tuyệt, mỗi bài chỉ có 20 chữ, hay thất ngôn tứ tuyệt, mỗi bài cũng chỉ 28 chữ. Với một dung lượng chữ qui định ít ỏi như
thế, bắt buộc người làm thơ phải chọn lựa, sắp xếp, sử dụng các thủ pháp nghệ thuật thế nào để có thể chuyển tải được nhiều nhất dung lượng ý nghĩa. Do đó, cô đọng, hàm súc là một hệ quả tất yếu của thể thơ trên.
Đối với thơ Thiền Nhật Bản, với thể loại khảo sát là Haiku, tính ngắn gọn, cô
đọng, hàm súc lại càng là đặc điểm nổi bật. Mỗi bài Haiku thông thường chỉ có 17 âm tiết, chia làm 3 dòng với kết cấu 5/7/5 âm tiết. Trong 17 âm tiết ấy của tiếng Nhật lại chỉ gồm không quá 12 – 13 từ. Với đặc điểm này, Haiku đã trở thành thể
thơ ngắn nhất thế giới. Tuy nhiên trong cái ngắn gọn ấy lại hàm chứa bao điều thâm sâu, uyên áo và có sức ám thị mạnh mẽ. Nói như nhà nghiên cứu nổi tiếng người Nhật Daisetz Suzuki: “Khi tình cảm đạt đến mức độ cao nhất, người ta lặng thinh, bởi lẽ không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả thích đáng. Ngay 17 âm tiết (trong bài thơ Haiku) cũng đã quá dài” (dẫn theo Lối lên miền Oku của Basho, [4])
Chính vì thế, tính ngắn gọn, cô đọng, hàm súc của thơ Thiền Việt Nam và thơ Thiền Nhật Bản là một đặc điểm mang tính nghệ thuật. Đấy là hình thức thích hợp nội dung hay nội dung đã tìm được hình thức thích hợp để thể hiện vậy.
2.2. NHẬN XÉT
2.2.1. Nhìn chung, thơ Thiền Lý – Trần Việt Nam và thơ Thiền Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về nội dung và nghệ thuật như đã nêu trên. Tuy nhiên, có những điểm, về đại thể là giống nhau nhưng cách thể hiện, sắc thái, mức độ đậm nhạt là khác nhau (điều này sẽđược trình bày rõ hơn trong chương ba: Những điểm dị biệt giữa thơ Thiền Lý – Trần Việt Nam và thơ Thiền Nhật Bản). Đơn cử như
về nội dung thể hiện tinh thần phá chấp. Nếu thơ Thiền Lý – Trần Việt Nam thiên về thể hiện một cách trực tiếp với những lời khẳng định, lí giải mang đậm màu sắc triết lí thì thơ Thiền Nhật bản lại thể hiện tinh thần ấy bằng những hình ảnh cụ thể, sinh động; thể hiện trong cái nhìn, cách miêu tả, cảm nhận sự vật, hiện tượng…
2.2.2. Trong ba tiêu chí xác định thơ Thiền Lý – Trần Việt Nam thì mảng thơ
tâm trạng cảm xúc thông qua cảm quan Thiền học là mảng thơ có nhiều điểm tương
đồng nhất với thơ thiền Nhật Bản.
2.3. LÍ GIẢI
Thơ Thiền Lý – Trần Việt Nam và thơ Thiền Nhật Bản dù cách nhau khá xa về không gian lẫn thời gian (5, 6 thế kỉ) nhưng vẫn có nhiều điểm tương đồng là do:
Trước hết, cả hai cùng thấm nhuần tư tưởng, triết lí Thiền tông. Phật giáo - Thiền tông vốn là một tôn giáo. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam và Nhật Bản nó không chỉ còn là một tôn giáo đơn thuần, nghĩa là nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, mà nó đã thấm nhuần, đã hóa thân vào mọi hoạt động văn hóa vật chất và văn hoá tinh thần của con người, trong đó có văn học nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản đều nằm trong vùng tư tưởng, văn hóa phương Đông nói chung. Đấy là nền văn hóa thiên về cái thâm trầm, tĩnh lặng; thích sự an nhiên tự tại; với kiểu tư duy tổng hợp và quan niệm “vạn vật đồng nhất thể”. Chính những nét đặc trưng văn hóa đó của phương Đông cũng đã góp phần qui định tư tưởng, tình cảm, lối sống, quan niệm thẩm mỹ… của con người. Và đến lượt mình, những tư tưởng, tình cảm, lối sống, quan niệm… ấy lại được soi bóng trong mọi sản phẩm vật chất và tinh thần của con người phương Đông.
TIỂU KẾT
Cùng nằm trong vùng văn hóa phương Đông, đặc biệt là cùng hấp thu, thấm nhuần tư tưởng, triết lí Thiền tông và tư tưởng Lão – Trang, thơ Thiền Việt Nam thời Lý – Trần có nhiều điểm tương đồng với thơ Thiền Nhật Bản. Chính những
điểm tương đồng đó đã góp phần tạo nên những nét đặc trưng cho thơ Thiền Việt Nam và Nhật Bản nói riêng, thơ Thiền các nước nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Thiền tông nói chung. Tất cả tạo thành một bông hoa thấm đẫm sắc hương, mùi vị Thiền, không thể lẫn lộn, góp phần tô điểm cho vườn hoa văn học thế giới thêm phần đa dạng, phong phú và tươi đẹp hơn.
Chương 3