NGUYỄN KHẢI NHỮNG TÌM TÒI THỂ NGHIỆM TRONG KĨ THUẬT TRIẾT LUẬN
3.2.1. Loại nhân vật tư tưởng kết hợp với yếu tố loại hình hóa:
Nhà văn Nguyễn Khải từng tự nhận rằng:“Vẻđẹp của nhân vật hoàn toàn phụ thuộc vào cái thế
giới tự tưởng tượng của mỗi tác giả. Thiếu cái vùng sáng hưảo ấy thì bạn đọc sẽ phải đối mặt với cái nhạt nhẽo, cái tầm thường của nhiều gương mặt thường ngày khiến ta đã nhiều lúc phải trốn chạy vào văn chương.” [87]. Do bị chi phối bởi ý đồ tư tưởng của tác giả nên các nhân vật của Nguyễn Khải thường chỉ tập trung về mặt tính cách hay số phận theo những vấn đề nhà văn muốn thể hiện. Những nhân vật chưa giàu tính điển hình, chưa phải là một “con người” cụ thể, một chân dung vừa cá biệt lại
vừa khái quát. Nhân vật của Nguyễn Khải là những nhân vật tư tưởng, những lập trường chủ thể độc lập trong thếđối thoại với tác giả và với nhau. Vì vậy các nhân vật mang màu sắc duy lí, nghiêng về
“loại hình hóa” (xây dựng loại hình chung để thể hiện những ý thức, những tư tưởng) hơn là “điển hình hóa” (sự thể hiện cái chung trong cái đơn nhất). Nguyễn Khải đã mở rộng thêm nguyên tắc điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực: điển hình còn là điển hình tư tưởng (vì hiện thực còn là hiện thực tư
tưởng). Nếu nhân vật loại hình được xây dựng nhằm mục đích khắc hoạ một mô hình nhân cách đại diện cho một bộ phận người trong thời đại thì nhân vật tư tưởng lại được xây dựng để khẳng định hay phê phán một mô hình tư tưởng của một loại người nào đó trong xã hội. Đây là loại nhân vật làm chúng ta say mê ở phương diện tư tưởng và những vấn đề triết lí nhân sinh, tuy còn sơ lược về tính cá thể hoá. Thời kì đầu các nhân vật của ông từ trẻ đến già đều khôn ngoan, từng trải, thạo đời, rất thích dạy đời nên nhiều lúc trở thành “cái loa” phát ngôn cho tư tưởng tác giả một cách lộ liễu. Về sau ông viết về
những số phận đơn lẻ không phải để thương xót, cảm thông hay an ủi mà thông qua cuộc đời nhân vật cụ thểđể rút ra những khái quát triết lí nhân sinh hoặc những kết luận tư tưởng. Với kiểu nhân vật như
vậy, yếu tố tính cách là phương tiện chứ không phải là mục đích sáng tác của nhà văn. Nhà văn không kể về cuộc đời nhân vật mà tập trung khắc họa những nẻo đường tinh thần của các nhân vật. Trong các sáng tác thành công của Nguyễn Khải, yếu tố tính cách đã kết hợp với yếu tố tư tưởng để tạo ra một sự
hấp dẫn mới cho loại nhân vật này. Theo Nguyễn Đức Hạnh (Tiểu thuyết Việt Nam thời kì 1965-1975 nhìn từ góc độ thể loại):“Chúng tôi thấy, nhân vật tư tưởng của Nguyễn Khải đã kết hợp theo một cách riêng với yếu tố tính cách và yếu tố loại hình tuy vẫn nằm trong giới hạn của thời đại. Và đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự mới mẻ hấp dẫn cho nhân vật tư tưởng của ông. Và cũng chính với cách kết hợp độc đáo này, Nguyễn Khải đã báo trước và tạo tiền đề cho sựđổi mới thi pháp tiểu thuyết Việt Nam sau 1975.”. Nhân vật tư tưởng của Nguyễn Khải luôn gắn bó với yếu tố tính cách ở
chiều sâu của khái niệm này. Yếu tố tính cách không phải là sự miêu tả tỉ mỉ, chân thực đời sống cá nhân hay khai thác phương diện con người cá nhân của nhân vật ở góc độ đời tư. Yếu tố tính cách nằm trong sự chênh lệch, không trùng khớp giữa cấu trúc nhân cách con người cá nhân và con người xã hội theo yêu cầu của thời đại về nhân vật lí tưởng. Nguyễn Khải quan tâm sâu sắc đến số
phận con người và phản ánh số phận con người trong sự trớ trêu giữa tính tất yếu và bất thường, không phải bao giờ cũng thuận chiều và rành mạch. Hành trình số phận của nhân vật không thẳng tắp một chiều từ bóng tối đến ánh sáng, mà luôn có sự khập khiễng, dở dang không thểđoán định trước: những nhân vật sẽđi từgặp thời đến lạc thời, hợp lí đến phi lí... ngổn ngang bề bộn đầy những bất ngờ
Ngay từXung đột, âm hưởng bi kịch đã manh nha hé lộ trong bản anh hùng ca mà dàn đồng ca tiểu thuyết bấy giờ ít ai chạm đến. Nhân vật Nhàn gặp bao giằng xé nội tâm:“Tôi không bỏ đạo được, mà tôi cũng không thể bỏ hoạt động được (...) Tôi theo chúa, tôi theo Chính phủ, tôi theo cả hai mà không được sao” [80, tr.154]. Đây không chỉ là cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật giữa niềm tin tôn giáo và lí tưởng cách mạng. Đây còn là sự mâu thuẫn và đấu tranh giữa niềm tin tâm linh của con người cá nhân với lí tưởng chính trị của con người xã hội trong cấu trúc nhân cách của nhân vật. Cuộc
đấu tranh nội tâm này là một hiện tượng khác lạ với xu thế chung của tiểu thuyết Việt Nam bấy giờ: cái tôi tự nguyện phục tùng và hoà nhập vào cái ta, những nhu cầu khát vọng riêng tư của con người cá nhân hoặc bị triệt tiêu hoặc trở nên không còn ý nghĩa trước yêu cầu phục vụ và cống hiến cho đoàn thể
và cách mạng. Bên cạnh những bi kịch cá nhân và sự giằng xé nội tâm kia, nhân vật Thuỵ trong Xung
đột của Nguyễn Khải lại là nhân vật tiêu biểu cho sự dở dang, đột biến trong tư tưởng và nhân cách của con người. Môi trường chiến đấu đã đưa Thụy từ một tu sĩ với nhận thức đầy sai lầm bảo thủ trở thành một cán bộ cách mạng có phẩm chất cao quý, sẵn sàng hi sinh thân mình vì Đảng vì dân. Vậy mà chỉ vì không giữ vững lập trường cách mạng, Thuỵ đánh mất tất cả và trở lại điểm xuất phát ban đầu về tư
tưởng. Cuộc sống đa tạp và con người vốn đa đoan như thế. Nhưng đấy mới thật sự là cuộc sống và con người. Nhân vật tư tưởng của Nguyễn Khải làm ta say mê vì điều đó!
Đường trong mây của Nguyễn Khải lại làm người đọc say mê bởi tính vấn đề bức xúc. Nhân vật Ca là nhân vật chính diện với vai trò là linh hồn cho cảđơn vị. Nhưng những tính toán riêng tư của Ca lại biến anh thành nhân vật phản diện theo quan điểm đánh giá bấy giờ. Suy nghĩ của Ca về gia đình và tương lai như nhuốm màu tư hữu và cá thể. Mảnh vườn nên trồng cây gì để có thu nhập cao, cái đất ở
và những tính toán làm sao có lợi nhất cho gia đình mình, ước mơ làm giàu sau khi hết chiến tranh, kế
hoạch lo cho vợ một việc làm nhàn nhã bằng chính sách ưu tiên cho vợ bộđội... Vậy thì, Ca là nhân vật chính diện hay phản diện? Sự phân đôi và mâu thuẫn trong nhân cách giữa con người xã hội tích cực với con người cá nhân tiêu cực, hay Ca là hình mẫu của con người lí tưởng giỏi việc nước đảm việc nhà sẽ xuất hiện sau chiến tranh? Câu trả lời phụ thuộc vào quan điểm đánh giá với tính lịch sử của nó. Như
một thái cực đối lập với Ca là nhân vật Vịnh - một nhân vật rất giỏi trong công việc chung nhưng lại ngơ ngác trước mọi lo loan đời thường. Anh ngạc nhiên và bất bình trước mọi sinh hoạt cá nhân mang tính đời tư của chiến sĩ:“Thụ này, thằng Nam lại dám mày tao với cả vợ (...) rồi mình phải gọi nó lên, xạc cho nó một trận. Cán bộ cách mạng mà đối xử với vợ không bình đẳng (...) thằng A dạo này lại uống cả rượu thuốc, ở chân thường lại có cả một hũ rượu thuốc. Ôi trời một anh cán bộ quân đội mà lại kè kè bên mình một hũ rượu thuốc (...) thằng B bỏ cả ngày chủ nhật mua vôi về trát vách (...) vợ con với nhau cả đời đã vội gì mà ngày nghỉ nào cũng rúc vào nhau hú hí”(Nguyễn Khải (1970), Đường
trong mây, Nxb Văn học). Với nhân vật Vịnh, nhà văn muốn chỉ ra một tình trạng: gắn bó quá lâu với tập thể, con người sẽ chỉ biết đến cái chung mà đánh mất cái riêng. Đáng buồn hơn thế, con người sẽ đem tiêu chuẩn của cái chung mà phán xét cái riêng, nếu cứ như vậy mà đi xa hơn nữa thì một hiện tượng tha hoá sẽ xuất hiện, khi cấu trúc nhân cách lệch lạc chỉ còn con người xã hội mà vắng bóng con người cá nhân. Với nhân vật Ca và nhân vật Vịnh, phải chăng Nguyễn Khải đã dự báo sự xuất hiện của hai loại người có nhân cách đan xen cả yếu tố tích cực và tiêu cực sẽ xuất hiện sau chiến tranh? Và họ
sẽ trở thành con người tích cực hay tiêu cực là điều khó đoán định trước.
Các nhân vật trong Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải được xây dựng trên cơ sở sự phân tranh giữa những luồng tư tưởng khác nhau trong cùng một con người. Trong lối kết cấu của tác giả ta thấy giữa các nhân vật có một mối liên hệ ngầm, đầy thú vị giống như cái va chạm ban đầu tạo ra đường quay của con lắc. Và dường như đó cũng là quy luật vận hành trong cuộc sống. Có lẽ tác giả đã viết bằng sự tiên cảm mà đôi khi chính ông cũng không ngờ hết. Đặc sắc nhất là mối liên hệ kì thú giữa bà Hoàng và bà Hảo. Là hai chị em ruột nhưng mỗi người lại đi trên hai hướng ngược nhau của một vòng tròn. Khi chị Hoàng ở Hà Nội thì cô em đang ở tận Việt Bắc. Lúc cô em từ Việt Bắc về Hà Nội, chị
chạy tuốt vào Nam, nay cô em cũng theo chân vào Nam thì chị hết đường chẳng biết chạy đâu. Lúc người chị giàu sang quyền lực hết mức thì cô em lại cực khổ trăm bề. Khi chị thất thế, chỉ còn muốn chết đi cho rảnh thì cô em lại gặp thời phất lên vênh váo. Nhưng đó chỉ là bề nổi. Còn sợi dây liên hệ
ngầm mới thực là độc đáo. Nó lộ rõ vào thời khắc mà cả hai đã đi hơn nửa đường đời của mình, cái thời khắc phân định rõ một người thuộc phe chiến thắng, còn một người thì thất bại hoàn toàn. Gần cả đời bà Hoàng sống và hưởng thụ từ chếđộ Sài Gòn cũ, lấy chồng là một viên chức gương mẫu, là cái
đinh vít của một guồng máy hành chính tinh xảo, là giáo sư trường Quốc gia Hành chánh thời chế độ
cũ. Bà thẳng thừng rằng:“Cả thế giới không thể tìm đâu ra một mẫu người ăn bám hoàn toàn như tôi”
[35, tr.15]. Mỗi ngày bà Hoàng lại giới thiệu thêm một thói xấu của mình, vừa lười vừa ngu mà vẫn ham được cầm quyền một cách điên dại rồi bình phẩm về cái thói xấu đó tỉnh bơ như nhận xét về một ai đó. Bà đại diện cho cái trật tự cũ mà bà luyến tiếc dù soi vào đó bà chỉ thấy sựđầu hàng bạc nhược của giai cấp mình, thấy tương lai không thể nào tránh khỏi của mình là bị gạt ra ngoài vòng quay không ngừng tiến tới của lịch sử. Chì chiết Chương đấy mà cũng là chì chiết chính mình:“Phải làm cho nó thật nhục nhã, thật chán chường rồi mới hóa nó sang kiếp khác được” [35, tr.9]. Bà buồn nẫu vì cuộc
đời bà gắn quá chặt với chế độ gồm những nhân vật chính trị bị bà mắng suồng sã “trên răng dưới giái”, “rõ ngu” và diễn “thối đến bằng cứt” ấy. Bà có được sự thức tỉnh sâu sắc về những giá trị thật và giảở đời. Dù say mê những cái phù du, giả dối nhưng cũng đồng thời bà khinh bỉ nó và xem thường cả chính mình. Chính thời điểm bà nhìn lại cuộc đời mình, tự xỉ vả mình và những người giống mình
cũng là lúc bà không hoàn toàn còn là con người đó nữa. Nhìn thấy rõ ràng chân tướng của mình, bà đã
đặt một bước chân qua nó. Còn bà Hảo lại là một mẫu người hoàn toàn khác. Trong những ngày kháng chiến thì theo chồng, đẻ con, lúi húi gia đình, cam sống thiếu thốn, lùi xùi chẳng phải vì được soi rọi một lí tưởng, một ý thức hi sinh cao cả nào mà đơn giản vì thời thế nó vậy cựa quậy làm sao. Cuối năm 1975 vào Sài Gòn, bà có ông chồng làm ra nhiều tiền, đi nước ngoài xoành xoạch và em chồng ở Pháp gởi tiền, quà về... Bắt chước lối sống thượng lưu của đất Sài thành, bà Hảo đã có “lão gia nô” mở cổng
đón khách, bẩm báo bà chủ y như cái thời chồng bà còn làm quan huyện, rồi ăn mặc điệu đàng, huênh hoang khoe của, chê bai món bánh chưng “có soi kính lúp cũng không tìm ra nhân”, không nhận ra mùi vị quen thuộc với bà suốt ba mươi năm trên đất Bắc nghèo khó vì phải dốc toàn lực cho tiền tuyến. Mà nhà nào dám biếu bà thứ bánh “có cho đầy tớ nó cũng không thèm ăn” [35, tr.19]. Bà Hảo biện luận:“Tôi bỏ nhà cao cửa rộng theo chồng đi kháng chiến nằm hầm rúc bụi cả mấy chục năm thì chồng con tôi mới thành ông kia bà nọ, tôi mới được sung sướng thì tôi phải khoe cái sung sướng của tôi. Họ
theo Mĩ, đầy đủ chán rồi, rởm rồi, nay họ có phải khổ cũng là sự công bằng” [35, tr.20]. Đó là một mẫu người thực dụng không phải do khôn ngoan thức thời mà do tầm thường vụ lợi. Vào Sài Gòn, bà học được cách tiêu tiền (mua phấn sáp, sửa móng tay, chơi mạt chược) nhưng lại không học lấy cách làm ra tiền. Hai vợ chồng bà là cán bộ, chỉ biết tháng tháng lĩnh lương của nhà nước và sống nhờ tiền của họ hàng ở nước ngoài cho. Nhưng bà hoàn toàn sung sướng, hãnh diện và bằng lòng với cách sống
ấy. Một mẫu người ăn bám mới lại xuất hiện, và mức độ “hoàn hảo” của nó cũng không thua kém gì so với chính lối sống của bà Hoàng. Và có lẽ cái vòng tròn quay ngược của hai chị em bà Hoàng – Hảo vẫn đang tịnh tiến. Đến một lúc bà Hảo sẽ giống với hình mẫu của bà Hoàng lúc này nhưng chưa chắc có được sự thức tỉnh sắc sảo như bà Hoàng. Và thú vị thay, mẫu người xuất thân như bà Hảo và biến chất theo cách đó quả thật không ít trong xã hội ngày nay. Thế mới hay, khả năng tiên nghiệm của nhà văn có thực tài mới đáng kinh ngạc làm sao.