NGUYỄN KHẢI – CUỘC TÌM KIẾM MỘT THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT GIÀU TÍNH TRIẾT LUẬN
2.2.3 Sự cô đơn giữa hai thế hệ trẻ – già
Cặp nhân vật già – trẻ thực sự là người của hai thời, của "cái hôm qua rất giản dị" và "cái hôm nay rất phức tạp". Sự xuất hiện thường xuyên, thành cặp hai loại nhân vật già và trẻ này đã đem lại hình ảnh một xã hội vận động, với tất cả sự mâu thuẫn và thống nhất, sự tiếp nối và đứt đoạn giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; giữa các thế hệ trong một thời đại. Người trẻ nghĩ tới tương lai bởi vì chưa có quá khứ. Họ nghĩ về những ngày sắp tới, nghĩ về cuộc sống dài. Thanh niên tìm kiếm chân lí tức là tìm kiếm cuộc sống của mình, khao khát biết bản thân mình bằng chính những tự nghiệm mà không vay mượn càng không chấp nhận kinh nghiệm của người khác. Tuổi trẻ luôn có tham vọng, hoài bão. Tham vọng trở nên nổi bật, ham muốn về tương lai, được thành công, được đấu tranh là toàn bộ mối quan tâm của họ. Những người trẻ luôn sẵng sàng chấp nhận thử thách, mới lạ và bước vào cuộc phiêu lưu, bước vào thế giới con người, bước vào “bãi chợ” – tiền bạc, quyền lực, danh tiếng.
Ở Một cõi nhân gian bé tí, trong mắt của đứa con Chính, kẻ phạm tội mà Chính vừa xét xử với cái án mấy chục năm tù là một con người "Hết sức lương thiện, hết sức đàng hoàng, họ phạm tội chỉ vì không cam chịu sống mòn mỏi trong cái khuôn khổđã quá cũ kĩ, quá chật hẹp" [43, tr.584]. Đó là các bị cáo Nguyễn Văn Hòe, Trần Văn Nhì bị bắt vì tội buôn lậu nhưng từng là chiến sĩ trong mặt trận Tây Nam. Họ ý thức việc mình làm là phạm pháp, chấp nhận rủi ro khi bị bại lộ mà không đem thành tích chiến đấu xin giảm án. Khi Chính kết luận rằng:“ Thiếu gì việc để làm ở thành phố này nếu nó không lười” thì người con thẳng thừng đáp lại:“Làm gì? Làm lái xe, làm bảo vệ, làm giữ kho, làm anh thư kí cho mấy ông giám đốc, phó giám đốc, làm như thế mà bảo là đủ hả bố? Chỉ đủ trở thành một người lười biếng và an phận, một sinh vật nửa thức nửa ngủ, đã chết về mặt tâm lí trước nhiều chục năm cái chết về mặt sinh lí” [43, tr.27]. Một thế hệ trẻ muốn được làm rất nhiều thứ nhưng lại không được làm vì gặp phải quá nhiều rào cản nên để không phạm luật một cách trắng trợn thì họđã lách luật. Những
con người có tội với luật pháp (kiểu luật pháp đi ngược với sự phát triển tự nhiên của xã hội) thì chưa chắc có tội. Hay khi Chính nói:“Con người ta không thể chỉ sống cho cái hôm nay” thì cậu con đỏ mặt lên:“ Con sống hoàn toàn cho cái hôm nay, cho cái bây giờ mà vẫn không sống nổi, chỉ vật lộn với cái tối thiểu mà không nổi” [43, tr.98]. Không còn gì có thể rõ ràng hơn, khoảng cách giữa hai lớp người, hai thế hệ. Một thế hệ từng trải thì mang nhiều nỗi niềm tâm sự, hoang mang, bối rối vì phải đứng một chỗ mà suy xét, bên cạnh một thế hệ mang khát vọng đổi mới hành động, giải phóng khỏi những ràng buộc cũ. Bình trong Gặp gỡ cuối năm trẻ trung, đẹp đẽ, được mọi người chiều chuộng, khen ngợi hết lời vì anh ta là chủ nhân mới của xã hội, nhân vật mới của một tương lai đầy hứa hẹn. Còn trong Hà Nội trong mắt tôi,lớp trẻ cũng hiện ra với tinh thần nhập cuộc hăng say và quả quyết:“Chúng là những nhân vật chính của một vận hội mới, một thời buổi mới, thời mở cửa, thời làm giàu, làm giàu cho mình và làm giàu cho nước” [57, tr.255]. Nguyễn Khải đánh giá đúng những tiềm năng to lớn ở họ. Nhưng ông cũng nhìn thấy bên trong những giá trị mới đang thành hình ấy là sự biến chất của những giá trị cũ
từ bao đời:“Nghĩa là còn phải gạn lọc chán những giá trị ấy mới trở thành giá trị thật để chấn hưng một dân tộc.” [57, tr.256]. Mọi người đều thích thú những sự thành công dễ dãi và những sự hưởng lạc hiện tại. Có thể thấy điều này trên những con đường thành danh của trí thức cũng như những con
đường làm ăn khác. Phần lớn những kẻ sống gấp gáp và đầy tham vọng, một thứ tham vọng vừa nôn nóng, vừa mềm yếu, họ mong đạt được ngay tức khắc những thành công lớn, nhưng họ lại muốn khỏi phải bỏ ra nhiều nỗ lực. Những bản năng trái ngược này đã khiến họ tựđắc vẽ ra những mục tiêu rất to lớn mà tổn phí không bao nhiêu. Một thế hệ trẻĐàn, Châu (Một cõi nhân gian bé tí) là những người làm giàu táo bạo khi còn bị cơ chế cũ ràng buộc và bung mạnh ra trong cơ chế thị trường. Một người xuất thân cờ bạc, là dân anh chị giàu lên nhờ “trúng quả” là chính. Còn một người từng nắm vô lăng xe tải đường trường nên sớm biết cách làm ăn, biết lợi dụng ngay cơ chế khép để làm giàu. Những kẻ vô học, hợm của ấy đều rất hãnh tiến, to mồm dạy bảo kẻ khác. Dù tuổi thanh niên luôn có chút ít sự bất tri – nó nhất định phải vậy vì không được kinh nghiệm nhưng cùng với thời gian và những trải nghiệm dần dần họ chợt nhận ra rằng tất cả các ham muốn không thểđược thực hiện hết. Nhưng họ sẽ có hiểu biết để quyết định cho bản thân mình, hiểu biết để quyết định theo cách riêng của mình, đứng trên đôi chân của mình. Họ sẵn sàng hi sinh mọi thứ nhưng chẳng bao giờ hi sinh tự do của mình.
Bên cạnh một lớp trẻ thích hành động, giàu bản lĩnh, thực dụng và liều lĩnh, luôn tự tin, hăm hở
hướng tới tương lai, người già không còn tương lai, họ nghĩ về quá khứ. Tuổi già là tuổi đã cơ bản hoàn thành sự nghiệp, tuổi sử dụng sức dự trữ về kinh nghiệm sống và tổng kết lại cuộc đời, giáo dục, khuyên bảo con cháu, làm chỗ dựa tinh thần đạo đức cho thế hệ tương lai. Nguyễn Khải xây dựng một thế giới người già thích suy ngẫm, xét đoán, hoài nhớ về quá khứ, nhưng lại thấy có phần lạc lõng, cô
đơn khi những giá trị một thời mình tôn thờ, hướng tới đang dần bị đảo lộn; khi những hiểu biết, kinh nghiệm một đời tích lũy của mình không còn phù hợp với cuộc sống. Truyện Chúng tôi và bọn hắn
(1987) là cuộc đối thoại cởi mở giữa hai thế hệ: người già một mực bảo vệ những quan niệm chuẩn mực truyền thống, giữ gìn "danh dự" mà khép mình; ngược lại, lớp trẻ lại lo kiếm tiền, lấy đồng tiền
đong đo mọi giá trị ở đời. Lộc không ngần ngại tuyên bố "thực chất vẫn là tiền chỉ huy. Đồng tiền lớn chỉ huy đồng tiền bé", "Chúng cháu có một ông chủ thôi, đó là thị trường (...) dễ ứng xử lắm" [57, tr.257]. Chính (Một cõi nhân gian bé tí) đem kinh nghiệm ba thế hệ chuyển giao lại cho con:“không nên lấy vợ vội, lại càng không nên lấy cái con bé ấy, nên chờ đợi, nên thử thách nhau…” thì người con của Chính đã trả lời bố mình sau khi ngồi im hàng giờ để nghe tất cả mọi lời dặn dò, nhắc nhở: "Thưa bố, nếu tất cả những điều bất hạnh như bố vừa nói lại là hạnh phúc của tụi con thì bố bảo sao " [77, tr.24]. Thì ra quan niệm hạnh phúc của một thời không thể là cái chuẩn của thời sau. Những kinh nghiệm mà lớp người già phải trả giá bằng cả quãng đời tuổi trẻ lại không được lớp trẻ nồng nhiệt đón nhận. Họ muốn trao lại cho con cháu những trải nghiệm ấy để giảm bớt những khoảng thời gian phung phí cho những sai lầm mà lớp trẻ phải trả giá. Nhưng lớp trẻ lại thường không muốn và không thể dùng kinh nghiệm của người khác. Họ muốn tự tìm trải nghiệm của riêng mình, tự nguyện đón lấy sai lầm, chấp nhận trả giá cho những điều đó. Và rằng thiếu niên nông nổi cướp của giết người, hiếp dâm diễn ra hằng ngày thì cũng không thiếu những người lớn tuổi dùng ô dù tham ô, hối lộ, mua trinh trẻ vị
thành niên. Vì vậy thế hệ trẻ cũng lớn tiếng đáp trả:“…người đã lớn tuổi, đã từng trải mà vẫn ngang nhiên làm bậy? Làm bậy đâu phải là độc quyền của tụi con.”. Khoảng cách giữa các thế hệ quá lớn. Vì mỗi thế hệ thuộc về một cơ chế xã hội khác nhau với những mục tiêu, quan niệm khác nhau, những chuẩn mực đo lường khác nhau. Thế hệ trẻ không rập khuôn theo thế hệ trước, không nhìn thế hệ trước như một hình mẫu hoàn chỉnh. Một thế hệ khao khát đi tìm thậm chí tra vấn để hướng tới giá trị cá nhân đích thực. Nhưng lớp trẻ cũng là lớp người thông minh mà tàn nhẫn, dễ sa vào quan niệm sống thực dụng, lầm tưởng giá trị tức thời là tất cả. Lớp người già quen sống bằng niềm tin vào một tương lai biết trước, yên tâm hòa mình trong cái chung của cộng đồng. Vì vậy họ sống nhợt nhạt, dựa dẫm, yếm thế, ưa tâng bốc. Cặp nhân vật già trẻ là hai hình ảnh soi rọi lẫn nhau trong sự giật mình của ý thức. Mỗi độ tuổi có mặt ưu và mặt khuyết, mặt mạnh và mặt yếu, trong dòng thời gian, thường bổ
sung cho nhau, nhưng cũng thường mâu thuẫn – đối lập nhau. Đó là giữa trẻ thì nông nổi và già thì chín chắn, trẻ thì táo bạo và già thì cẩn trọng, dè dặt, giữa già thì nghĩ về quá khứ và trẻ thì nghĩ về tương lai…
Những sáng tác của nhà văn Nguyễn Khải cũng đi theo cái quy luật thời gian. Ông xây dựng một thế giới những người già phải đối diện với ngày hôm nay phức tạp và lạ lẫm, đối diện với nỗi bất
lực và cô đơn ở ngay trong chính cái thế giới do mình tạo ra là gia đình và những người thân. Vì cái chết đang tới gần, cuộc sống sắp mất. Lúc từng trải, lúc hiểu biết hơn cũng là lúc họ bước vào tuổi già. Bao nhiêu tự hào, bao nhiêu nhầm lẫn; bao nhiêu luyến tiếc, bao nhiêu nhớ nhung... Theo quy luật của cuộc sống, khi thân thể trở nên già nua, mệt mỏi, thân thể muốn gạt bỏ mọi hoạt động nhưng tâm trí thì luôn cưỡng lại tiếng nói ấy của thân thể. Khi bước vào tuổi xế chiều, bỗng nhiên nhiều người già thấy xã hội quên lãng họ. Xã hội đã trang bị cho họ sẵn sàng cho cuộc sống, nhưng không ai dạy họ trở nên sẵn sàng cho cái chết. Họ cảm thấy cay đắng về toàn thể mọi thứ được gọi là cuộc đời. Họ nhảy vào mọi thứ để ném ra những cái tiêu cực của mình, vung vít lên mọi thứ. Hình ảnh một ông anh họ của Chính (Một cõi nhân gian bé tí) là như thế. Ông anh họ vốn là giám đốc một nhà máy sản xuất ắc-quy mới bị buộc về hưu vì thiếu năng lực, gây phe phái và cả chuyện mua bán gian lận. Bây giờ nhà đói không có cái ăn nhưng ông vẫn không làm gì hết. Từ sáng đến chiều tối, ông đi nghe chuyện thiên hạ, chuyện tỉnh, chuyện huyện rồi điều tra cặn kẽ các vụ việc và xúi giục tất cả những ai đang bất bình với thời thếđi kiện nếu không thì mời các báo về phỏng vấn. Ông hô hào:“Cứ làm tới đi, tôi chưa chết thì không có một ai có thể làm gì các ông các bà. Tôi cũng là một cán bộ lãnh đạo của tỉnh, tôi biết mọi ngóc ngách, mánh lới của họ.” [77, tr.54]. Ông kể vanh vách mọi âm mưu xấu xa trong xã, trong huyện với gương mặt tái nhợt vì đói và vì những căm giận, những mưu đồ đốt cháy tâm can từ ngày ông buộc phải nghỉ hưu. Người già mặc cảm về tuổi tác, về sự hết thời của mình và không ngừng suy nghĩ về quá khứ cũng như về hiện tại. Họ tự rút ra cho mình những bài học cuộc đời với một tâm trạng cô đơn, buồn bã, bất lực. Trong lớp người già có những người mà cuộc đời gặp nhiều bất hạnh, thất bại hoặc nhầm lẫn như Dụ trong Chuyện tình của mỗi người, Hạnh trong Phía khuất mặt trời, ông Hai trong
Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, hay người ông trong Ông cháu. Họ gắng gỏi sống, sống nhẫn nại trong những nỗi đau, những nỗi thất vọng của mình. TừThời gian của người đến Một cõi nhân gian bé tí giọng châm biếm bớt đi thay vào đó là giọng ngậm ngùi của người đã ý thức về tuổi già. Quân đến
Thời gian của người đã “gần như một ông già (…) đôi lúc bắt gặp trong cái nhìn của anh một thoáng mệt mỏi đến tận đáy sâu” [42, tr.587]. Cha Vĩnh và ông Hai Riềng cũng đã già. Nhà văn đồng cảm với nỗi buồn của ông Mười, ông Mọn, mọ Vũ. Mọ Vũ (Một cõi nhân gian bé tí) là một người hoạt động chính trị chuyên nghiệp, đứng ở vị trí lãnh đạo, liên tục có cơ hội lựa chọn, nhưng lần lựa chọn nào cũng trong tình thế phải chạy: là nhân vật thứ hai sau Nguyễn Thái Học trong Việt Nam Quốc dân
đảng, khởi nghĩa Yên Bái thất bại, chạy về hợp tác với Việt Minh làm phó chủ tịch Quân ủy hội của ủy ban kháng chiến (chỉ đứng sau tướng Giáp). Quốc dân đảng nhóm dậy chống Việt Minh, sợ liên lụy, ông Vũ chạy sang Tàu; quân Mao Trạch Đông Nam hạ (đánh quân Tưởng lùi về phía Nam, hướng biên giới Việt – Trung), ông Vũ chạy về Hà Nội; không chọn theo kháng chiến, không chọn theo Bảo Đại,
ông Vũ chọn cách... không chọn phe nào cả, và... chạy vào Sài Gòn cho yên thân. Ở Sài Gòn, để “yên thân” ông chọn thái độ “đứng ngoài chính trị” bằng cách từ chối lời mời hợp tác của họ Ngô và họ Ngô cho ông… chạy tại chỗ trong tù; họ Ngô đổ, ông chọn “đứng trong chính trị” bằng cách vào liên doanh với Dương Trung Đồng chạy đua vào phủ rồng với liên danh Thiệu – Kỳ; thất bại, chạy về nhà cay cú:“Nghĩ lại cũng dại, cái trò dân chủ thằng Mĩ nó bày ra, mình thắng thế nào được” [77, tr.74]. Đất nước giải phóng, ông bị bắt. Lần này hết “chạy”! Chính quyền đưa ông về quản chế ở quê nhà - nơi ông cách biệt trên năm mươi năm, “một đời người lưu lạc khắp nơi, không nơi nào là thực sự gắn bó, nơi nào cũng là nhờ, là tạm. Sống ngay trên đất nước mình mà vẫn nghĩ là sống nhờ” [77, tr.14]. Đã chạm tay tới đáy đĩa dầu hao đời mình, ông còn ai oán:“Từ thuở thanh niên đã nuôi chí đánh Pháp, gần hết đời lại bị lịch sử kết tội cộng tác với người Pháp là đau đớn cho tôi lắm” [77, tr.73]. Bản án trong quá khứ của ông vô tình trở thành cái gông xiềng vô hình đè nặng lên cuộc đời và tương lai của thế hệ con cháu ông. Giờ đây ông chỉ biết bất lực đứng nhìn tất cả những ngang trái đó. Có cái thân già, tưởng lần cuối cùng và duy nhất trong đời đưa ra được một lựa chọn đúng là cho nó chết quách để con cháu hết khổ, thế mà chẳng phải. Con cháu sẽ khốn khổ vì câu cật vấn “Ai là người giết để bịt miệng ông Vũ?”. Và ông lão lại rên lên:“… tôi nên sống ở trại cải tạo vài năm là hơn, cũng chỉ sống thêm vài năm là chết thôi, là vài năm cuối đời mà không phải lo nghĩ gì, buồn tủi gì, vì mọi người đều bình
đẳng, là những kẻ có tội nên hiểu nhau, thương nhau. Ởđây tôi cô độc quá...”” [77, tr.14].
Cặp nhân vật già – trẻ xuất hiện phổ biến trong hầu hết các sáng tác ở giai đoạn sau là một nét
độc đáo mới của nhà văn Nguyễn Khải, nó đã giúp ông tái hiện đời sống xã hội đất nước thời kì hậu chiến, thời kì của những xung đột phức tạp; giúp nhà văn soi xét đời sống với những vấn đề của nó ở
nhiều góc độ khác nhau trong thế vận động không ngừng. Thông qua hai giai đoạn sáng tác, Nguyễn Khải đã phác họa phần nào hiện thực và triết lí sống khi người ta trẻ và sau này là đặt trong đối trọng về quan niệm sống khi người ta đang già đi. Tuổi trẻ có hi vọng vào tương lai. Tham vọng có đó và thời