Sau thời gian lao vào kinh doanh hòng làm giàu trong nghề xuất bản nhưng nhanh chóng bị phá sản, Balzac trở lại với nghề văn, cũng mạnh mẽ không kém. Tháng 3 năm 1829, Những người Chouan, cuốn tiểu thuyết đầu tiên được kí tên thật đánh dấu một giai đoạn sáng tác già dặn ra đời. Sau đó là hàng loạt các tác phẩm khác như Sinh lí hôn nhân (1829), Đại tá Chabert
(1832) … Thời gian này, đáng chú ý là việc ra đời Những cảnh đời tư năm 1830 gồm sáu truyện vừa là mầm mống của công trình đồ sộ sau này. Đó là những tác phẩm dù không dài lắm nhưng mang tính khái quát cao, với nhiều chủ đề, nhiều tuyến nhân vật. Đến 1833, ý định tập hợp những sáng tác đã viết thành một tác phẩm lớn đã được hình thành rõ nét hơn. Vào một buổi sáng, Bazac đã reo lên đắc thắng “Hãy chào tôi đi bởi tôi đang trở thành thiên tài”[26, 52] khi vụt nảy sinh dự án công trình đồ sộ này. Đồng thời, cũng năm này, Balzac phác họa nên Khảo luận phong tục thế kỷ XIX gồm ba phần:
Những cảnh đời tư; Những cảnh đời tỉnh lẻ, Những cảnh đời Paris. Sang
năm 1834, viết thư cho bà Hanska, Balzac báo tin rằng đề cương bộ Tổng tập
Balzac đã hình thành với các mục Khảo sát phong tục (theo bố cục năm 1833)
và Khảo luận triết học; Khảo luận phân tích. Tiếp theo, trong thư gửi bà
Hanska tháng 10 năm 1834, Balzac xác định phần Khảo luận phong tục sẽ trình bày các hiện tượng xã hội “không bỏ sót một hoàn cảnh nào, một gương mặt nào, một tính cách nào của đàn ông hay đàn bà, một lối sống nào, một giới xã hội nào…”[50, tr.8]. Hiện tượng thì phong phú muôn vẻ, bởi thế mà phần này bao gồm một số lượng tác phẩm rất lớn. Trên cơ sở đó, Khảo luận triết học lí giải nguyên nhân và cuối cùng, Khảo luận phân tích đề xuất nguyên lí. Cũng trong năm này, tác phẩm Lão Goriot, tác phẩm đầu tiên xuất hiện thủ pháp tái xuất hiện nhân vật – một thủ pháp quan trọng nối kết các tác phẩm thành một bộ tiểu thuyết chung nhất – được xuất bản.
Như vậy, đến cuối 1834, cấu trúc tổng quát đã được tạo dựng, hệ thống đã được xác lập, chỉ còn thiếu tiêu đề chung. Lúc đầu, Balzac định chọn tiêu
đề Khảo luận xã hội, nhưng cuối 1841, “cái tên tuyệt vời và sâu sắc” Tấn trò
đời (La Comédie humaine) được quyết định. Gợi ý cho Balzac là Thần khúc
(Comédie divine) của Dante, là thơ của Musset, của Vigny hay Balzac tự nghĩ ra, mỗi ý kiến đều có lý, nhưng vấn đề là cái tên này biểu hiện được rõ ý định thể hiện một thực thể đang hoạt động, đang diễn tiến.
Năm 1842, Balzac viết Lời nói đầu cho Tấn trò đời, một bản tuyên ngôn độc đáo biểu lộ nhiều quan điểm mỹ học, triết học, chính trị, đồng thời cho thấy những mâu thuẫn trong nhận thức và tư tưởng của nhà văn. Mở đầu bài viết này là sự trình bày xuất phát điểm của tác phẩm – lí luận về tiểu thuyết, ở đây dựa theo mô hình khoa học tư nhiên. Thuyết thống nhất cơ bản của Geoffroy Saint - Hilaire là cơ sở của kết cấu công trình: “Xã hội giống như Tự nhiên. Phải chăng xã hội cũng làm cho con người, hoạt động của họ, tạo nên bao nhiêu con người khác nhau cũng như bấy nhiêu loại trong động vật học?”[3, tr.33-34]. Nhưng Balzac không đồng nhất quy luật của xã hội với quy luật của tự nhiên: “Hiện tượng xã hội có những ngẫu nhiên mà Tự nhiên không thể có, bởi Hiện trạng xã hội là Tự nhiên cộng với Xã hội”[3, tr.35]. Tiếp theo, Balzac vạch ra nhiệm vụ cụ thể cho từng phần của quyển sách: Ở phần Khảo luận phong tục gồm Những cảnh đời tư trình bày tuổi thơ và thời niên thiếu, với những lỗi lầm thời đó; Những cảnh đời tỉnh lẻ trình bày độ tuổi của ham mê, toan tính, quyền lợi và tham vọng; Những cảnh đời Paris
đưa ra bức tranh về những thị hiếu, những thói hư và mọi điều cuồng loạn, phóng túng được kích động bởi phong tục riêng của các chốn kinh kỳ, nơi gặp gỡ của cái cực thiện và cái cực ác; Những cảnh đời chính trị thâu tóm những quyền lợi của nhiều người hay của tất cả mọi người, những cuộc đời có thể nói là ngoài quy luật thông thường; Những cảnh đời binh nghiệp trình bày những phong thái dữ dội nhất, khi nó cuốn ra ngoài phạm vi của nó để hoặc tự vệ
hoặc chinh phục, và Những cảnh đời thôn dã là buổi tối của ngày dài đằng đẵng ấy. Phần Khảo luận triết học trình bày những tàn phá tư tưởng, được miêu tả từ tình cảm này đến tình cảm khác. Khảo luận phân tích là phần cuối cùng mà nhà văn dự định sẽ viết Bệnh lý học đời sống xã hội, Giải phẩu học
giáo giới và Chuyên khảo đức hạnh. Cuối bài Lời nói đầu, ông tổng kết:
“Tác phẩm của tôi có địa lý của nó, cũng như có phả hệ và các gia hệ, các nơi chốn và các sự việc của nó; cũng như có các gia huy, người quý tộc và người thị dân, thợ thủ công và nông dân, nhà chính trị và công tử bột, quân đội, tóm lại là cả thế giới của nó”[3, tr.58-59].
Năm 1845, Balzac lập danh mục toàn bộ Tấn trò đời, bao gồm 137 tác phẩm, với những tựa đề cụ thể. Mặc dù cho đến 1847, Balzac chỉ mới viết được 97 tác phẩm, chưa thực hiện xong tham vọng hoàn thành bộ sách theo danh mục đã định, nhưng đã cũng là một con số khổng lồ. Tấn trò đời đồ sộ đến mức đã có người đặt ra vấn đề liệu có thực một Balzac hay không? Có nhà nghiên cứu đã tính ra rằng trung bình mỗi năm Balzac phải viết 2000 trang, liên tục như vậy suốt 18 năm. Đã có nhiều lí giải cho sức làm việc khủng khiếp đó nhưng xuất phát điểm sâu xa nhất là do ông sở hữu một sức sáng tạo và một khát vọng chinh phục mãnh liệt. Và dù mỗi tác phẩm là một đơn vị độc lập nhưng nếu nối kết lại thì nó thành một tòa lâu đài tráng lệ, thống nhất vì nó là bức tranh duy nhất trong một xã hội nhất định, cụ thể là nước Pháp từ 1816 đến 1848.