Trước hết phải khẳng định, theo quy luật của sự phát triển của nghệ thuật, một giai đoạn văn học luôn luôn tiếp thu, phát huy những thành tựu của các giai đoạn trong quá khứ. Và Balzac cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Trong Tấn trò đời, Balzac đã nhắc đến hơn 200 tác giả trước hoặc đương thời với ông, trong đó ông đặc biệt chú ý đến Molìere. Balzac đương thời cũng rất khâm phục Walter Scott và học tập nhiều ở tác giả này và có một phát biểu táo bạo, đầy cá tính: “Muốn bằng được Walter Scott, phải vượt ông”[50, tr.304]. Nói thế có nghĩa rằng trong lúc xây dựng các nhân vật của mình, Balzac cũng không muốn, hay là không thể thoát li hoàn toàn quá khứ. Tuy nhiên, với khả năng sáng tạo vô song lại thúc dục bởi một mong muốn làm sao “lớn hơn hết thảy mọi người” đã khiến Tấn trò đời chứa đựng những phát kiến độc đáo, góp phần tạo nên một bức tranh sinh động, phong phú cho đời sống văn học. Với những tác phẩm của mình, Balzac có những phát kiến rất đáng chú ý về vị trí, vai trò, chức năng của nhân vật tiểu thuyết.
Với việc cho nhân vật trở đi trở lại, Balzac đã phá vỡ những quan niệm truyền thống về những khái niệm như nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, nếu chúng ta xem Tấn trò đời là một tổng thể không tách rời. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, những nhân vật có khi được
gọi là phụ lại chính là nhân vật mang lại cho tác phẩm lớn kia một bề dày và một ý nghĩa sâu sắc.
Như ta đã biết, nhân vật chính, phụ, chính diện, phản diện, là những khái niệm mà lí luận văn học rút ra từ đối tượng nghiên cứu là các tác phẩm tự sự và kịch trong thế độc lập. Nhân vật chính là nhân vật then chốt của câu chuyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Nhân vật phụ thì ngược lại, đó là những nhân vật giữ vị trí thứ yếu so với nhân vật chính trong diễn biến của cốt truyện, trong quá trình triển khai đề tài, thể hiện tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Nhân vật chính diện là nhân vật thể hiện những giá trị tính thần, những phẩm chất đẹp đẽ, những hành vi cao cả của con người được nhà văn miêu tả, khẳng định, đề cao trong tác phẩm theo một quan điểm tư tưởng, một lí tưởng xã hội – thẩm mỹ nhất định. Nhân vật phản diện là là kiểu nhân vật mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lí và lí tưởng của con người, được nhà văn miêu tả trong tác phẩm với thái độ chế diễu, lên án, phủ định.
Những khái niệm trên đây gần như đã quá định hình lâu nay đến gần như là cứ hễ tiếp xúc với bất kỳ một tác phẩm tự sự nào thì điều đầu tiên mà chúng ta sẽ làm là đi khảo sát tác phẩm đó có bao nhiêu tác phẩm, trong đó nhân vật nào là chính, là phụ, nhân vật nào là chính diện, phản diện. Điều này là hoàn toàn hợp lí nếu như đối tượng mà ta lấy để khảo sát là từng tác phẩm riêng lẻ. Nhưng có những trường hợp thì thói quen tưởng như tất yếu đó trở nên vô cùng phức tạp, nan giải. Bởi lúc đó ta khó mà phân loại nhân vật được thành các loại như trên đây. Tình hình này ta sẽ bắt gặp khi tiếp xúc với Tấn trò đời.
Ở đây có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất: đọc Tấn trò đời ta thấy một hiện tượng rất phổ biến là nếu như ở tác phẩm này, nhân vật nào đó còn là một nhân vật chính thì sang tác phẩm khác anh ta đã biến thành nhân vật phụ, thậm chí chỉ được nhắc đến như một hơi gió nhẹ, và ngược lại, có nhân vật ở
trong tác phẩm này bị xếp vào một “xó” nào đó, chẳng có ấn tượng gì thì ở tác phẩm khác anh ta bổng nổi lên chiếm lĩnh câu chuyện. Tương tự như thế, có những nhân vật trong tác phẩm này còn mang những phẩm chất đẹp đẽ, những hành vi cao cả thì sang tác phẩm khác, anh ta đã là hiện thân cho những điều phi đạo đức, trái với đạo lý và lý tưởng của con người. Như vậy, ở trường hợp này chúng ta sẽ xét hai hiện tượng nhân vật: loại nhân vật dựa vào vị trí đối với nội dung cụ thể, với cốt truyện của tác phẩm – nhân vật chính và nhân vật phụ; loại nhân vật dựa vào đặc điểm của tính cách, việc truyền đạt lí tưởng của nhà văn – nhân vật chính diện và nhân vật phản diện.
Trong Tấn trò đời, số lượng nhân vật có vị trí khác nhau trong từng cốt truyện khác nhau là vô cùng nhiều: Eugéne de Rastignac, Gobseck, De Nucingen, Gaudissanrt, César Birotteau, Louis Lambert, nữ hầu tước D’Espard, nữ công tước De Langeais, nữ vương tước De Cadignan v.v…Mỗi nhân vật trong số này đều có lúc được tác giả cho chiếm lấy diễn đàn, phát biểu chủ đề tư tưởng của tác phẩm nhưng cũng không ít lần chỉ được tác giả cho đóng một vai trò rất khiêm tốn, thậm chí chẳng để lại ấn tượng gì đáng kể. Chúng ta thử đến với vài ví dụ là Gobseck và Nucingen.
Lão già Do Thái chuyên nghề cho vay nặng lãi Gobseck xuất hiện trong gần 10 tác phẩm của Tấn trò đời, và tên của lão cũng là tên của một tác phẩm:
Gobseck. Trong tác phẩm này, hình tượng nhân vật chính được xuất hiện rất
thường xuyên, giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối các nhân vật khác và cũng là nhân vật bộc lộ tư tưởng chủ đề của câu chuyện. Đó là câu chuyện về thói nô lệ cho đồng tiền, vì đồng tiền mà con người có thể làm mọi cách, với Gobseck đó là cho vay với lãi suất cắt cổ. Sang những tác phẩm khác, dù vẫn là hiện thân của thủ đoạn kiếm tiền này nhưng Goseck không hề là người đóng vai trò phát biểu chủ đề chính của câu chuyện mà nhường vai trò này cho nhân vật khác, như trong Lão Goriot, lão chỉ thoáng qua khi những nhân vật khác có nhu cầu vay nợ vì cần tiền để cho con hay để ăn chơi xa xỉ. Bởi chủ đề của
Lão Goriot là bi kịch về tình cha con và lối sống tôn thờ chủ nghĩa dục vọng tư sản.
Gã chủ nhà băng Nucingen mặc dù xuất hiện trong gần 20 tác phẩm nhưng chỉ là nhân vật chính trong Nhà ngân hàng Nucingen. Tác phẩm này chủ yếu kể về cuộc đời và những mánh khóe làm ăn của hắn ta còn ở những tác phẩm khác, dù vẫn hiện lên là một chủ ngân hàng đầy thế lực nhưng nhân vật này không còn được tác giả tập trung miêu tả cụ thể nữa.
Cũng qua những lần xuất hiện khác nhau như thế, có tính cách không còn hoàn toàn thuần nhất, Rastignac là một hình tượng điển hình cho hiện tượng này. Trong Lão Goriot, dù đã có biểu hiện của một anh chàng có tham vọng mãnh liệt và đang tìm cách để thỏa mãn tham vọng đó nhưng cơ bản anh ta vẫn còn giữa được những đức tính tốt đẹp của một con nhà có giáo dục, đặc biệt là anh ta đã có những hành vi ứng xử rất cao cả với người cha tội nghiệp Goriot. Nhưng sang những lần xuất hiện khác như trong Miếng da lừa, Luật
đình chỉ, Nhà ngân hàng Nucingen v.v…thì anh ta đã biến thành một kẻ
khác: cơ hội, lọc lõi và đầy xảo quyệt. Vì vậy khó mà xếp nhân vật này vào loại tính cách nào nếu như xét trong tổng thể Tấn trò đời.
Ở trường hợp thứ hai, trong Tấn trò đời, chúng ta bắt gặp nhiều nhân vật xét về tần số xuất hiện hay vị trí trong tác phẩm thì chưa bao giờ là “nhân vật then chốt của câu chuyện” nhưng lại thể hiện một chức năng quan trọng. Horace Bianchon, Vautrin và Michel Chrestien là những ví dụ tiêu biểu.
Dù xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm nhưng Bianchon không hề là nhân vật chính của bất kỳ một tác phẩm nào, tất cả đều là nhân vật phụ, thậm chí chỉ được nhắc đến sơ sài như trong Một gia đình kép, Cô gái xua cá v.v… Thế nhưng người đọc khó có thể quên được hình ảnh của nhân vật này từ lúc còn là một sinh viên trường y và sau là một thầy thuốc danh tiếng. Nhân vật này là một nhân tố quan trọng thể hiện lý tưởng nhân văn cao đẹp mà tác giả hướng đến: nhân ái với mọi người, kiên quyết đứng về cái đẹp, cái tiến bộ.
Đây cũng là một hiện tượng trong số ít nhân vật có thể đứng ngoài mọi cám dỗ của thời buổi đầy rẫy cám dỗ của đồng tiền và dục vọng.
Vautrin xuất hiện vời tần số ít hơn Bianchon và cũng chưa bao giờ được tác giả khoác lên bộ quần áo của nhân vật chính. Vậy mà, cũng như vị thầy thuốc khả kính kia, tên đồ tể này đã để lại một ấn tượng đặc biệt sâu đậm. Thậm chí hắn là hiện thân cho một triết lí sống trong thời đại Balzac : sống tức là chiến đấu, để tiêu diệt lẫn nhau, là tìm mọi cách để trở thành đao phủ chứ không thì sẽ là nạn nhân. Dù thay hình đổi dạng, ẩn nấp dưới nhiều cái tên khác nhau thì ở bất cứ tác phẩm nào, hễ Vautrin xuất hiện thì bộ mặt đời sống xã hội được phản ánh mới thật sinh động và chân thật.
Một nhân vật phụ khác là căn cứ đặc biệt quan trọng để tìm hiểu tư tưởng chính trị của tác giả là Michel Chrestien. Là một trong số những nhân vật được tái hiện ít nhất, lại hầu như không mang một chân dung cụ thể nào, mà lại cứ “lởn vởn” đâu đó trong từng tác phẩm, nhưng nhân số lượng ngôn từ mà giới nghiên cứu viết về nhân vật này còn nhiều hơn dung lượng mà tác giả dành cho anh. Nhân vật này được xem là “một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của chủ nghĩa hiện thực và một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Balzac ”[50, tr.344], thể hiện sự khát khao vươn tới một sự hoàn thiện trong quan hệ đạo đức và xã hội, trong quan hệ ứng xử thẩm mỹ. Do đó, Chrestien dù không là một nhân vật đầy đặn của bất kỳ tác phẩm nào nhưng vẫn là nhân vật đọng lại trong tâm trí người đọc đẹp nhất, lý tưởng nhất, là đại diện đẹp nhất của tầng lớp trí thức cách mạng, trở thành một biểu tượng của con người trong kỷ nguyên mới.
KẾT LUẬN
Honoré de Balzac là một tác giả thiên tài với một thực tế sáng tạo khổng lồ. Sự nghiệp sáng tác do ông thiết lập nên chứa đựng những giá trị nội dung và nghệ thuật vô cùng phong phú. Đi tìm hiểu thấu đáo những thành tựu nghệ thuật chứa đựng trong bộ “hài kịch của nhân gian” là một việc làm có ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc, mang tầm cỡ to lớn, tuy nhiên là một công việc không hề đơn giản. Trong công trình khiêm tốn này, chúng tôi chỉ mạnh dạn đưa ra một cái nhìn tương đối cụ thể đối với một đối tượng không hẳn là mới trong sáng tác của Balzac, tuy nhiên vẫn có những đóng góp nhất định.
Tấn trò đời là một cuốn “lịch sử phong tục” theo cách nói của chính
Balzac nhưng cũng là thành quả của một quá trình lao động sáng tạo mãnh liệt, liên tục trong gần hai mươi năm của tác giả. Với bộ “siêu tiểu thuyết” này, Balzac thể hiện một tài năng phản ánh và sáng tạo vô cùng tuyệt vời trên rất nhiều cấp độ, phương diện từ chủ đề, kết cấu, ngôn từ v.v… đến thế giới nhân vật. Trong đó việc cho nhân vật trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm là một sáng tạo đặt biệt độc đáo, được nhà văn dụng công xây dựng trong suốt cả sự nghiệp viết văn của mình. Thủ pháp này đem lại cho Tấn trò đời những giá trị nổi bật, không trộn lẫn với bất kỳ một tác phẩm nào, một sự nghiệp sáng tác nào từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây.
Nhân vật tái xuất hiện là một kiểu nhân vật văn học mà biểu hiện của nó là sự xuất hiện qua nhiều tác phẩm khác nhau của cùng một nhân vật. Sự xuất hiện liên hoàn như vậy có tác dụng vô cùng to lớn trong việc thiết lập một Tấn trò đời toàn vẹn mà các tác phẩm liên kết chặt chẽ với nhau như các hồi của một vở kịch trường thiên. Nó cũng giúp cho nhà văn có thể xoay trở nhân vật ở nhiều góc độ khác nhau mà cảm nhận, mà miêu tả. Nó tái hiện được cái dòng chảy vô cùng, vô tận của cuộc đời. Vì thế mà nhân vật sẽ gần với con người thực hơn, xã hội được miêu tả cũng vì thế mà gần gũi với đời sống thực hơn.
Thủ pháp tái xuất hiện nhân vật không những có giá trị tự thân đối với
Tấn trò đời, nó còn góp phần làm cho đời sống văn học bấy lâu nay vốn đã vô
cùng sinh động lại càng sinh động hơn. Lần đầu tiên, Balzac trình làng một thủ pháp nghệ thuật độc đáo và ngay lập tức gây sự chú ý của hầu như mọi ai quan tâm đến nhà văn này, dù thành ý hay ác ý. Chính kiểu nhân vật này đã làm cho tác phẩm của Balzac trở nên có chiều sâu hơn trong việc tái hiện hiện thực, tức là nó củng cố hơn cho cái phương pháp sáng tác của tác giả: phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa. Mặt khác, sáng tạo độc đáo này cũng làm thay đổi những quan niệm lâu nay về một số vấn đề lí luận thuộc cái gọi là nhân vật văn học.
Nếu như thế giới nhân vật của Balzac có những loại nào thì thế giới nhân vật tái xuất hiện cũng có bấy nhiêu loại như thế. Điều này giải thích vì sao mà chúng ta có thể hoàn toàn tiếp cận được mọi đặc điểm của nhân vật Balzac thông qua việc nghiên cứu kiểu nhân vật này. Những nhân vật thành công nhất, có ấn tượng nhất mà nhà văn để lại cũng chính là những nhân vật tái hiện.
Kiểu nhân vật tái xuất hiện có vai trò đặc biệt quan trong trong Tấn trò
đời, thể hiện quan niệm của nhả văn đối với thực tại, giúp nhà văn thể hiện những quan sát, suy ngẫm trước thực tế cuộc sống lúc bấy giờ nói riêng và trong mọi thời đại nói chung. Hiệu quả của loại nhân vật này là điều chắc chắn không cần bàn cãi nếu ta đặt vấn đề: giả sử không có các nhân vật này thì Tấn trò đời liệu có còn nguyên vẹn và đạt đến độ sâu sắc thế không? Thế giới nhân vật của đời sống văn học liệu có sinh động như hôm nay không? Người đọc, đặc biệt, cũng sẽ thấy giá trị vô cùng to lớn của nhân vật tái xuất hiện nếu như so sánh với kiểu nhân vật chỉ xuất hiện một lần.
Balzac đã vượt qua bao trở ngại và được được ca tụng bấy lâu nay là nhờ tính khuynh hương trong trong sáng tác của ông, nó “biểu hiện không những ở những quan điểm và thái độ nhìn nhận đúng đắn các hiện tương được
miêu tả, mà còn ở sự nhận thức được chiều sâu của các hiện tượng ấy, miêu tả được sự vận động và xu thế phát triển tất yếu của cuộc sống”[29, tr.237]. Những nhân vật tái xuất hiện đã hỗ trợ tích cực để Balzac có thể làm nên được điều này.
Bước đầu nghiên cứu kiểu nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Honoré de Balzac, mà cụ thể là qua một số tác phẩm tiêu biểu trong bộ Tấn trò
đời của ông, chúng tôi vẫn chưa có điều kiện nghiên cứu thật sâu nên chỉ mới dừng lại ở một số vấn đề như trên, có chỗ còn khá sơ lược, như ở phần nghiên cứu hiệu quả nghệ thuật của thủ pháp. Cũng do nhiều hạn chế cả khách quan và chủ quan như thời gian nghiên cứu có hạn, trình độ ngoại ngữ, khả năng