Xây dựng những cuộc đời chân thật.

Một phần của tài liệu Nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Honore de balzac (Trang 116 - 119)

Dù Balzac tự nhận mình là “một người thư kí của thời đại” nhưng rõ ràng tất cả chúng ta đểu thừa nhận tác phẩm của ông không thể là những tài liệu sao chụp một cách máy móc những gì xảy ra trong đời sống hiện thực của nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX. Bởi tác giả đã sử dụng một loại hình nghệ thuật để thực thi cái nhiệm vụ phản ánh đó: tiểu thuyết, tức là cái phần sáng tạo của chủ thể phản ánh là phần rất chủ yếu. Trong Kic tác chưa được biết

đến, tác giả viết: “Sứ mệnh của nghệ thuật không phải là sao chép tự nhiên mà

là biểu hiện nó (…). Chúng ta phải nắm lấy tinh thần, linh hồn, diện mạo của mọi sự, mọi vật…”[19, tr.13]. Ông khẳng định: “Chân lý văn học là ở chỗ lựa chọn các sự kiện và tính cách, nâng chúng lên một quan điểm từ đó mỗi người nhìn vào đều tin chúng là sự thật, vì mỗi người đều có cái thật riêng, và mỗi người đều phải nhận ra màu sắc của mình trong màu sắc chung của cái điển hình do nhà tiểu thuyết trình bày”[19, tr.13]. Song, dù coi “tiểu thuyết là lời nói dối trang nghiêm” thì nhà sáng tạo vẫn đề cao “tính chân thật trong chi tiết”. Vì vậy, tác giả đã cố gắng vận dụng nhiều phương cách khác nhau để làm sao vẽ ra những nhân vật gần với con người trong cuộc sống thực.

Balzac sáng tác trong một bối cảnh xã hội đầy biến động với những cuộc biến thiên thay bậc đổi ngôi liên tục và đến chóng mặt kéo theo sự ngả nghiêng của biết bao số phận trong cái xã hội ấy. Hôm nay anh ta còn là một anh chàng tỉnh lẻ ngơ ngác trước chốn thị thành thì hôm sau anh ta đã có thể là một công tử hào hoa, sành sỏi đủ ngón nghề ăn chơi. Hôm nay anh còn là một ngài quý tộc đầy quyền uy thì ngày mai anh ta trở thành một thứ đồ cổ. Nhân vật tái xuất hiện đã tái hiện được cái thực tế đó. Trong các tác phẩm của Balzac, ta bắt gặp những Rastignac, Lucien Chardon, Chaler Grandet v.v… đã biến từ những chàng trai trẻ có khát vọng đẹp đẽ, có những triết lý sống rất đáng ngợi ca thì qua va chạm với cuộc sống đầy vị kỷ đã biến đổi hoàn toàn, thành những hình tượng điển hình cho thời đại kim tiền lúc bấy giờ. Ta cũng bắt gặp một loạt những kẻ thuộc tầng lớp quý tộc một thời oanh liệt như hầu tước D’Espard, bá tước De Fontain, nữ vương tước De Cadignan, nữ tử tước De Beauséant v.v…chẳng mấy chốc bị phế bỏ để nhường chỗ cho những kẻ tư sản mới phất như De Marsay, Maxim de Trailles, Ajuda – Pinto v.v…

Trong cái rừng nhân vật của mình, Balzac tập trung khắc họa công phu những nhân vật được xem là đại biểu của thời đại, đó là những ông, bà bá tước, hầu tước, tử tước v.v… chỉ còn cái danh hão để lòe thiên hạ và những kẻ

cơ hội mới phất trong buổi bình minh của chủ nghĩa tư bản. Ta dễ dàng liệt kê ra vô vàn các tên tuổi như vậy xuất hiện không chỉ một lần duy nhất.

Đầu thế kỷ XIX, mặc dù chưa thật là một nước tư bản hiện đại nhưng đời sống xã hội Pháp đã khá phát triển, việc thông thương giữa các vùng, miền với nhau, đặc biệt là thông thương giữa Paris với các vùng lân cận là khá nhộn nhịp. Con người có thể đi lại nhộn nhịp giữa các địa điểm đó rất nhanh chóng. Cho nên trong sáng tác của Balzac, dù là miêu tả một con người cụ thể nhưng qua mỗi lần xuất hiện khác nhau lại ở những không gian khác nhau, điều này là hoàn toàn thực tế. Tuy nhiên, Paris là trung tâm của mọi cái tốt cũng như cái xấu, nó như cái cối xay khổng lồ sẽ ngấu nghiến tất cả mọi cá thể “lảng vảng” xung quanh. Nên hầu như tuyệt đại đa số nhân vật tái hiện đều có mặt ở Paris. Chính đây là môi trường để thử thách bản lĩnh của mỗi người, để chứng minh rằng anh ta là đao phủ hay nạn nhân. Vì vậy mà đọc Tn trò đời, ta sẽ thấy nhân vật lúc thì ở miền Nam, khi thì lên miền Bắc, hay về cái tỉnh lẻ Angoulême hẻo lánh, rồi lại vượt biên giới sang cả Châu Phi, Trung Hoa, Ấn Độ v.v…nhưng vẫn hoạt động chủ yếu ở Pari.

Qua những lần xuất hiện như thế, do sự cọ xát với cuộc sống, ta thấy một quá trình biến đổi nhân cách của các nhân vật, điều này trở thành một quy luật và thể hiện tính chân thực trong ngòi bút của Balzac. Bởi nếu như tính cách của những Rastignac, Lucien Chardon, Chaler Grandet v.v… không biến đổi thì rõ ràng tác giả đã quá “lãng mạn” khi không để cho hoàn cảnh chi phối sự vận động của tính cách theo quan niệm của chủ nghĩa hiện thực. Điều này giải thích vì sao khi miêu tả những nhân vật thuần tính cách chính diện như Bianchon, Michel Chrestien thì ngòi bút của Balzac trở nên xa hiện thực như thế.

Nói tóm lại, chính nhờ thủ pháp cho nhân vật trở đi trở lại qua những tác phẩm khác nhau, và qua mỗi lần như vậy, đa số nhân vật sẽ biến đổi tính cách và vị thế xã hội, hoặc là lụi tàn dần hoặc là càng ngày càng tiến lên chinh phục

xã hội theo cái suy vong của nhân cách, các nhân vật lại càng sống, càng thực, và vì thế mặc dù là sản phẩm nghệ thuật thì ta vẫn có cảm giác như đang đối diện với những con người có thực ngoài đời.

Một phần của tài liệu Nhân vật tái xuất hiện trong tác phẩm của Honore de balzac (Trang 116 - 119)