Qua nhiều lần xuất hiện khác nhau, các nhân vật được đặt trong rất nhiều các mối quan hệ phức tạp. Nói cách khác, cứ mỗi lần xuất hiện, nhân vật của Balzac lại được miêu tả trong rất nhiều những quan hệ mới bởi môi trường sống của anh ta đã thay đổi, địa vị xã hội của anh ta cũng đã thay đổi. Rastignac trong Lão Goriot chưa thể có những mối quan hệ “trong cuộc” với giới tư sản thượng lưu như trong Nhà ngân hàng Nucingen, quan hệ cũa gã chủ nhà băng Nucingen trong Nhà ngân hàng Nucingen lại khác nhiều so với
Vinh và nhục của kỹ nữ v.v… Như vậy nếu theo dõi kỹ một nhân vật nào đó
trong nhiếu tác phẩm ta sẽ hình dung đến một vật thể đa diện, được soi chiếu từ nhiều góc độ khác nhau. Có thể ở góc độ này ta thấy nhân vật đang ở thời kỳ “hưng thịnh”, nhưng rồi ở góc độ khác, ta thấy “sự suy đồi của họ ngày mai”. Có thể ở một mặt nào đó là một gã tư sản cơ hội, xảo quyệt như Nucingen trong rất nhiều tác phẩm thì ở mặt kia, trong Vinh và nhục của kỹ
nữ, ông ta lại là một kẻ si tình khờ khạo, hay như nhân vật Daniel D’Ather, trong Ảo tưởng tiêu tan là một nghệ sĩ thiên tài, say mê lí tưởng cao đẹp thì sang Bí mật nữ vương tước De Cadignan lại như một con nai tơ trong trò chơi ái tình của một mệnh phụ phu nhân.
Ta có thể hình dung Tấn trò đời như một ngôi nhà gồm rất nhiều căn phòng liên thông với nhau, nhân vật có thể bước từ phòng này sang phòng kia. Cho nên khi điểm danh anh ta, chúng ta không thể chỉ căn cứ vào một căn phòng cụ thể nào. Và trong mỗi căn phòng, anh ta sẽ gặp những con người khác nhau, những quan hệ khác nhau, có cuộc sống khác nhau… và vì thế tính cách, diện mạo anh ta cũng khác đi.
Nhà nghiên cứu người Pháp André Wurmser cho rằng nhân vật tái xuất hiện đã khiến Tấn trò đời không chỉ giống một bức hoạ, mà gần với công trình
diêu khắc, có ba chiều không gian như thế giới thực. Còn Rose Torraissier thì viết trong Tiểu thuyết Pháp thế kỷ XIX rằng: “có thể theo dõi một nhân vật được chú ý nào đó từ tiểu thuyết này sang tiểu thuyết khác v.v…(…). Cũng một nhân vật, ở đây chúng ta có môi trường sống của y, đằng kia các bước khởi đầu, đằng kia nữa kết cục cuộc đời y, ở đó, các câu chuyện, các tâm sự, các cuộc đời thực, các điều phát hiện, các bài báo “về truyện người chết”, tất cả rất lâu về sau mới tạo thành lý lịch của những người mà chúng ta tưởng đã thân thuộc. Và trong Tấn trò đời như trong đời thực (…). Balzac đề nghị chúng ta xoay quanh nhân vật, đồng thời thay đổi điểm nhìn một cách hiện đại…”[54, tr.58-59].
Do vậy, tiếp cận một nhân vật được tái hiện nào đó trong Tấn trò đời, ta phải xoay quanh nhân vật đó mà quan sát, mà suy ngẫm, tức phải tìm hiểu anh ta trong nhiều tác phẩm khác nhau. Ví dụ như với nhân vật Valentin de Raphael trong hai tác phẩm Miếng da lừa và Người tuẫn nạn không ai biết tới. Nếu như ở Miếng da lừa lần xuất bản thứ nhất năm 1836, viết về thời điểm 1830 – 1831 miêu tả quá trình bán linh hồn cho quỷ sứ của Raphel để đạt cuộc sống giàu sang thì ở Người tuẫn nạn không ai biết tới xuất bản năm 1842 lại viết về anh ta vào thời điểm “tháng mười hai 1827”. Ở tác phẩm sau, ta được biết về một Raphel “sống ở đường Cordiers, tại tầng năm. Mặc quần vải Trung hoa từ sau lễ Pâques tới mùa Noel; mùa đông bận quần bằng vải calicot, cà vạt màu đen, giầy vải có giây buộc, mũ bị bợt tại quán bà Gérard với hai mươi mốt xu một bữa tối, bàn ăn trong tầng hầm với lối xuống bằng hai bậc thang. Hai mươi ba tuổi. Mặt hằn dấu ấn mệt mỏi, tóc đen, mắt chim ưng, dáng mảnh khảnh và yếu ớt. Thiếu đủ mọi loại hiểu biết, nên ngốn ngấu tất cả mà chẳng tiêu hóa được gì, khâm phục Phantasma là người biết đủ thứ, rất tôn kính Physidor là người đang suy tư về một hệ thống trừu tượng nào đó (…), không dùng thức gì, và không muốn nhập vào bàn tròn các nhà triết học. Không dám ngẩng mặt nhìn các tượng thánh trên bệ thờ. Sáu trăm Frăng mỗi
năm trong một thời điểm, là triệu phú trong tương lai. Cả tin, dễ bị lừa, trở nên liều lĩnh với những điều giả tạo khác. Khờ khạo và sáng ý, bị đánh qụy trên đấu trường và thắng lợi trong chờ đợi”[19, tr.135]. Bức chân dung này được đưa ra sau khi Miếng da lừa xuất hiện sáu năm nhưng lại viết về thời gian trước thời gian trong tác phẩm đó đến bốn năm. Đoạn văn này giúp người đọc hình dung thêm một quãng đường bổ sung cho bản lí lịch tự thuật mà nhân vật đã gần như độc thoại trong Miếng da lừa. Đó là một Raphael chưa thành đạt, ham hiểu biết. Trong đoạn trích trên, Balzac cũng dự đoán về một Raphael “triệu phú trong tương lai” và để hiện thực hoá cái dự đoán đó, Balzac đã tìm một giải pháp cụ thể là cái “Miếng da lừa”. Và như vậy, Miếng da lừa chíng là phương tiện nối ghép các mảnh đời của Raphael lại, để đưa đến một nét ngữ nghĩa mới, tròn trặn và hoàn thiện hơn. Vì thế, mỗi một lần xuất hiện của nhân vật trong Tấn trò đời có thể xem như một mảnh vỡ, một góc độ thể hiện, một lát cắt trong cuộc đời của anh ta.