Nhóm giải pháp về quản lý thuế, hành chính thuế

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả công tác thu thuế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 131 - 134)

a) Nhà nước cần khẩn trương xây dựng luật quản lý thuế.

Các văn bản pháp luật về thuế hiện hành quy định bao gồm cả nội dung về chính sách thuế và nội dung về quản lý thu thuế. Sự vận hành, phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, sự đa dạng, phức tạp của các hiện tượng kinh tế - xã hội, sự phong phú và biến đổi liên tục của các nguồn thu nhập, v.v... đòi hỏi Nhà nước muốn huy động mọi nguồn lực to lớn vào Ngân sách quốc gia bằng biện pháp thuế thì cần phải ban hành công cụ có tính pháp lý cao, đó là luật quản lý thuế.

Luật quản lý thuế bao gồm nhiều quy định, trong đó phải có các quy định cụ thể về đăng ký thuế, kê khai, tính thuế, nộp thuế, miễn, giảm thuế, xóa nợ thuế, kiểm tra, thanh tra, điều tra vi phạm pháp luật về thuế, thông tin về người nộp thuế, cưỡng chế thuế,... Các quy định chung về mục đích và yêu cầu về quản lý thuế, phạm vi điều chỉnh của luật, đối tượng áp dụng, quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế, của các cơ quan nhà nước có liên quan, các quy định về hợp tác quốc tế trong quản lý thuế, quy định về xử phạt, khen thưởng,...

b) Nhà nước sớm ban hành, hoàn thiện các chính sách qui định thanh toán qua hệ thống Ngân hàng, tín dụng và Kho bạc nhà nước không dùng tiền mặt:

Căn cứ để tính thuế là doanh thu, thu nhập phát sinh trong các hoạt động của quá trình sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, trong điều kiện nước ta hiện nay, việc thanh toán các hoạt động mua bán giữa các tổ chức kinh doanh, chi trả các nguồn thu nhập như: tiền lương, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội… của các tổ chức xã hội, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị thụ hưởng ngân sách…phần lớn đều bằng tiền mặt. Nhà nước không thể kiểm soát các luồng tiền này dẫn đến khó khăn trong việc xác định các căn cứ để tính thuế, tạo ra sự mất bình đẳng trong nghĩa vụ nộp thuế, hiệu quả quản lý không cao, đồng thời nạn tham nhũng cũng đang gây nhức nhối trong đời sống xã hội là một hệ quả của việc thanh toán không qua hệ thống ngân hàng.

Xuất phát từ thực trạng này, chúng tôi mạnh dạn đề nghị Nhà nước sớm ban hành các chính sách qui định bắt buột các tổ chức kinh tế, các đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các cá nhân khi tham gia quá trình mua bán hàng hoá, dịch vụ, thanh toán chi trả các nguồn thu nhập đều phải thanh toán qua hệ thống ngân hàng.

Trước mắt, tổ chức tốt việc thực hiện Thông tư 33/2006/TT-BTC ngày 17 tháng 4 năm của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý thu, chi qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và các qui định quản lý tiền tệ khác của Nhà nước, trên cơ sở đó sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để xây dựng thành hệ thống chính sách quản lý tiền tệ, trong đó qui định bắt buột khi phát sinh quan hệ thanh toán các đơn vị phải thanh toán qua hệ thống ngân hàng, tín dụng và Kho bạc nhà nước. Đây là một giải pháp hết sức quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý thu thuế, thông qua giải pháp này cơ quan thuế có

đầy đủ tất cả các thông tin về hoạt động kinh tế phát sinh, nắm bắt được tất cả các luồng tiền, từ đó xác định chính xác được các căn cứ tính thuế, hạn chế thất thu, tạo công bằng trong nghĩa vụ nộp ngân sách của các đối tượng nộp thuế.

c) Giải pháp về công tác kế hoạch hoá.

- Cần thiết phải đổi mới công tác kế hoạch từ khâu lập, giao chỉ tiêu cho đến việc kiểm tra thực hiện kế hoạch của Nhà nước. Cách làm hiện nay mang nặng tính mệnh lệnh, quan liêu đã và đang tồn tại nhiều năm trong cách quản lý và điều hành của cơ quan Nhà nước cấp trên đối với cấp dưới. Tình trạng cấp dưới khi lập kế hoạch phải che dấu cấp trên để có nguồn thu dự phòng diễn ra khá phổ biến. Thậm chí cơ quan Thuế cũng có thể lạm thu để hoàn thành kế hoạch trên giao. Chính cơ chế này dẫn đến hậu quả cơ quan Thuế cũng vi phạm pháp luật về thuế cho nên cần có sự đổi mới.

Hướng dẫn đổi mới công tác kế hoạch hoá như sau:

Kế hoạch chỉ là chỉ tiêu mang tính định hướng, cơ quan cấp trên giao kế hoạch thu phải căn cứ vào các quy định của Nhà nước, các chỉ tiêu, yêu cầu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chi Ngân sách để giao chỉ tiêu kế hoạch cho cấp dưới thực hiện. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của Nhà nước giao và thực thi đúng luật thì cấp trên phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cấp dưới bằng một cơ chế, bộ máy mang tính chuyên nghiệp và độc lập nhất định. Thực ra đây là một vấn đề rất lớn đòi hỏi phải thay đổi ngay từ cơ quan quyền lực cao nhất đó là Quốc hộ. Quốc hội, Hội đồng nhân dân địa phương cần có các bộ phận giám sát của mình. Làm như vậy thì mới tạo được tiền đề vững chắc cho việc đổi mới công tác kế hoạch hoá.

4.3. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP

4.3.1. Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Hội đồng nhân dân và UBND địa phương; có quy chế phối hợp giữa các ngành

Để làm được điều này thì mỗi cán bộ công chức ngành thuế cần tiếp xúc với các đại biểu HĐND địa phương nơi mình công tác, học tập; Bằng sự hiểu biết của mình trong lĩnh vực thuế để gặp gỡ đề đạt nguyên vọng cử tri về vấn đề tồn tại của chính sách thuế, cơ chế quản lý thu thuế hiện hành và cần thiết phải có sự thay đổi như thế nào cho phù hợp với thực tiễn kinh tế của đất nước. Quả thực đây là công việc khó khăn chưa có trong tiền lệ. Do vậy, không phải mọi công chức ngành thuế đều có khả năng làm được, mà cần thiết phải có chủ trương từ Bộ Tài chính, Tổng cục thuế. Từ đó các Cục thuế địa phương phải có kế hoạch cụ thể phân công người có năng lực, có hiểu biết chuyên sâu trong lĩnh vực để thực hiện được mục tiêu đề ra đảm bảo có chất lượng.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả công tác thu thuế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 131 - 134)