đội ngũ nhà giáo thực hiện và nâng cao vai trò của mình
C.Mác từng nói: Muốn giáo dục con người thì phải tạo ra một môi trường xã hội đầy tính người. Những con người được hình thành trong xã hội với tư cách là sản phẩm của xã hội sẽ chịu những ảnh hưởng và mang dấu ấn của xã hội ấy. Do đó, trong các trường THPT tỉnh Thái Bình phải tạo được môi trường xã hội thuận lợi để tiến hành công tác giáo dục, làm cơ sở cho đội ngũ nhà giáo thực hiện vai trò của mình. Môi trường xã hội đó là:
Phát huy dân chủ trong trường học:
Sự nghiệp vĩ đại và lâu dài mà cả dân tộc ta đang thực hiện đó chính là đổi mới toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là quá trình giải phóng sức sản xuất, giải phóng mọi năng lực xã hội để tạo ra sự tăng trưởng về kinh tế, đồng thời giải phóng tinh thần, ý thức xã hội, thực hiện tự do tư tưởng bằng cuộc vận động dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có dân chủ hóa giáo dục và dân chủ hóa trường học.
Để phát huy dân chủ thì:
Ban lãnh đạo nhà trường phải biết lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của tập thể nhà giáo, tiếp thu và điều chỉnh hợp lý những đóng góp, nhận xét và kiến nghị của nhà giáo, coi nhà giáo là nhân vật có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục trong nhà trường, là đối tượng cần có sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng; thầy cô giáo không áp đặt suy nghĩ
của mình đối với học sinh, khuyến khích học sinh tự do tư tưởng, tìm tòi, sáng tạo và tiếp thu chân lý; học sinh kính trọng, lễ phép, biết ơn và yêu quý thầy cô giáo của mình. Phải đảm bảo tính công bằng, công khai trong nhận xét, đánh giá nhà giáo, đánh giá học sinh, trong kiểm tra, thi cử, thi đua, trong thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy chế, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và học sinh.
Mọi thành viên trong trường phải có ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, giữ gìn của công, làm sạch đẹp môi trường, coi công việc của trường là công việc của mình, coi trường học thực sự là tổ ấm mà mình gắn bó.
Bầu không khí thực sự dân chủ trong nhà trường phải là cơ sở để các nhân tố, trong đó có đội ngũ nhà giáo phát huy hiệu quả vai trò của mình.
Đưa công tác xã hội hóa giáo dục vào chiều sâu.
Huy động toàn dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng đã trở thành một nguyên lý của cách mạng Việt nam là tư tưởng xuyên suốt các thời kỳ đấu tranh cách mạng cũng như phong trào thi đua xây dựng, và bảo vệ đất nước. Ngày nay, sự nghiệp chấn hưng giáo dục là nhiệm vụ của nhà nước, của nhân dân và toàn xã hội. Xã hội hóa giáo dục sẽ góp phần tạo ra một môi trường giáo dục rộng rãi, tác động giáo dục đúng hướng và thống nhất được mục tiêu giáo dục, điều này thực sự đem lại rất nhiều thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo thực hiện vai trò của mình. Bởi lẽ, công tác xã hội hóa giáo dục ngoài việc đem lại sự đầu tư về kinh phí cho các hoạt động dạy và học trong nhà trường nó còn lôi cuốn được sự tham gia tích cực, sự giúp đỡ nhiệt tình, cộng đồng trách nhiệm của chính quyền các cấp, của cha mẹ học sinh, của các lực lượng xã hội khác tạo thành một liên kết chặt chẽ giữa các lực lượng đó cùng với đội ngũ nhà giáo làm tốt nhiệm vụ trồng người và từ đó tất cả mọi người đều được hưởng thành quả của giáo dục.
ở các trường THPT tỉnh Thái Bình, để đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục cần tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà trường với chính quyền địa phương, với cha mẹ học sinh và các tổ chức, đoàn thể ngoài nhà trường. Hàng năm, ngoài việc tổ chức các buổi họp phụ huynh học sinh, các trường nên tổ chức họp mặt với lãnh đạo chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn trường đóng, một mặt báo cáo tình hình của nhà trường trên các vấn đề: quy hoạch và nhu cầu phát triển, tình hình học tập và rèn luyện của học sinh, chất lượng các hoạt động học tập và giáo dục...mặt khác đưa ra
những vấn đề cần có sự phối kết hợp, giúp đỡ, đầu tư của các cấp, các ngành, các đơn vị kinh tế, các tổ chức đoàn thể.
Xây dựng mối quan hệ kết nghĩa với các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế, các nhà hảo tâm để thu hút các nguồn đầu tư cho việc xây dựng nhà trường.
Tăng cường các hoạt động nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội, không cho chúng xâm hại vào trường học.
Hiện nay, sự gia tăng các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục của nhà trường và tác động xấu tới tư tưởng, ý thức, tình cảm, đạo đức, hành vi và lối sống của học sinh. Tệ nạn xã hội thực sự là nỗi lo lắng cho các cấp, các ngành, các bậc cha mẹ học sinh, là sự cản trở rất lớn cho quá trình thực hiện vai trò của đội ngũ nhà giáo. Nhà trường không phải là một ốc đảo biệt lập, các thầy cô giáo không thể tự đóng cửa để cách ly công việc của mình với các hoạt động ngoài xã hội. Chỉ có thể ngăn chặn các tệ nạn xã hội bằng hành lang pháp lý an toàn, bằng sự hợp lực của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường và khả năng tự vệ của học sinh.
Các cơ quan chức năng trong tỉnh cần tăng cường các hoạt động và biện pháp đủ mạnh để truy quét các tệ nạn xã hội như: kịp thời phát hiện, triệt phá các tổ chức, các hang ổ buôn bán ma túy, các tụ điểm mại dâm; thanh toán các cơ sở in thu băng đĩa, sách báo, tranh ảnh lậu có nội dung đồi trụy; kiểm soát chặt chẽ các nhà hàng, vũ trường, các quán Karaoke, quán Internet; đẩy mạnh trong toàn tỉnh phong trào đấu tranh chống tham nhũng, hối lộ, lãng phí và đặc biệt nghiêm trị những tiêu cực trong ngành giáo dục.
Các trường THPT cần tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống, các sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh như: thi 7 sắc cầu vồng, đường lên đỉnh Olimpia, làng vui chơi làng ca hát...
Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa; xây dựng nếp sống, lối sống làm việc theo pháp luật, tuyên truyền, nêu gương những cá nhân, những tập thể có hành vi, thói quen xử sự có văn hóa như kính trọng người già, tôn trọng phụ nữ, hiếu thảo, thủy chung.
Có biện pháp tối ưu để giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là những thanh niên đã tốt nghiệp THPT có tay nghề hoặc có trình độ đại học, cao đẳng nhằm tạo động lực để học sinh phấn đấu học tập, tạo cơ hội, điều kiện cho nguồn nhân lực trẻ được góp sức mình xây dựng quê hương.