ở các trường trung học phổ thông đòi hỏi mỗi nhà giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo
Trong nhà trường, lực lượng trực tiếp thực hiện quan điểm giáo dục của Đảng, lực lượng quyết định phương hướng của việc giảng dạy, lực lượng cốt cán trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ chính là đội ngũ nhà giáo. Trí tuệ, thể lực, đạo đức, nhân cách của học sinh không chỉ phụ thuộc vào chương trình và nội dung sách giáo khoa mà còn phụ thuộc vào phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, khả năng nghề nghiệp và nhân cách của đội ngũ nhà giáo. Dù khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ tạo ra các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, tinh xảo đến đâu chăng nữa, kể cả nếu như có sự ra đời của “máy dạy học” thì cũng không thể thay thế được vai trò của người thầy giáo. Nhấn mạnh ý nghĩa này, nhà giáo dục Usinxki đã khẳng định: “Trong việc giáo dục, tất cả phải dựa vào nhân cách người giáo dục, bởi vì sức mạnh của giáo dục chỉ bắt nguồn từ nhân cách của con người mà có. Không một điều lệ, chương trình, không một cơ quan giáo dục nào dù có được tạo ra một cách khôn khéo như thế nào cũng không thể thay thế được nhân cách của con người trong sự nghiệp giáo dục. Không một sách giáo khoa, một lời khuyên răn nào, một hình phạt, một khen thưởng nào có thể thay thế ảnh hưởng cá nhân người thầy giáo đối với học sinh” [54, tr.63].
Điều đó cho thấy, trong quá trình GD-ĐT, nhà giáo không chỉ dùng tri thức mà còn dùng nhân cách của chính mình để tác động vào học sinh. Nhân cách của nhà giáo đó là phẩm chất chính trị, là sự giác ngộ về lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ, là lòng yêu nghề mến trẻ, là lối sống, cách xử sự và nghệ thuật giao tiếp của nhà giáo trong cuộc sống. Có thể nói “dùng nhân cách để giáo dục nhân cách” là đặc trưng của nghề dạy học. Hơn nữa nghề dạy học là nghề đào tạo con người, không cho phép tạo ra thứ phẩm và càng không cho phép tạo ra phế phẩm. Nếu làm hỏng một đồ vật bằng vàng ta có thể nấu lại, làm hỏng một viên ngọc quý ta có thể bỏ, đi nhưng nếu làm hỏng một con người, làm hỏng một thế hệ đó là một tội lớn, một lỗi lầm không thể chuộc lại được. Vàng, ngọc, kim cương đều rất quý nhưng không thể so sánh chúng với tâm hồn, nhân cách của một con người. Vì vậy, một mặt đội ngũ nhà giáo phải lao động hết sức nghiêm túc, phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Nhân sinh quan của thầy, đời sống hàng ngày, ngôn ngữ, cử chỉ của thầy nhất nhất đều được học sinh nhận xét và làm theo. Mỗi khi thầy lên lớp là hàng
trăm con mắt học sinh nhìn vào, những con mắt sắc sảo, dễ cảm xúc, biết ghi lại tất cả những ưu điểm và khuyết điểm của thầy. Mặt khác đội ngũ nhà giáo phải tạo được uy tín đối với học sinh; học sinh có nghe, tin và làm theo thầy hay không cũng do uy tín của thầy mà có. Uy tín của nhà giáo có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của học sinh giống như một hào quang hấp dẫn và soi sáng cho học sinh đi theo. Lúc đó mỗi cử chỉ, mỗi lời nói cho đến tinh thần lao động, lý tưởng nghề nghiệp của thầy đều là những bài học sống đối với học sinh, những thứ đó tuy không nhìn thấy rõ rệt nhưng nó như rễ cây ngấm ngầm ăn sâu vào tim óc học sinh khiến cho nhiều người giữ mãi suốt đời trong trí nhớ một lời nói hoặc một cử chỉ của người thầy. Đã có rất nhiều nhà giáo với nhân cách của chính mình đã trở thành hình tượng lý tưởng cho cuộc đời của học sinh và rất nhiều học sinh mong muốn xây dựng cuộc sống của mình theo hình mẫu lý tưởng đó. Những nhà giáo biết cách làm cho cả khối óc lẫn bàn tay của học sinh luôn luôn bận rộn bằng những suy nghĩ và việc làm tốt đẹp thì những nhà giáo đó sẽ gây được ảnh hưởng đặc biệt đối với học sinh và ở bất kỳ một trường học nào những nhà giáo có nhiều uy tín là những nhà giáo biết làm cho học sinh tích cực học tập, rèn luyện, coi người thầy của mình là mẫu mực để mình phấn đấu, noi theo. Để tạo được uy tín với học sinh, để trở thành nhà giáo mẫu mực rất đáng kính trọng mà học sinh muốn xin ý kiến trong những giờ phút khó khăn, thậm chí muốn giao phó cả cuộc đời mình thì nhà giáo đó phải biết yêu cầu cao với chính mình, biết sống và làm việc có mục đích rõ ràng, không buông thả, tùy tiện, biết tự chủ, tỉnh táo trước mọi cám dỗ và phải vững vàng trước tất cả những biến cố, những đổi thay. Yếu tố giúp nhà giáo giành được uy tín chính là kiến thức uyên bác, là hành vi cao đẹp và lòng tin của học sinh đối với họ “Con đường chủ yếu nhất để giáo dục con người là niềm tin và chỉ có bằng niềm tin mới có thể tác động đến niềm tin” [55, tr.150].
ở nước ta hiện nay đang có sự biến đổi sâu sắc do sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường, những biến đổi đó đã kéo theo những thay đổi nhất định trong sự hình thành và phát triển nhân cách của con người Việt nam hiện đại. trong đó có sự biến đổi nhân cách của chính đội ngũ nhà giáo. Những biến đổi tích cực của đội ngũ nhà giáo không chỉ làm hoàn thiện chính bản thân họ mà còn là tấm gương sáng giúp học sinh tích lũy được một hệ thống kiến thức cơ bản và có được một khả năng tự tin, chủ động trong các hoạt động xã hội, khả năng tự lập trong công việc và cao hơn cả là lòng tin sâu sắc vào CNXH và sự tự
nguyện cống hiến trí tuệ, sức lực của mình cho đất nước. Còn những biến đổi tiêu cực không những làm biến dạng nhân cách, phẩm chất của nhà giáo mà còn gây ảnh hưởng xấu tới việc hình thành và phát triển nhân cách của các em học sinh, bởi lẽ: “óc những người trẻ tuổi trong sáng như tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh, nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ” [35, tr.326-327]. Trong sự phát triển đầy phức tạp của đời sống KT-XH hiện nay, trước những tiêu cực, những tệ nạn xã hội đang len lỏi và làm khuynh đảo ngay cả chốn học đường thì đội ngũ nhà giáo phải trở thành lực lượng chống lại những tiêu cực, những tệ nạn đó để bảo vệ chính mình và bảo vệ thế hệ trẻ khỏi những hiểm họa và sai lầm. Nhà giáo phải qua dạy chữ để dạy người, dạy học sinh biết sống, biết yêu quý cái đẹp và cái đức, cái “tâm” phải là phẩm chất hàng đầu của nhà giáo. Cuộc sống bên ngoài trường học có thể nhiều vụ lợi bon chen, nhưng cuộc sống trong nhà trường vẫn phải bình yên thanh khiết, với những tâm hồn trẻ thơ trong trắng và trái tim người thầy độ lượng bao dung. Trên đây là 4 quan điểm cơ bản làm cơ sở để tác giả luận văn đưa ra những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao vai trò của đội ngũ nhà giáo trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực ở các trường THPT tỉnh Thái Bình.