phát triển quy mô giáo dục trung học phổ thông và chất lượng đội ngũ nhà giáo cấp học này
Căn cứ vào mục tiêu GD-ĐT cấp THPT (Xem mục tiêu giáo dục THPT, trang 23 luận văn) và những nhiệm vụ cần thực hiện mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVII đề ra là: “Tiếp tục quán triệt quan điểm GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, phát triển quy mô GD-ĐT, giữ vững và nâng cao chất lượng phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh” [13, tr.5]. Thực hiện nhiệm vụ trên, trong kế hoạch phát triển GD-ĐT giai đoạn 2000-2010 ngành giáo dục đã xác định: “Quy mô những trường THPT hiện có sẽ được duy trì, nâng cấp và mở rộng, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm sẽ tăng dần. Một số trường THPT mới sẽ được thành lập…dự kiến đến năm 2010 sẽ có thêm 3 trường THPT” [44, tr.32]. Như vậy, với số lượng các trường THPT hiện có cũng đã cần bổ sung giáo viên để giảm số học sinh trên một lớp và khắc phục tình trạng “vừa thiếu lại vừa thừa” giáo viên như hiện nay. Nếu như nâng cấp hoặc tiếp tục mở thêm các trường THPT theo kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh thì
số giáo viên cần có để đáp ứng quy mô mở rộng này là điều tất yếu. Do đó, việc tuyển mới, tuyển bổ sung giáo viên THPT sẽ làm cho đội ngũ nhà giáo tăng lên. Hơn nữa để đảm bảo việc giảng dạy đầy đủ và có chất lượng các môn học mà Bộ GD-ĐT quy định thì trong thời gian tới số lượng nhà giáo chắc chắn sẽ tăng và có sự điều chỉnh cho phù hợp. Chất lượng đội ngũ nhà giáo THPT thể hiện thông qua chất lượng của các nhà giáo THPT. Chất lượng của nhà giáo THPT thể hiện ở những tiêu chuẩn mà nhà giáo đạt được đó là: “Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt; Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; Lý lịch bản thân rõ ràng” [21, tr.56]. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỉnh và ngành giáo dục Thái Bình rất quan tâm và không ngừng tiếp tục bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị cho đội ngũ nhà giáo, phát triển Đảng trong đội ngũ nhà giáo nhằm giữ vững mục tiêu XHCN trong nội dung, phương pháp GD-ĐT. Trình độ chuyên môn của đội ngũ nhà giáo THPT ngày càng được chuẩn hóa ở trình độ cao điều này xuất phát từ quy định của Luật Giáo dục và nhu cầu của chính bản thân nhà giáo. Bởi vì, khi những nấc thang học vấn đang được đánh dấu bằng các loại văn bằng chứng chỉ và “tuổi thọ” của văn bằng, học vị ngày càng bị rút ngắn trước sự bùng nổ thông tin mạnh mẽ như hiện nay thì bắt buộc các nhà giáo phải học tập không ngừng, không những để đạt chuẩn mà còn phải nâng chuẩn, phải trở thành người thực sự có học thức, có trí tuệ. Hơn nữa khi thực hiện vai trò của mình, mỗi nhà giáo phải giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự bằng việc không ngừng nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng giáo dục. Muốn vậy họ phải thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu những yêu cầu trên không được đáp ứng thì họ sẽ bị đào thải, sàng lọc trong đời sống lao động của chính mình.
Như vậy, xu hướng phát triển của xã hội, yêu cầu phát triển của tỉnh Thái Bình làm cho quy mô giáo dục cấp THPT và chất lượng đội ngũ nhà giáo cấp học này phát triển và trở thành điều kiện, động lực tích cực để vai trò của đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới tiếp tục được nâng lên. Bởi vì, bất kỳ gia đình nào chăm lo đến tương lai của con cái, bất cứ một ai chăm lo đến tương lai của bản thân thì thường nghĩ ngay đến việc học ở những trường tốt có chất lượng giáo dục cao, có đội ngũ nhà giáo giỏi. Ai cũng hiểu rõ một điều rằng sẽ không bao giờ có một tương lai tốt đẹp nếu như không có sự phát triển trí tuệ,
năng lực một cách thực sự thông qua quá trình giáo dục đào tạo trong nhà trường mà người có vai trò quyết định chính là đội ngũ nhà giáo.