Khắc phục một số quan niệm không đúng của các bậc cha mẹ học sinh về nhà giáo và vai trò của đội ngũ nhà giáo

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao vai trò của đội ngũ nhà giáo trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực ở các trường THPT tỉnh Thái Bình hiện nay pot (Trang 74 - 75)

giáo và vai trò của đội ngũ nhà giáo

Trước hết, việc ủy thác theo kiểu “khoán trắng”, “trọn gói” con em mình cho nhà trường, thầy cô là vấn đề cần phải khắc phục ngay. Cha mẹ học sinh phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con cái, phải nhận thức được vai trò của đội ngũ nhà giáo sẽ bị hạn chế rất nhiều nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ, cộng hưởng về tinh thần và trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ.

Trong giáo dục con trẻ cả cha mẹ học sinh và đội ngũ nhà giáo đều có chung một mục đích, trọng trách và nghĩa vụ là giáo dục, đào tạo nhân cách làm người cho các em, trong vô số những điều dạy bảo của cha mẹ đối với con em mình có một điều vô cùng cần thiết và tế nhị mà các bậc cha mẹ phải hết sức chú ý. Đó là, không bao giờ được làm mất uy tín của thầy cô giáo trước các em, không nên có những đánh giá thiếu tôn trọng thầy cô trước mặt các em, hãy liên hệ với thầy cô và nhà trường để cùng bàn bạc, thảo luận và giải quyết những vấn đề nảy sinh. Lời nói cần phải tế nhị để thể hiện sự tôn trọng của các bậc cha mẹ học sinh đối với thầy cô giáo. Tình trạng cha mẹ học sinh xúc phạm thô bạo đến nhà trường, đến thân thể và nhân cách của thầy cô giáo ở một số nơi như báo chí đã đưa cần chấm dứt bằng những quy định của pháp luật và sự lên án của dư luận xã hội, nhà giáo phải được tôn trọng và bảo vệ.

Hiện nay ở Thái Bình, một số cha mẹ học sinh có quan niệm rằng: trong nền kinh tế thị trường, nhà giáo chỉ là người “bán” kiến thức, còn họ là người “mua” kiến thức. Với phương châm “khách hàng là thượng đế” thì nhà giáo chỉ là người làm nghề dịch vụ, chỉ cần phục vụ mọi yêu cầu của “thượng đế”. Quan niệm này cực kỳ sai lầm vì nó đã phủ nhận hoàn toàn vai trò của nhà giáo. Trong thực tế, kể cả ở các nước tư bản, khi kinh tế thị trường đã phát triển cao người ta vẫn luôn luôn khẳng định vai trò to lớn không thể thiếu được của nhà giáo trong quá trình giáo dục học sinh. Hơn nữa không thể thương mại hóa lĩnh vực giáo dục. Không thể có một sự mua bán nào giữa thầy và trò mà lại có thể mang lại những sản phẩm hữu ích cho xã hội. Do đó phải lên án mạnh mẽ những quan niệm thương mại hóa giáo dục, coi nhà trường là nơi có thể dùng tiền để mua bán chữ nghĩa, văn bằng, phẩm giá của con người. Những quan niệm sai lầm đó là nguyên nhân chủ yếu gây nên những tiêu cực hiện

nay trong ngành giáo dục dẫn đến sự suy thoái đạo đức, nhân cách của một số nhà giáo, sự coi thường trật tự kỷ cương trong nhà trường. Để thực hiện cần:

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề giáo dục, về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Các phương tiện thông tin đại chúng, tờ báo của ngành GD-ĐT cần thường xuyên viết bài, đưa tin những điển hình tiên tiến, những tập thể và cá nhân nhà giáo có nhiều thành tích, đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT tạo thế hệ trẻ, để mỗi người dân đều có thể nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về vai trò của đội ngũ nhà giáo. Không nên đưa tin một cách tràn lan các vụ việc, sự kiện về những hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục. Chúng ta không né tránh sự thật nhưng những sự thật phản tác dụng giáo dục, xa rời định hướng, mục tiêu giáo dục thì cần phải có sự hướng dẫn, phân tích, đánh giá, bình luận một cách đúng đắn và thấm nhuần tinh thần văn hóa.

Pháp luật cần xử lý nghiêm minh những hành vi xúc phạm đến nhà trường, đến nhà giáo dù dưới bất cứ hình thức nào.

Thường xuyên tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhà giáo và cha mẹ học sinh thông qua các buổi họp phụ huynh, các buổi hội thảo, các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của hội cha mẹ học sinh trong nhà trường.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao vai trò của đội ngũ nhà giáo trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực ở các trường THPT tỉnh Thái Bình hiện nay pot (Trang 74 - 75)