Đổi mới công tác bố trí, sử dụng đội ngũ nhà giáo

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao vai trò của đội ngũ nhà giáo trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực ở các trường THPT tỉnh Thái Bình hiện nay pot (Trang 80 - 81)

Việc bố trí, sử dụng đối với đội ngũ nhà giáo có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến việc phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo. Nếu bố trí, sử dụng hợp lý, đúng khả năng chuyên môn là điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo đạt hiệu quả lao động cao và phát huy được tính tích cực, sáng tạo trong quá trình thực hiện vai trò của mình. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã ghi rõ: “Sử dụng giáo viên đúng năng lực, đãi ngộ đúng công sức và tài năng với tinh thần ưu đãi và tôn vinh nghề dạy học”[9, tr.109-110]. Hiện nay, nhà giáo ở các bậc học còn rất thiếu, nhưng để bảo đảm chất lượng GD-ĐT và vì lợi ích lâu dài của sự nghiệp trồng người, Đảng ta kiên quyết yêu cầu: “Không bố trí người kém phẩm chất làm giáo viên, kể cả giáo viên hợp đồng” [10, tr.39]. Đây là quan điểm rất quan trọng của Đảng ta khi tuyển chọn và bố trí nhà giáo trong đó có nhà giáo ở các trường THPT.

Hiện nay ở Thái Bình còn khá nhiều sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học sư phạm mà chưa được bố trí công tác, thậm chí có người đã phải dạy hợp đồng hơn 7 năm mà vẫn chưa được vào biên chế. Một trong những nguyên nhân là vì các trường không muốn nhận thêm giáo viên bởi bị khống chế ở quỹ lương và vì đào tạo giáo viên các môn học không hợp lý, nhiều trường trong tình trạng thừa giáo viên các môn Văn, Toán, Lý, Hóa nhưng lại thiếu giáo viên các môn Giáo dục công dân, Thể dục, Kỹ thuật...Một thực tế nữa là các trường THPT tỉnh Thái Bình đang có tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu giáo viên. Thừa những giáo viên không đủ phẩm chất và năng lực giảng dạy mà các trường không đủ mạnh dạn và kiên quyết chuyển họ đi làm công việc khác. Còn những giáo viên có đủ điều kiện và khả năng giảng dạy thì đang rất thiếu. ở một số trường THPT tỉnh

Thái Bình việc bố trí, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn chưa hợp lý, số nhà giáo được bố trí không đúng với ngành nghề đào tạo và khả năng chuyên môn (giáo viên môn Sinh được bố trí dạy môn Giáo dục công dân); có những nhà giáo tốt nghiệp đại học loại khá, năng lực chuyên môn tốt nhưng lại bố trí làm công tác thư viện, thí nghiệm, văn phòng là chủ yếu còn tham gia giảng dạy rất ít giờ...Việc bố trí, sử dụng lực lượng lao động trí tuệ này bất hợp lý và không đúng mục đích như trên đã dẫn đến tình trạng lãng phí, hao mòn tri thức trong đội ngũ nhà giáo. Thực trạng đó cần khắc phục bằng những biện pháp sau đây: Tiến hành khảo sát, phân loại chất lượng đội ngũ nhà giáo ở các trường THPT trong tỉnh để từ đó xây dựng kế hoạch, quy hoạch cụ thể về đào tạo kết hợp với bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ nhà giáo cấp học này.

Các cấp quản lý giáo dục phải có sự đánh giá đúng về năng lực và vai trò nhà giáo, quan điểm đánh giá phải khách quan, toàn diện, khoa học, trung thực và dân chủ. Để làm được điều này người đánh giá phải thật sự công tâm, khách quan, bình tĩnh, phải hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhà giáo mà mình đánh giá và đặc biệt phải kiên quyết, dám nghĩ, dám làm.

Xây dựng cơ chế hợp lý, công khai, dân chủ quá trình tuyển dụng, sử dụng và sàng lọc đội ngũ nhà giáo. Kiên quyết không bố trí công việc giảng dạy, giáo dục học sinh cho những nhà giáo không vững vàng về lập trường tư tưởng, mất phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ kém.

Trong bố trí, sử dụng đội ngũ nhà giáo cần coi trọng năng lực sáng tạo thật sự về chuyên môn nghiệp vụ, đúng người, đúng việc, cần phê phán quan điểm cho rằng cứ có bằng cấp cao thì làm việc gì cũng được.Tuyệt đối không điều động những nhà giáo thuộc môn học này sang dạy môn học khác.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao vai trò của đội ngũ nhà giáo trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực ở các trường THPT tỉnh Thái Bình hiện nay pot (Trang 80 - 81)