trình đào tạo nguồn nhân lực
Khi nói về vai trò của nhà giáo, Lênin nhấn mạnh: “Đội quân giáo sư phải tự đặt cho mình nhiệm vụ lớn lao là truyền bá văn minh và trước hết phải là đội quân chủ yếu trong công tác giáo dục XHCN” [20, tr.185], Cômenski, nhà giáo dục vĩ đại người Tiệp từng nói: “Dưới mặt trời không có chức vụ nào ưu việt hơn!” [19, tr.68], Maiacốpski - nhà thơ Nga vĩ đại cũng từng ca tụng:
Trên mặt trận thứ ba, Như ngọn núi chót vót, Trên mặt trận học tập, Trên mặt trận sách vở, Người giáo sư
Khác nào
Người chiến sỹ anh hùng.
Đó là một kỵ binh như kiểu Bu-đi-on-ni, Đó là một chiến sỹ ở tiền phương [19, tr.13].
Vai trò của người thầy quan trọng là như thế, cho nên trong tất cả các chế độ xã hội khác nhau, từ xưa đến nay, từ đông sang tây, nhà giáo là người được quý trọng nhất. “Phải đề cao uy tín của người giáo viên, làm cho mọi lứa tuổi và mọi giới phải kính trọng người giáo viên một cách sâu sắc, bao trùm chung quanh người giáo viên một cái hào quang của sự quý mến chung” (Diễn văn đọc tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Liên-xô của Calinin, ngày 8-5-1940) [19, tr.13].
Khi xã hội càng phát triển thì giáo dục bằng hệ thống nhà trường và thông qua đội ngũ nhà giáo là con đường ngắn nhất, khoa học nhất và hiệu quả nhất để truyền thụ tri thức cơ bản một cách hệ thống, chính xác cho người học. Đội ngũ nhà giáo trong quá trình giảng dạy và giáo dục đã xây dựng cho người học thế giới quan, nhân sinh quan tiến bộ, phương pháp tư duy khoa học và khả năng làm việc độc lập sáng tạo.Vì thế, nhà giáo là chủ thể quan trọng của nền giáo dục, là nhân tố có ý nghĩa quyết định trực tiếp chất lượng giáo dục, là “người có trách nhiệm làm thay đổi thế giới”, công việc của họ sẽ “để lại dấu ấn trong xã hội tương lai”. Có thể nhận thấy nhà giáo có vai trò rất đặc biệt và rất khó khăn là làm cho người học hình thành một nhân cách theo mục tiêu đã được quy định. Đây là công việc mà người ta thường nói một cách hình ảnh là công việc của một “kỹ sư tâm hồn”. Để làm được việc này, nhà giáo vừa phải có nhân cách cao hơn người học “một cái đầu”, lại vừa phải giỏi về lĩnh vực khoa học chuyên ngành và nghệ thuật giáo dục để giúp cho người học hình thành được nhân cách đó. Với vai trò như vậy, nghề dạy học của nhà giáo là “nghề cao quý nhất”, đòi hỏi ở người làm nghề này phải hiểu biết nhiều hơn những người làm ở các ngành nghề khác do: “vừa phải biết cái nghề mà người học cần, lại vừa phải biết thêm nghề dạy người đó học” [40, tr.209].
Là một đất nước có nền văn hiến lâu đời, một dân tộc hiếu học. Việt Nam đã có một lịch sử giáo dục lâu đời với những người thầy đã ra công dạy chữ, dạy người cho bao thế hệ Việt Nam khôn lớn, trưởng thành. Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, nhân dân ta luôn đề cao nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy. Qua tục ngữ ca dao, ông cha ta còn truyền dạy: “Không thầy đố mày làm nên” hay “Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”. Kế thừa truyền thống đó của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm thía vai trò và vị trí của người thầy qua chính những năm đi dạy học và bằng cả chặng đường bôn ba khắp năm châu bốn biển vừa tự học vừa tìm đường cứu nước. Người căn dặn: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy học là: chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà” [30, tr.36]. Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng từng nhấn mạnh: “Người thầy giáo là chiến sỹ tiên phong trong việc truyền bá cái mới” [15, tr.89]. Do đó: “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh” [29, tr.236].
Trong thời đại ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN đã chứng minh: trí tuệ con người là nguồn tài nguyên quý giá, mặt bằng dân trí và nguồn nhân lực phát triển là nền móng để tiềm lực trí tuệ của mỗi quốc gia phát triển vững bền. Vì thế, vị trí và vai trò của nhà giáo càng trở nên vô cùng quan trọng. Với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, Đảng và nhân dân ta đã xác định: CNH, HĐH là con đường tất yếu, hợp quy luật để nước ta “thoát khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước chung quanh, giữ được ổn định chính trị xã hội, bảo vệ được độc lập chủ quyền và định hướng XHCN” [7, tr.27]. Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH, cần phải nâng cao mặt bằng dân trí, cần phải đào tạo được một nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng trước hết phải biết nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực “ngay từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành và trong suốt cuộc đời của mỗi cá nhân về các mặt trí lực, tâm lực, thể lực, các phẩm chất đạo đức - nhân cách công dân, trình độ học vấn, chuyên môn và văn hóa...” [56, tr.17]. Trọng trách này được giao cho ngành GD-ĐT mà lực lượng chủ chốt là đội ngũ nhà giáo. Nhận thức được điều đó Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII khẳng định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh” [10, tr.38-39], từ đó Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách động viên và phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo, góp phần vào sự tiến bộ của công tác giáo dục nước nhà.
Đội ngũ nhà giáo THPT, lực lượng trực tiếp thực hiện mục tiêu giáo dục cấp THPT, họ có vai trò quyết định chất lượng giáo dục ở cấp THPT, góp phần từng bước nâng cao trình độ dân trí, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đào tạo một nguồn nhân lực đủ điều kiện đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong giai đoạn hiện nay. Vai trò đó được thực hiện trên các mặt sau đây:
Một là,trang bị cho học sinh những tri thức cơ bản về thế giới quan, tư tưởng, chính trị, pháp luật, đạo đức, góp phần hình thành và phát triển lối sống, cách ứng xử có văn hóa của lực lượng lao động trẻ.
Trong mọi thời đại, sự phát triển trí tuệ của con người luôn gắn với một thế giới quan nhất định, chỉ sau khi trau dồi được một thế giới quan khoa học con người mới có thể tự khẳng định mình trong cuộc sống. ở các trường THPT, đội ngũ nhà giáo thông qua các môn học, trực tiếp là các môn khoa học xã hội và nhân văn như GDCD, Văn học, Lịch sử…trang bị cho học sinh cấp học này những hiểu biết về bức tranh khoa học của thế giới, quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội, con người, hiểu các vấn đề quốc tế cấp thiết
như: hòa bình, môi trường, dân số, HIV/AIDS...Đây là những kiến thức cơ bản nhằm hình thành thế giới quan khoa học cho học sinh. Khi hiểu được những vấn đề trên học sinh sẽ hình thành được cho mình kỹ năng phán đoán một số hiện tượng xã hội theo tư duy biện chứng, biết kết hợp lý luận và thực tiễn trong nhận thức cũng như trong cuộc sống, từ đó có thái độ ủng hộ và thích sáng tạo ra cái mới, cái tiến bộ, ghét sự dối trá và những tư duy phản khoa học, biết sống thẳng thắn, trung thực, tôn trọng lẽ phải, sự thật và đấu tranh cho lẽ phải, cho sự công bằng.
ở độ tuổi phát triển với những diễn biến tâm lý chưa ổn định, học sinh THPT đang rất muốn thử sức và tự khẳng định mình nhưng lại bồng bột, thiếu chín chắn, thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, bị kẻ xấu lợi dụng. Đội ngũ nhà giáo giúp các em hiểu được các giá trị xã hội cơ bản như: tự do, dân chủ, nhân đạo, công bằng, hạnh phúc, hiểu được lịch sử dựng nước và giữ nước, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của cách mạng. Giáo dục cho các em lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, đường lối đổi mới đất nước, các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước cũng như các nội dung cơ bản của Hiến pháp, các đạo luật cơ bản của nước ta. Có được những hiểu biết trên các em sẽ nhận ra và trân trọng các giá trị đích thực của xã hội, cộng đồng và gia đình, biết và thực hiện tốt pháp luật, sử dụng đúng quyền tự do cá nhân và thực hiện tốt nghĩa vụ đối với xã hội. Khi đó các em sẽ hình thành và tạo lập được lý tưởng phù hợp với các giá trị cao đẹp, mọi hoạt động của các em đều nhằm biến lý tưởng đó thành mục đích của cá nhân trong cuộc sống hàng ngày. Các em tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể, nội quy của nhà trường, thường xuyên rèn luyện tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, đấu tranh chống mọi tiêu cực trong xã hội, trong cuộc sống.
Trong nhà trường, nếu chỉ chú trọng đến việc đào tạo những con người có kiến thức khoa học, có thân hình khỏe mạnh mà không quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục lối sống, nếp sống và cách cư xử cho học sinh thì không thể có được chất lượng giáo dục toàn diện. Nguồn nhân lực được đào tạo sẽ chỉ là những con người “vô dụng”, không thể là “tương lai của Tổ quốc, là hy vọng của dân tộc”. Bởi vì: “Có tài mà không có đức...thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa” [35, tr.126]. Vì vậy, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, đội ngũ nhà giáo THPT qua quá trình giảng dạy và giáo dục đã làm cho học sinh hiểu được những nguyên tắc, phạm trù đạo đức nhân đạo và tiến bộ của loài người, của dân tộc, hiểu được những
chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ xã hội. Giúp các em biết vận dụng những điều đã học vào việc phân tích, xử lý, đánh giá các tình huống, các hành vi đạo đức, biết tự rèn luyện để hoàn thiện nhân cách đạo đức của mình, biết sống và làm việc trong quan hệ đoàn kết, hợp tác, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau với những hành vi ứng xử văn hóa. Từ đó, việc thường xuyên tự giác rèn luyện những phẩm chất đạo đức làm các em sống có lý tưởng và hoài bão cao đẹp, có mục đích và kế hoạch, có ý chí, nghị lực và quyết tâm vươn lên một cách lạc quan lành mạnh, đồng thời tạo cho các em thói quen lời nói đi đôi với việc làm, phong cách ứng xử văn minh và lịch sự, lúc này các em sẽ rất ghét lối sống ích kỷ, buông thả, lai căng, thô bạo và sự hưởng thụ vật chất tầm thường thấp kém.
Có thể nhận thấy nhà giáo THPT có vai trò quan trọng trong việc trang bị những phẩm chất cần thiết không thể thiếu cho học sinh THPT, đó là những phẩm chất góp phần rèn luyện tính kỷ luật, tác phong công nghiệp và ý thức trách nhiệm với công việc mà nguồn nhân lực nước ta cần và phải có.
Hai là, trang bị cho học sinh những tri thức phổ thông, cơ bản, hiện đại về văn hóa, khoa học nhằm phát triển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực.
Trước đây, khi nghiên cứu mục đích và nhiệm vụ của giáo dục, Mác, Ăngghen và Lênin đã khẳng định mục đính của nền giáo dục XHCN là đào tạo những con người phát triển toàn diện cả về trí dục, thể dục, đức dục, mỹ dục và kỹ thuật tổng hợp. Trong đó vấn đề trí dục tức là những tri thức văn hóa, khoa học được đặt lên hàng đầu. Các ông cho rằng muốn xây dựng thắng lợi CNCS thanh niên phải nắm được tất cả kho tàng văn hóa, tất cả tri thức mà loài người đã tạo ra trong quá trình lịch sử, nếu thanh niên không thông hiểu những tri thức đó thì CNCS cũng chỉ là mơ ước mà thôi. Kế tục và phát triển quan điểm đó, khi giao nhiệm vụ cho thanh niên, Xta-lin đã nói: “Muốn kiến thiết thì cần phải có tri thức, cần phải nắm được khoa học...trước mắt chúng ta là một bức thành trì, bức thành đó gọi là khoa học, nó bao gồm tri thức của nhiều bộ môn. Dẫu thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải chiếm cho bằng được bức thành trì đó. Thanh niên nếu muốn trở thành những người xây dựng đời sống mới, muốn trở thành những lớp người thay thế chân chính của đội quân cận vệ xưa kia, thì cần phải chiếm lấy bức thành đó [24, tr.225]. Vì thế, phải trang bị cho học sinh những tri thức khoa học có hệ thống và khả năng ứng dụng những tri thức khoa học vào trong thực tế đến mức thành thạo và tự động hóa. Trên cơ sở đó phát triển năng lực nhận thức cũng như khả năng sáng tạo của học sinh, dẫn dắt học sinh
từ chỗ chưa biết đến chỗ biết, từ chỗ giản đơn đến chỗ phức tạp, từ chỗ nhận thức những hiện tượng đến chỗ nhận thức bản chất. Đó là nhiệm vụ nhà giáo phải làm để phát triển trí tuệ của học sinh.
Trong thời đại KH-CN đang phát triển như vũ bão hiện nay đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực với những con người có kiến thức về văn hóa, khoa học theo kịp sự phát triển trên. Những kiến thức đó được coi là vốn tri thức tối thiểu bắt buộc đối với nguồn nhân lực. Cần phải xác định và trang bị cho học sinh vốn tri thức tối thiểu bắt buộc đối với cấp THPT để học sinh có thể tham ra vào nền sản xuất đã phát triển cao, tham gia vào các lĩnh vực khác của đời sống xã hội hoặc tiếp tục học tập trong các trường cao đẳng, đại học. Nhiệm vụ đó thuộc về nhà giáo THPT.
Thông qua giảng dạy các môn học và các hoạt động giáo dục, đội ngũ nhà giáo THPT đã trang bị cho học sinh hệ thống những kiến thức phổ thông cơ bản, kỹ thuật, tổng hợp, hiện đại, mang đặc thù Việt Nam về tự nhiên, xã hội và tư duy, đồng thời trang bị những kiến thức phổ thông về kinh tế, về kỹ thuật. Trên cơ sở hệ thống những kiến thức được trang bị giúp các em hình thành tư duy khoa học, tư duy lôgíc và diễn đạt lôgíc, kỹ năng ghi nhớ, tái hiện, phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát và vận dụng tổng hợp kiến thức để giải quyết các vấn đề đặt ra cũng như biết cách tự học và hoàn thiện từng bước vốn hiểu biết của mình. Với việc trang bị những kiến thức và kỹ năng trên, đội ngũ nhà giáo tạo cho học sinh thái độ tôn trọng kỷ luật học tập, học tập một cách khoa học, có ý thức khắc phục khó khăn, chuyên cần, tự giác trong học tập, có ý thức vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn để hoạt động có hiệu quả, có nhu cầu làm giàu vốn hiểu biết của mình, kiên trì tự học, vươn lên không ngừng và có hoài bão sẵn sàng đem hiểu biết phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Không chỉ dừng lại ở việc dạy cho các em học sinh nhận thức những kiến thức trong kho tàng tri thức của nhân loại đội ngũ nhà giáo còn dẫn dắt học sinh “cách nhận thức” những kiến thức đó và xây dựng cho các em một phương pháp tư duy khoa học để các em có thể tiếp tục nhận thức các hiện tượng và sự vật khác trong đời sống xã hội.
Ba là, trang bị cho học sinh những kiến thức về lao động, kỹ thuật tổng hợp, giúp các em hướng nghiệp và chuẩn bị nghề cho tương lai.