II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT NHẰM HƯỚNG TỚI HOÀN THIỆN QUY TRÌNH XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ
1. Lập dự kiến chương trình soạn thảo, ban hành văn bản dài hạn và hàng năm của Bộ
năm của Bộ
Kế hoạch hoá hoạt động xây dựng và ban hành văn bản là một biện pháp quan trọng cần được củng cố, tăng cường nhằm đảm bảo cho công tác xây dựng và ban hành văn bản của Bộ được thực hiện một cách có tổ chức, có mục tiêu, có cơ sở khoa học và liên tục, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và nhất quán của hệ thống văn bản mà Bộ ban hành.
Bộ cần lập dự kiến chương trình soạn thảo văn bản QPPL về giáo dục giai đoạn 2006-2010 có tầm nhìn đến 2015. Chương trình này phải thể hiện rõ kết cấu của hệ thống văn bản QPPL điều chỉnh các quan hệ về giáo dục, hình thức văn bản, thứ tự ưu tiên trong đó chú ý việc ban hành các văn bản có hiệu lực pháp lý cao theo hướng quy định cụ thể, hạn chế các văn bản hướng dẫn. Việc xây dựng chương trình phải dựa trên cơ sở rà soát, hệ thống văn bản hiện hành.
Trên cơ sở chương trình dài hạn và đòi hỏi của tình hình thực tiễn, Bộ tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm trong đó xác định rõ tên, loại văn bản, lãnh đạo phụ trách, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành.
Trong chương trình dài hạn và kế hoạch hàng năm, các văn bản dự kiến soạn thảo phải nêu rõ sự cần thiết, phạm vi và đối tượng điều chỉnh, nội dung chỉnh, thời gian và kinh phí thực hiện, dự báo tác động của văn bản… trước khi công bố thực hiện.
Việc lập dự kiến chương trình soạn thảo văn bản dài hạn và hàng năm sẽ giúp cho các đơn vị biết được nhiệm vụ của đơn vị mình và có kế hoạch thực hiện trong việc hoàn thành công việc được giao, nâng cao trách nhiệm của đơn vị soạn thảo cũng như cá nhân soạn thảo.Có như vậy quy trình xây dựng và ban hành văn bản mới được thực hiện đầy đủ.