Những hạn chế, thiếu sót

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng và ban hành văn bản QLNN của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trang 72 - 77)

I. MỘT SỐ NHẬN XÉT KHÁI QUÁT VỀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

2. Những hạn chế, thiếu sót

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong việc thực hiện quy trình soạn thảo và ban hành văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Cụ thể như sau:

- Về bước soạn thảo văn bản:

Việc soạn thảo văn bản được các Vụ giao cho các cán bộ công chức của mình thực hiện. Các thành viên tham gia soạn thảo tiến hành các công việc: thu thập thông tin, tài liệu có liên quan, phân tích tình hình thực tế, xác định yêu cầu nội dung và tiến hành dự thảo văn bản theo nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên các thành viên tham gia soạn thảo chưa chú ý thích đáng đến việc tổng kết thực tiễn, tập hợp, nghiên cứu các văn bản của cấp trên do đó dẫn đến việc văn bản đã ban hành phải huỷ bỏ vì trái với văn bản của cấp trên.

Về kỹ thuật soạn thảo: Phần lớn các văn bản được ban hành đều đảm bảo các yêu cầu về tính pháp lý, đảm bảo các yêu cầu về nội dung và hình thức của văn bản. Tuy nhiên nhiều quy định còn mang tính nguyên tắc, không cụ thể, không rõ ràng giữa việc ban hành văn bản QPPL hay văn bản cá biệt, vẫn còn tồn tại một số sai sót trong kỹ thuật soạn thảo văn bản đặc biệt là kỹ thuật soạn thảo các văn bản hành chính.

Ví dụ: Nội dung của văn bản vẫn còn tồn tại các sai sót như:

- Về căn cứ ban hành: căn cứ ban hành là cơ sở pháp lý cho việc ban hành văn bản. Tuy nhiên các văn bản vẫn còn mắc một số lỗi về căn cứ ban hành như:

+ Thiếu căn cứ ban hành: Quyết định số 1762/QĐ-BGDĐT; Quyết định số 1763/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2026/QĐ-BGDĐT chỉ căn cứ vào điều lệ bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thực hiện điều lệ bảo hiểm xã hội, thiếu căn cứ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ.

+ Căn cứ không rõ ràng: Quyết định số 1770/QĐ-BGDĐT ngày 10/4/2006 về việc công nhận nghiên cứu sinh năm 2006 thuộc Viện nghiên cứu

tôn giáo, có căn cứ ghi “căn cứ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh cho các trường đại học và các viện nghiên cứu” là không rõ ràng.

+ Dẫn sai căn cứ: Công văn số 2824/BGDĐT-VP ngày 10/4/2006 về việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân- Nhà giáo ưu tú lần thứ 9 năm 2006, đã dẫn tríh yếu văn bản “Thông tư số 07/2005/TT-BGDĐT” là không đúng vì Thông tư này ban hành ngày 20/3/2006.

- Về kỹ thuật soạn thảo làm sai lệch nội dung văn bản:

Ví dụ: công văn số 2862/BGDĐT-GDTX ngày 11/4/2006 gửi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, Viện Đại học Mở Hà Nội đề nghị xây dựng dự thảo “Quy chế đào tạo từ xa qua mạng” là không đúng với quy trình soạn thảo văn bản QPPL vì các đối tượng trên không có nhiệm vụ, chức năng soạn thảo văn bản QPPL.

- Một số văn bản có cụm từ diễn đạt lủng củng hoặc thừa như:

Công văn số 3369/BGDĐT-TCCB ngày 27/4/2006 về việc đề nghị cho ý kiến về Đề án thành lập trường Cao đẳng công nghiệp và xây dựng có cụm từ diễn đạt còn thừa như: “Nâng cấp trường Trung học Công nghiệp xây dựng trên cơ sở trường Trung học Công nghiệp xây dựng”

- Danh sách kèm theo văn bản không có nội dung:

Ví dụ: Quyết định số 2140/QĐ-BGDĐT ngày 29/4/2006 về việc tặng bằng khen có danh sách kèm theo nhưng danh sách kèm theo lại là danh sách trống.

- Một số văn bản còn chứa QPPL:

Ví dụ: Quyết định số 2105/QĐ-BGDĐT ngày 25/4/2006 ban hành quy định về công tác thiết bị giáo dục phổ thông, nội dung của văn bản đưa ra các chế tài đối với các đối với các trường phổ thông.

Về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản: Thông tư 55/2005/TTLT-BNV- VPCP hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản được ban hành ngày 6/5/2005, song nhiều đơn vị vẫn chưa quán triệt trong quá trình soạn thảo văn bản. Thường gặp những lỗi là: sai về kiểu chữ, cỡ chữ, sai về lề:để lề quá nhỏ,

một số văn bản không có tên nhưng vẫn ghi “kính gửi” ở đầu văn bản như Tờ trình số 2730/TTr-BGDĐT ngày 07/04/2006 về việc xin mở rộng trường Đại học sư phạm tại Ba Vì - Hà Tây; lỗi chính tả còn tồn tại trong không ít văn bản như: Từ quyết định số 1717/QĐ-BGDĐT đến 1719/QĐ-BGDĐT về việc xếp lương đối với cán bộ viên chức ghi “mần non” thay vì “mầm non”…

Nhìn chung kỹ thuật soạn thảo văn bản của các đơn vị, cá nhân soạn thảo còn nhiều hạn chế về năng lực cũng như trình độ trong đó các lỗi thường gặp chủ yếu tập trung ở việc soạn thảo các văn bản hành chính do chưa chú ý quan tâm đúng mức vào kỹ thuật soạn thảo đối với các văn bản này.

- Về bước lấy ý kiến tham gia xây dựng dự thảo:

Lấy ý kiến tham gia xây dựng dự thảo là góp phần hoàn thiện dự thảo văn bản, nâng cao chất lượng cũng như tính khả thi của văn bản đặc biệt là các văn bản QPPL. Tuy nhiên hoạt động lấy ý kiến cho dự thảo của một số văn bản vẫn còn mang tính hình thức. Việc lấy ý kiến mới chỉ tiến hành tại các đơn vị chủ trì soạn thảo và các đơn vị phối hợp hoặc lấy ý kiến của các cơ quan nhà nước hữu quan mà chưa chú trọng đến việc lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của văn bản. Ví dụ như: Quyết định số 08/2007/QĐ-BGDĐT ngày 6/4/2007 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BGDĐT ngày 17/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc tổ chức lấy ý kiến mới chỉ được gửi đến các cơ quan hữu quan là: Vụ Thanh tra, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, các trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, các Sở giáo dục đào tạo, tuy nhiên đối tượng thi hành trực tiếp của quyết định là các thí sinh lại chưa được chú ý lấy ý kiến.

Các đơn vị được gửi văn bản xin ý kiến mặc dù đã quy định thời gian trả lời là không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản nhưng thường trả lời chậm, góp ý sơ sài, có đơn vị khi nhận được văn bản đến ngày trả lời chỉ ghi vẻn vẹn: “đồng ý như dự thảo”. Ví dụ như văn bản góp ý kiến của trường Trung cấp kỹ thuật Hưng Yên về việc góp ý kiến cho dự thảo Quyết định 08/2007/QĐ- BGDĐT nêu trên, chỉ ghi vẻn vẹn “đồng ý như dự thảo”.

Việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị để lấy ý kiến cho dự thảo nếu thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả nhưng các hoạt động này được tổ chức không nhiều. Ví dụ như Chỉ thị số 12/2005/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hưởng ứng “Năm quốc tế Thể thao và Giáo dục thể chất-2005” của Liên hiệp quốc, chỉ được tiến hành được 2 cuộc họp , 1 cuộc họp để phân công đơn vị, cá nhân soạn thảo và 1 cuộc họp để lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đóng góp không được tiếp thu do đơn vị chủ trì soạn thảo còn mang nặng tính cục bộ, muốn bảo vệ ý kiến của mình dù ý kiến đó chưa thực sự khách quan và khả thi.

- Về bước thẩm định dự thảo:

Thẩm định là việc kiểm tra lại văn bản cả về hình thức lẫn nội dung của văn bản đảm bảo tính hợp pháp, tính khả thi của văn bản sau khi ban hành. Nhưng công tác này vẫn còn một số tồn tại như:

Nội dung thẩm định của một số văn bản còn mang nặng tính hình thức, chưa đi sâu vào những vấn đề của dự thảo. Ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế do chưa có quy định giá trị pháp lý của văn bản thẩm định nên chưa có sự ảnh hưởng bắt buộc đối với các đơn vị chủ trì.

Hồ sơ thẩm định của dự thảo theo quy định bao gồm: Tờ trình dự thảo văn bản do thủ trưởng đơn vị ký (ký tờ trình và ký nhỏ vào góc bên phải từng trang dự thảo), bản thuyết minh quá trình soạn thảo văn bản, bản tổng hợp tiếp thu ý kiến, các văn bản làm căn cứ để ban hành, hướng dẫn thi hành, sửa đổi, bổ sung. Nhưng hồ sơ gửi Vụ Pháp chế thẩm định thường không đủ, chủ yếu chỉ có tờ trình và dự thảo văn bản. Điều này gây khó khăn cho công tác thẩm định của Vụ Pháp chế về tính khả thi của văn bản. Ví dụ như Chỉ thị số 12/2005/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hưởng ứng “Năm quốc tế Thể thao và Giáo dục thể chất-2005” của Liên hiệp quốc, hồ sơ thẩm định chỉ có tờ trình do Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên ký và bản dự thảo văn bản, còn các văn bản khác có liên quan là không có trong hồ sơ.

- Về bước xem xét thông qua văn bản:

Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi trình Bộ trưởng ký đều được Văn phòng kiểm tra về nội dung, hình thức, thủ tục ban hành văn bản. Tuy nhiên công việc này làm còn sơ sài, mang tính hình thức. Đặc biệt là đối với việc kiểm tra các văn bản hành chính. Vẫn còn tồn tại một số văn bản ban hành sai thẩm quyền như: Nghị quyết liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Hội Khuyến học Việt Nam triển khai thực hiện Quyết định số 122/2005/ QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “ Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010” đã phải huỷ bỏ do ban hành sai thẩm quyền, Công văn số 2756/ BGDĐT-ĐH,SĐH ngày 7/4/2006 về việc cho phép đào tạo đại học ngành dược hệ vừa học vừa làm của trường Đại học Y Thái Bình, thẩm quyền ký ban hành phải là lãnh đạo Bộ ký nhưng lại do Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học ký ban hành.

- Về bước công bố, gửi và lưu trữ văn bản:

Các văn bản QPPL sau khi ký ban hành theo quy định phải được gửi đăng công báo và gửi đến các đơn vị có liên quan, tuy nhiên một số văn bản vẫn chưa được đăng công báo hoặc gửi đăng công báo chậm.

Ví dụ: Trong năm 2006, có 03 văn bản chưa được đăng Công báo, gồm: Quyết định số 24/2006/QĐ-BGDĐT ngày 29/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Đề cương chi tiết 11 môn học hệ dự bị đại học, Chỉ thị số 42/2006/CT-BGDĐT ngày 20/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục trung cấp chuyên nghiệp trong năm học 2006 - 2007, Nghị quyết liên tịch số 177/2006/NQLT-HNDVN-BGD&ĐT ngày 15/3/2006 của Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp hoạt động nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức khoa học đời sống, kỹ thuật nông nghiệp trong nông dân giai đoạn 2006 – 2010.

Có văn bản được ban hành nhưng chậm gửi đăng Công báo làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành như Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/05/2006 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, ban hành từ ngày 05/05/2006 nhưng đến tháng 8 năm 2006 mới đăng Công báo.

- Về công tác kiểm tra văn bản:

Việc kiểm tra văn bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chưa được đầy đủ và kịp thời. Công tác kiểm tra văn bản do địa phương ban hành còn rất yếu, hầu hết các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành văn bản liên quan đến lĩnh vực giáo dục chỉ gửi cho Bộ để kiểm tra khi có yêu cầu. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không kiểm soát chính xác được trong năm có bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh ban hành.

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng và ban hành văn bản QLNN của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trang 72 - 77)