Những kết quả đạt được

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng và ban hành văn bản QLNN của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trang 68 - 72)

I. MỘT SỐ NHẬN XÉT KHÁI QUÁT VỀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1. Những kết quả đạt được

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản đối với chất lượng của văn bản được ban hành, góp phần thực hiện chức năng QLNN của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác soạn thảo và ban hành văn bản của Bộ, trên cơ sở các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên, ngày 25/4/2006 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL về Giáo dục kèm theo Quyết định 15/2006/QĐ-BGDĐT. Quy trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL đã được thực hiện theo đúng quy chế này. Do đó mà công tác soạn thảo và ban hành văn bản QPPL đã từng bước đi vào nề nếp. Bộ đã xây dựng được kế hoạch ban hành văn bản của năm 2007, trong đó phân công cụ thể đơn vị chủ trì soạn thảo, thời gian ban hành, số lượng, loại văn bản sẽ ban hành trong từng tháng.

Về cơ bản , văn bản QPPL do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đều tuân thủ các quy định của pháp luật và có tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tế và sự thay đổi của Luật Giáo dục năm 2005, tác động tích cực đến tình hình kinh tế xã hội và công tác quản lý của Bộ.

Các văn bản hành chính được soạn thảo và ban hành theo đúng quy định, đúng mục đích sử dụng, yêu cầu của công việc và có tính khả thi cao, góp phần phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ.

Tình hình xây dựng và ban hành văn bản QLNN của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những biến chuyển đáng kể. Năm 2005 số lượng văn bản QPPL của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 55

văn bản, sang năm 2006 đã tăng lên 93 văn bản. Hầu hết các văn bản đều được ban hành theo đúng thẩm quyền, trình tự và thủ tục quy định. Những kết quả cụ thể như sau:

- Về bước soạn thảo văn bản:

Trên cơ sở kế hoạch ban hành các văn bản QPPL của Bộ và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng, các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản đã phân công, chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên thực hiện công việc soạn thảo. Một số văn bản nhất định đã thành lập ban soạn thảo, tổ soạn thảo để tiến hành soạn thảo văn bản.

Các đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản đã chú ý tổng kết tình hình thi hành pháp luật, đề xuất những lĩnh vực mới cần ban hành hoặc cần sửa đổi bổ sung vào văn bản hiện hành cho phù hợp với tình hình mới.

Ví dụ: Trong năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát văn bản QPPL về hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Kết quả của công tác rà soát các văn bản QPPL về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã chỉ ra vướng mắc khi áp dụng các quy định hiện hành về hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, do đó Bộ đã đề xuất một số kiến nghị và có kế hoạch ban hành các văn bản thay thế. Cụ thể: Soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thời gian hoàn thành là tháng 9/2007, Soạn thảo 1 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế quản lý du học tự túc, thời gian hoàn thành là tháng 6/2007, soạn thảo 1 Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thời gian hoàn thành tháng 10/2007.

Ngoài ra các tổ soạn thảo văn bản đã tổ chức các đợt đi thực tế, khảo sát, đánh giá các thực trạng quan hệ xã hội có liên quan đến nội dung cần soạn thảo, do đó mà nội dung các văn bản cần soạn thảo có tính xác thực hơn.

Về nội dung và hình thức của văn bản: Đa số nội dung các văn bản soạn thảo phù hợp với các văn bản của cấp trên như Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của

Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Thể thức và kỹ thuật trình bày được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 55/2005/TTLT-BNV-VPCP của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

Soạn thảo văn bản là bước vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng và ban hành văn bản do đó các đơn vị chủ trì soạn thảo đã có những quan tâm thích đáng cho việc thực hiên bước này.

- Về bước lấy ý kiến tham gia xây dựng dự thảo:

Lấy ý kiến tham gia xây dựng dự thảo là hoạt động góp phần hoàn thiện dự thảo văn bản, nâng cao chất lượng, và tính khả thi của văn bản do Bộ ban hành. Nhận thức được tầm quan trọng này, các văn bản QPPL của Bộ đều được đơn vị chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan đến dự thảo văn bản. Một số văn bản hành chính tuỳ theo tính chất và nội dung mà cơ quan chủ trì soạn thảo lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan.

Việc lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản QPPL của Bộ được tiến hành thông qua nhiều hình thức như: gửi công văn xin ý kiến, tổ chức các cuộc họp, hội nghị thảo luận, qua đó các đơn vị chủ trì thu thập được nhiều ý kiến khác nhau về các phương diện của vấn đề được đề cập trong dự thảo. Nhiều dự thảo văn bản do tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện nên sát thực tế hơn, phản ánh được nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng điều chỉnh của văn bản do đó sau khi ban hành được thực thi và mang lại hiệu quả rõ nét.

- Về bước thẩm định dự thảo:

Thẩm định là bước kiểm tra lại văn bản cả về hình thức và nội dung của văn bản, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của văn bản sau khi ban hành. Vụ Pháp chế được giao nhiệm vụ thẩm định văn bản trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành. Tất cả các văn bản QPPL của bộ sau khi soạn thảo đều đươj đưa đến Vụ Pháp chế để thảm định. Cụ thể năm 2005 Vụ Pháp chế đã thẩm định 55 văn bản QPPL , năm 2006 là 56 văn bản QPPL.

Nội dung thẩm định nhìn chung đạt chất lượng tốt, hầu hết các văn bản đã đưa ra phương án xử lý đối với những vấn đề có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan tham gia ý kiến với ban soạn thảo. Quy trình thẩm định đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản QPPL đối với các văn bản QPPL.

- Về bước xem xét, thông qua văn bản:

Văn bản của Bộ trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành đều được Văn phòng kiểm tra về thể thức và thủ tục, đảm bảo văn bản có hình thức phù hợp với thẩm quyền, tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật và ngôn ngữ soạn thảo, được ban hành đúng trình tự mà pháp luật quy định.

- Về bước công bố, gửi và lưu trữ văn bản:

Văn bản sau khi ban hành được kịp thời gửi đến nơi nhận, gửi đăng công báo và lưu trữ theo quy định.

- Về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản:

Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản được thực hiện định kỳ và thường xuyên theo từng lĩnh vực cụ thể như: quy định về hệ thống và tổ chức, hoạt động của nhà trường; về nội dung, chương trình giáo dục; về tổ chức quá trình giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục; về nhà giáo và cán bộo quản lý; về hợp tác quốc tế; về thanhh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; về đầu tư tài chính… Kết quả rà soát, hệ thống hoá văn bản đã góp phần quan trọng trong công tác ban hành văn bản của Bộ, kịp thời đề xuất để Bộ trưởng ban hành hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản thay thế những văn bản không còn phù hợp với thực tế và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, tạo sự đồng bộ, thống nhất của toàn bộ hệ thống văn bản.

Trong năm 2006, công tác kiểm tra, rà soát văn bản đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả đáng khích lệ với tổng số văn bản đã tiến hành rà soát là 630 văn bản QPPL, kiểm tra 1126 Quyết định cá biệt, 1936 công văn hành chính. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện và đề nghị huỷ bỏ một số công văn, quyết định cá biệt có chứa QPPL.

Nhìn chung, quy trình xây dựng và ban hành văn bản của Bộ được thực hiện khá thống nhất, tuân thủ đầy đủ các bước theo quy định của Bộ và của Luật ban hành văn bản QPPL.

Một phần của tài liệu Quy trình xây dựng và ban hành văn bản QLNN của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trang 68 - 72)