I. MỘT SỐ NHẬN XÉT KHÁI QUÁT VỀ QUY TRÌNH XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
3. Nguyên nhân của hạn chế, thiếu sót
Trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản QLNN của Bộ Giáo dục và Đào tạo mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, thực hiện được một quy trình khá thống nhất trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản, góp phần nâng cao chất lượng của văn bản được ban hành. Nhưng trong việc thực hiện từng bước trong quy trình vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót như đã nêu ở trên. Nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót trên đây có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu sau:
3.1. Về công tác tổ chức, xây dựng văn bản
Việc lập kế hoạch xây dựng văn bản hàng năm và dài hạn của Bộ là một yêu cầu cần thiết. Qua kế hoạch xây dựng văn bản của Bộ, Bộ sẽ phân công cho các đơn vị soạn thảo và quy định thời gian hoàn thành. Khi đó các đơn vị sẽ chú ý và quan tâm đúng mức đến công việc được giao. Tuy nhiên Bộ chưa có dự kiến về chương trình soạn thảo, ban hành văn bản QPPL dài hạn của Bộ. Việc xây dựng kế hoạch soạn thảo, ban hành văn bản hàng năm còn mang nặng tính hành chính và chủ quan. Việc đề xuất soạn thảo văn bản của các đơn vị chưa qua giai đoạn thẩm định có tính chuyên môn, có khi kế hoạch năm của đơn vị chưa xác định rõ loại văn bản. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho công tác soạn thảo văn bản thường chậm, các cá nhân soạn thảo không đi sâu nghiên cứu tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến văn bản cần soạn thảo, làm cho văn bản được ban hành kém tính khả thi trong thực tế.
3.2. Về thể chế, tổ chức
Hệ thống thể chế về ban hành văn bản QLNN nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xây dựng và ban hành văn bản của Bộ chưa hoàn thiện và đầy đủ. Mặc dù Bộ đã có quy định khá chi tiết và cụ thể về quy trình xây dựng và ban hành các văn bản QPPL, nhưng vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể về trình tự soạn thảo, ban hành các văn bản hành chính của Bộ, chưa có văn bản quy định về giá trị pháp lý của văn bản thẩm định của Vụ Pháp chế, cũng như chưa có văn bản nào quy định cụ thể cơ chế kiểm soát việc thực hiện chương trình, việc xử lý các vi phạm trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản. Vì vậy, các đơn vị, cá nhân soạn thảo chưa chú ý quan tâm đúng mức đến chất lượng soạn thảo văn bản, chỉ làm cho xong công việc được giao.
Hệ thống Pháp chế của Bộ mới được thành lập và kiện toàn, lực lượng cán bộ làm công tác soạn thảo, thẩm định còn thiếu. Hiện Vụ Pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có 12/15 cán bộ theo định mức biên chế, do đó khâu thẩm định văn bản còn gặp không ít khó khăn.
3.3. Về nhận thức, năng lực, trình độ của các cán bộ công chức làm công tác soạn thảo và ban hành văn bản công tác soạn thảo và ban hành văn bản
Một số đơn vị, cán bộ, chuyên viên trong Bộ chưa thực sự coi việc soạn thảo, ban hành văn bản là nhiệm vụ quan trọng trong công tác QLNN của Bộ. Vì vậy, chưa đàu tư thích đáng thời gian, công sức cho việc này. Việc soạn thảo các văn bản được các Vụ giao cho các cán bộ công chức trong vụ thực hiện, nhưng các cán bộ công chức này đặc biệt là các thành viên trực tiếp tham gia soạn thảo văn bản thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc, quỹ thời gian đầu tư cho việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến dự thảo, phân tích vấn đề rất hạn hẹp. Bên canh đó, còn có hiện tượng quá chú trọng sao cho văn bản được ký ban hành hoặc làm cho xong tiến độ. Do đó văn bản được soạn thảo chưa đảm bảo về chất lượng còn có nhiều sai sót, hiệu quả không cao.
Số cán bộ làm công tác soạn thảo văn bản ở các đơn vị thuộc Bộ tuy có kinh nghiệm về công tác giáo dục song hầu hết chưa bồi dưỡng cơ bản về pháp luật, kỹ năng soạn thảo nhìn chung còn thấp, trong số cán bộ của các đơn vị
thuộc Bộ ngoài Vụ Pháp chế, hầu như chưa có ai tốt nghiệp đại học luật hoặc bồi dưỡng cơ bản về luật, về kỹ năng soạn thảo văn bản. Đây là nguyên nhân dẫn đến những sai sót về kỹ thuật soạn thảo văn bản.
Lực lượng cán bộ làm công tác soạn thảo, thẩm định văn bản còn thiếu. Hiện Vụ Pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có 12/15 cán bộ theo định mức biên chế, trong đó có 01 Phó giáo sư, tiến sĩ luật học, 05 cán bộ có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ luật, 06 cán bộ có bắng tốt nghiệp trình độ đại học luật, 03 cán bộ có 2 bằng đại học. Số lượng cũng như chất lượng của cán bộ pháp lý của Vụ Pháp chế còn hạn chế ảnh hưởng đến công tác thẩm định văn bản của Bộ. Biên chế của Vụ còn thiếu, trong khi khối lượng công việc ngày cầng nhiều, mỗi cán bộ phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau trong khi công tác thẩm định đòi hỏi về thời gian do đó bước thẩm định thực hiện chưa thực sự hiệu quả.
3.4. Về sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc soạn thảo văn bản
Hiện nay trong phân công và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn có sự bất hợp lý, sự phối hợp chưa đồng bộ nên chưa đạt được kết quả như mong muốn dẫn đến quá trình soạn thảo chậm, không lấy được hết ý kiến các cơ quan, nhiều trường hợp làm đi làm lại nhiều lần.
3.5. Về điều kiện thời gian và kinh phí
Một số văn bản phải soạn thảo gấp do tình thế đòi hỏi. Khi tiến hành soạn thảo nhiều khi chưa cân đối thời gian hợp lý cho việc xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức nên việc góp ý kiến nhiều khi rất chiếu lệ, chất lượng không cao. Cán bộ làm công tác soạn thảo văn bản của các đơn vị thường đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ thường xuyên khác nên chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, giải quyết những vướng mắc khi soạn thảo.
Ngày 23/10/2006, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 100/2006/TT- BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản QPPL, trong đó quy định cụ thể nội dung chi, mức chi, đối với việc soạn thảo các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ truởng cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên, mức chi và kinh phí dành cho
việc soạn thảo văn bản, đặc biệt là các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác soạn thảo. Quy trình soạn thảo văn bản phải tiến hành nhiều công việc cần thiết như điều tra, khảo sát, đánh giá, tổng kết thực tiễn, biên dịch tài liệu, lấy ý kiến của các nhà khoa học…Nếu thực hiện tất cả các công việc trên thì kinh phí đã quy định như trong Thông tư số 100/2006/TT-BTC là không đủ. Mặt khác, cũng là văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhưng Quyết định, Thông tư có kinh phí, còn Chỉ thị lại không có kinh phí.
Điều kiện thời gian và kinh phí là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; tiến hành việc khảo sát thực tế. Do đó mà các văn bản ban hành nhiều khi chưa có tính xác thực do không có điều kiện để tiếp thu nhiều ý kiến cũng như đi khảo sát thực tế.
Những nguyên nhân nêu trên đã làm cho công tác xây dựng và ban hành văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót, chưa đảm bảo chất lượng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ. Do đó cần có các biện pháp khắc phục.